Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) vừa công bố kết quả của các nước tham gia chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) năm 2015. Kết quả khảo sát cho thấy, lĩnh vực Khoa học, Việt Nam đứng thứ 8 (top 10); Lĩnh vực Toán học, Việt Nam đứng thứ 22; Lĩnh vực Đọc hiểu là 32.

Sau  khi có kết quả trên, phóng viên VOV.VN phỏng vấn Tiến sĩ Lê Thị Mỹ Hà, Giám đốc Quốc gia PISA Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Đánh giá chất lượng giáo dục, trực thuộc Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT).

PV: Thưa bà, kết quả đánh giá của tổ chức OECD đối với học sinh Việt Nam đã cho thấy điều gì?

TS Lê Thị Mỹ Hà: Kết quả PISA năm 2015 cho thấy một số điểm nổi bật về năng lực của học sinh Việt Nam ở ba lĩnh vực: Khoa học, Toán học, Đọc hiểu. Học sinh Việt Nam có thể đáp ứng được các yêu cầu của OECD trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Các em đã biết vận dụng kiến thức đã học để giải quyết các tình huống thực tiễn trong bài thi PISA.

Đặc biệt, kết quả Top 10 ở lĩnh vực Khoa học mang đến cho Việt Nam một ý nghĩa quan trọng về sự phát triển năng lực của học sinh. Đa số các em đã nắm vững kiến thức khoa học cơ bản, phát huy được khả năng lập luận, giải thích và áp dụng kiến thức khoa học vào giải quyết nhiều tình huống thực tiễn của cuộc sống.

Kết quả PISA là một minh chứng cho thấy, giáo dục Việt Nam đã không ngừng vận động, đổi mới và phát triển trong thời gian qua, đã gặt hái được một số thành tựu đáng kể. Điều này đã góp phần thay đổi cách nhìn nhận, đánh giá về giáo dục Việt Nam trong con mắt của chính người Việt Nam và bạn bè quốc tế.

PV: Xin bà cho biết lý do vì sao trong lĩnh vực Khoa học, học sinh Việt Nam lại có thể xếp thứ 8 (nằm trong Top 10 nước có kết quả xuất sắc nhất) trong kết quả đánh giá PISA?

TS Lê Thị Mỹ Hà: Lĩnh vực Khoa học là lĩnh vực trọng tâm của kỳ đánh giá PISA 2015 nên có thêm nhiều bài thi, tình huống mới hiện đại, nhiều câu hỏi khó hơn so với kỳ đánh giá 2012. So với kỳ đánh giá năm 2012, điểm Khoa học của Việt Nam thấp hơn 4 điểm nhưng vẫn xếp thứ 8, duy trì thứ hạng Khoa học của PISA 2012.

Thực chất ở kỳ đánh giá này, học sinh Việt Nam vượt qua được các bài thi khoa học mới, hiện đại với độ khó và độ phức tạp cao hơn kỳ 2012. Điều đó chứng tỏ rằng, năng lực giải quyết các vấn đề khoa học của học sinh Việt Nam khá tốt.

ba_le_thi_my_ha_ihei.jpg
Tiến sĩ Lê Thị Mỹ Hà

Học sinh đọc hiểu tốt phải được trải nghiệm ngoài xã hội

PV:Trong khi các môn Toán và Khoa học được đánh giá cao thìkhả năng Đọc hiểu của học sinh nước ta lại thấp hơn hai lĩnh vực Toán học và Khoa học, chỉ đạt 487 điểm, xếp thứ 30, tương đương với điểm trung bình của các nước OECD. Theo bà cần có thay đổi nào trong cách giảng dạy, học tập để học sinh Việt Nam có khả năng đọc hiểu tốt hơn?

TS Lê Thị Mỹ Hà: Đọc hiểu của PISA là đọc và hiểu các vấn đề toán học, khoa học, văn học, các vấn đề xã hội và giải quyết các vấn đề ấy trong tình huống thực tiễn, nêu ý kiến, quan điểm cá nhân của học sinh.

Khác với lĩnh vực Khoa học và Toán học, lĩnh vực Đọc hiểu không phải là môn học cụ thể được dạy trong nhà trường, mà học sinh phải tích luỹ qua quá trình học tập các môn học, tích luỹ trong gia đình và trải nghiệm ngoài xã hội. Ngoài ra, học sinh cần phải hiểu đúng các câu hỏi và trả lời đúng các yêu cầu đặt ra trong bài thi PISA thì mới hoàn thành tốt bài thi và đạt điểm.

Do đó, việc rèn luyện và phát triển năng lực đọc hiểu cho học sinh cần phải được chú trọng từ khi các em còn nhỏ, sống trong gia đình và sau này là đến trường học. Mỗi giáo viên cần quan tâm đến việc cho học sinh đọc và hiểu các vấn đề khoa học, toán học, văn học và các vấn đề xã hội, giúp các em giải quyết những vấn đề ấy như thế nào, xử lý các tình huống ấy ra sao để đạt được hiệu quả cao nhất. Như vậy, học sinh sẽ phát triển năng lực về đọc hiểu ngày một tốt hơn.

PV: Từ các kết quả đánh giá PISA của tổ chức OECD, Bộ GD-ĐT sẽ có những giải pháp gì để thúc đẩy chất lượng giáo dục của Việt Nam, thưa bà?

TS Lê Thị Mỹ Hà:Từ kết quả PISA chu kỳ 2012, 2015, theo tôi biết, Bộ sẽ thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm trước mắt và lâu dài như: Tiếp tục làm tốt các hoạt động triển khai PISA 2018 và các chu kỳ tiếp theo. Bên cạnh đó, Bộ sẽ xây dựng và phát triển đội ngũ chuyên gia đánh giá giáo dục cấp trung ương và địa phương, đào tạo đội ngũ giáo viên giỏi của các tỉnh/thành để phát triển hệ thống đánh giá trên lớp học và trên diện rộng cấp quốc gia, quốc tế tại Việt Nam.

Bộ tiếp tục vận dụng quy trình kỹ thuật đánh giá năng lực của PISA vào đổi mới dạy học, kiểm tra và đánh giá học sinh trên lớp học và trên diện rộng; Cải tiến phương pháp dạy học để phát huy tư duy độc lập, cá tính sáng tạo của học sinh và khả năng vận dụng kiến thức đã học giải quyết các vấn đề thực tiễn.

Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cũng sẽ xây dựng hệ thống ngân hàng câu hỏi, ngân hàng đề kiểm tra đảm bảo kỹ thuật để giáo viên sử dụng đánh giá trên lớp học và đánh giá trên diện rộng; Xây dựng chương trình và sách giáo khoa sau 2015 theo hướng phát triển năng lực của học sinh cũng là một trong những giải pháp hữu hiệu để nâng cao chất lượng giáo dục.

PV: Xin cảm ơn bà!./.