Sau gần 2 năm Bộ GD-ĐT cho phép các trường tự chủ mở ngành học, nhiều trường mở mới đến hàng chục ngành đào tạo, từ bậc đại học cho đến đào tạo thạc sĩ. Nhiều người lo ngại về sự hỗn loạn trong mở ngành và chất lượng đào tạo.
Lạm phát ngành “hot”
Xu thế hiện nay là giao quyền tự chủ cho các trường đại học (ĐH). Các trường sẽ được chủ động mở ngành mà không cần đến quyết định của Bộ GD-ĐT. Kết quả, chỉ tính riêng năm 2016, các trường ĐH mở hơn 70 ngành mới theo Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động giai đoạn 2015-2017.
Loạn mở ngành ở bậc ĐH, sinh viên sẽ phải gánh chịu hậu quả (ảnh minh họa) |
Cụ thể, Trường ĐH Kinh tế TP HCM mở 13 chuyên ngành đào tạo mới, trong đó chủ yếu là các ngành thiên về kinh tế như kinh tế học, kinh tế nông nghiệp, kinh tế quốc tế, quản trị khởi nghiệp, kinh doanh thương mại, quản trị truyền thông, kế toán công, thương mại điện tử... Trường ĐH Công nghiệp TP HCM cũng mở thêm 15 ngành mới, trong đó có cả các ngành: kiểm toán, marketing, kinh doanh quốc tế, luật kinh tế, luật quốc tế…
Đa số các ngành mới mở thuộc khối ngành kinh tế, quản lý, công nghệ thông tin… được cho là các ngành “hot”, hầu như trường nào cũng có, gây lo ngại bị bão hòa, lãng phí nhân lực trong xã hội. Cách đây khoảng 7-8 năm, nhiều trường ĐH ồ ạt mở các ngành như kế toán, quản trị kinh doanh, ngoại ngữ, văn phòng… dẫn tới sự bão hòa, thậm chí nhiều trường không chuyên đào tạo kinh tế cũng mở những ngành học này, dẫn tới tình trạng không ít trường phải đóng cửa ngành vì không tuyển sinh được.
“Nếu các trường đại học chưa đủ năng lực mà đào tạo (đặc biệt ngành cần năng lực chuyên sâu) thì đấy chính là bi kịch cho thị trường đào tạo nguồn nhân lực”.
TS. Trần Đình Lý, Trưởng Phòng Đào tạo, trường ĐH Nông Lâm TP HCMTheo các chuyên gia giáo dục, khái niệm ngành “hot” đến từ 2 yếu tố: Một là, ngành thực sự quan trọng về nhu cầu thị trường lao động, nó có thật; Hai là, việc “tung hô” nhờ trợ giúp của công nghệ. Ngành “hot” loại này chắc chắn không bền vững vì không có thật. Tuy nhiên cần nói thêm, ngành chia theo nhu cầu thị trường lao động cũng có 2 dạng: Nhu cầu thiết yếu và nhu cầu không thiết yếu. Những ngành đáp ứng cho nhu cầu thiết yếu (y, dược) sẽ được đáp ứng từ 2 nguồn: Nguồn tin cậy (các trường có uy tín) và từ các trường “đua nhau mở ồ ạt”.
Tiến sĩ Nguyễn Tấn Vui, Hiệu trưởng ĐH Tây Nguyên chia sẻ: Giai đoạn từ năm 2005-2009, trường có liên kết với Trường ĐH Y Dược TP HCM đào tạo dược sĩ ĐH được 5 khóa, tổng cộng chưa tới 100 dược sĩ được cấp bằng để phục vụ nguồn lực cho địa phương. Sau đó, trường thôi không liên kết nữa vì thấy hiệu quả đào tạo không cao, chất lượng dạy và học không bảo đảm do trường chưa đủ đội ngũ giảng viên cơ hữu cho khoa Dược.
TS Nguyễn Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục Đại học nhận định, ở các nước, việc mở ngành phụ thuộc vào 2 yếu tố chính: Một là dựa trên nhu cầu thực tế xã hội. Hai là dựa trên điều kiện cơ sở vật chất, điều kiện giảng dạy, đặc biệt là đội ngũ giảng viên. Họ cho phép mở nhưng nếu “sản phẩm” đầu ra chưa được công nhận và chương trình chưa được kiểm định thì bằng cấp đó cũng không được công nhận. Còn ở mình vẫn quan niệm, cứ được giấy phép là mở, còn sau đó chất lượng sản phẩm đầu ra thì buông lỏng hoàn toàn.
Do cơ chế hiện nay của mình như vậy đã tạo một lỗ hổng quá lớn về quản lý Nhà nước. TS. Khuyến lấy dẫn chứng, Trường ĐH Buôn Ma Thuột vốn chỉ là một trường trung cấp non trẻ vừa “lên đời”, lập tức đã được tuyển sinh đào tạo ĐH cả ngành bác sĩ đa khoa lẫn dược sĩ, dư luận sao không khỏi lo lắng?!
Cơ cấu lại ngành nghề theo nhu cầu xã hội
Theo PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, hiện nay việc sắp xếp ngành nghề ở các trường ĐH không khoa học nên sinh ra đào tạo nhiều ngành nghề một cách riêng lẻ. Ông cho rằng, nhiều trường không đủ uy tín, nếu thả lỏng, họ sẽ tuyển sinh đông đúc, đào tạo không đảm bảo chất lượng, hậu quả là xã hội, gia đình và bản thân sinh viên phải chịu thiệt thòi, điển hình là tình trạng thất nghiệp của trí thức hiện nay.
Theo TS Khuyến, trong khi mục tiêu của chúng ta là đi vào cuộc CMCN 4.0, CNH-HĐH nhưng theo thống kê, lực lượng lao động hiện nay có đến 84,6% không được qua đào tạo chuyên môn. Vậy thì lấy đâu là nhân lực để phát triển kinh tế tri thức, CNH-HĐH trong khi yêu cầu lao động chuyên môn kỹ thuật phải 70 - 80%.
Theo danh mục giáo dục, đào tạo cấp 4 trình độ đại học vừa được Bộ GD-ĐT ban hành, hiện nay có 366 ngành đào tạo, tăng thêm 40% so với danh mục được ban hành năm 2010.
Từ năm 2010 đến nay, Bộ đã dừng tuyển sinh 101 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ, 161 chuyên ngành thạc sĩ; thu hồi quyết định đào tạo đối với 57 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ, 32 ngành, chuyên ngành đào tạo thạc sĩ; cảnh cáo 207 ngành và dừng tuyển sinh đối với gần 100 ngành đào tạo trình độ đại học vì không duy trì điều kiện đảm bảo chất lượng trong quá trình thực hiện.
Vì thế, cơ cấu nhân lực nên điều chỉnh theo nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, chứ không phải trăm hoa đua nở như hiện nay. Đồng thời, phải xem xét lại để có chính sách rõ ràng chứ hiện nay không có cơ chế kiểm định nên cấp phép ồ ạt sẽ gây rối loạn cơ cấu nguồn nhân lực; Xây dựng quy trình kiểm định chất lượng sản phẩm của các trường để công nhận về chất lượng. Chứ cứ tự chủ, tự do mở ngành nghề sẽ dẫn đến tình trạng hỗn loạn ngành nghề khiến xã hội trả giá, mà sinh viên là nạn nhân.
Ở góc độ quản lý, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH cho rằng: Để chuẩn bị mở rộng tự chủ ĐH, Bộ GD-ĐT đã chuẩn bị xây dựng các chuẩn đảm bảo chất lượng khi mở ngành để các trường thực hiện; đã yêu cầu các trường phải công khai đề án mở ngành và các điều kiện đảm bảo chất lượng khác, việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp để người học và xã hội giám sát; đã quy định hệ thống chế tài xử lý vi phạm và sẽ thanh kiểm tra thường xuyên, xử lý vi phạm nghiêm minh.
Với mỗi người học, phải có trách nhiệm tìm hiểu kỹ thông tin, yêu cầu nhà trường cung cấp đủ thông tin, chỉ lựa chọn trường đào tạo tốt, công khai, minh bạch các điều kiện đảm bảo chất lượng./.
Thi THPT Quốc gia 2018: Nhiều học sinh đăng ký trên 10 nguyện vọng
Các trường đại học Việt Nam vắng bóng trong bảng xếp hạng quốc tế