Là một trong hai quận có số lượng trường cơ sở mầm non tư thục lớn nhất Hà Nội, bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng Phòng GD&ĐT Hà Đông cho biết, đợt nghỉ dịch vừa qua khoảng 30/280 trường, nhóm lớp mầm non tư thục trên địa bản quận phải giải thể. Nguyên nhân, trường không hoạt động nhưng vẫn phải trả chi phí cho việc thuê mặt bằng hằng tháng.
Các cơ sở giáo dục mầm non còn lại gặp khó khăn khi thiếu hụt hơn 300 giáo viên (trong đó 113 biên chế giáo viên trường công lập) và khoảng hơn 30% giáo viên chuyển sang làm công việc khác, không có nhu cầu quay trở lại dạy học. Hiện nhiều cơ sở vừa tích cực tuyển mới, vừa phải kêu gọi, động viên, tăng đãi ngộ thu hút giáo viên chuyển nghề quay trở lại làm việc.
Đây là thực trạng đang diễn ra ở Hà Nội khi mở cửa trường mầm non trở lại. Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, hơn 300 cơ sở giáo dục mầm non tư thục trên địa bàn thành phố giải thể. Trong khi đó các trường mở cửa thì hoạt động cầm chừng vì không có giáo viên, cơ sở vật chất chưa thể đáp ứng hết. Vì vậy bài toán sắp xếp chỗ học cho trẻ trong bối cảnh thiếu trường, thiếu giáo viên là vấn đề cấp thiết ở Hà Nội lúc này.
Để giải quyết bài toán chỗ học cho trẻ, trước mắt Phòng GD&ĐT Hà Đông yêu cầu các trường công lập hoạt động tối đa công suất, ưu tiên cho trẻ mầm non 5 tuổi nhập học, chuẩn bị tốt nhất cho các em trước khi vào lớp 1 năm học tới.
Sở Nội vụ Hà Nội cũng vừa cho phép Phòng GD&ĐT Hà Đông ký 105 hợp đồng ngắn hạn, đảm bảo đáp ứng đủ giáo viên công lập đứng lớp trên số trẻ đến trường. Còn với các trường tư thục đây vẫn là bài toán khó trong tìm kiếm nhân sự.
Bà Phạm Đàm Thục Hạnh, Trưởng phòng GD&ĐT quận Hoàng Mai cho hay, hiện 50 trường mầm non và 352 nhóm trẻ trên địa bàn quận mở cửa trở lại. Trước đó, toàn quận ghi nhận 1 trường mầm non tư thục và 61 nhóm trẻ bị giải thể do không đủ kinh phí duy trì hoạt động. Các trường tư thục còn lại khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu gửi con của phụ huynh.
Số lượng trẻ từ các trường bị giải thể dồn lại làm tăng nhu cầu cần gửi, trong khi hầu hết các trường không đủ giáo viên đứng lớp. Từ đó xảy ra tình trạng nhiều trẻ chưa thể đến trường, đặc biệt trong độ tuổi 3 - 4 tuổi có được suất học rất khó khăn.
Còn gần 2 tháng nữa sẽ kết thúc năm học 2021 - 2022, Phòng GD&ĐT quận ưu tiên chỉ đạo các trường công lập và tư thục còn hoạt động khẩn trương tiếp nhận, sắp xếp lớp cho các bé 5 tuổi đến trường. Đảm bảo trẻ hoàn thành chương trình học đúng thời điểm, đủ điều kiện, kỹ năng trước khi chuyển tiếp lên lớp 1 vào năm học tới.
Bà Nguyễn Thị Hương, Trưởng phòng GD&ĐT quận Nam Từ Liêm thông tin, toàn quận có 10 nhóm lớp thông báo giải thể. Số lượng dân cư đông, quận phải dựa nhiều vào hệ thống mầm non tư thục để đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của người dân, vì công lập đang quá tải. Toàn quận có 50 trường mầm non với 23.585 trẻ. Trong đó, trường công lập 9.056 trẻ, trường ngoài công lập 5.104 trẻ, nhóm lớp tư thục độc lập lên tới 9.425 trẻ.
Để giải quyết bài toán thiếu trường, thiếu giáo viên, Phòng GD&ĐT quận ưu tiên chỉ đạo cho các trẻ ở trường bị giải thể chuyển về học tại các trường công lập. Phụ huynh có thể gửi con học trường công lập, hoặc hệ thống ngoài công lập theo nguyện vọng. Phòng cũng khuyến khích các chủ đầu tư nhanh chóng thành lập mới các cơ sở mầm non tư thục để cân bằng lại cung và cầu.
Theo lãnh đạo phòng GD&ĐT quận Ba Đình, trong năm qua, toàn quận ghi nhận 5 trường ngoài công lập và 4 nhóm lớp giải thể. Tỷ lệ trẻ đi học trong 3 ngày đầu tiên đạt 80%, tuy nhiên, nếu những ngày tiếp theo trẻ đi học đủ thì số giáo viên còn thiếu là 215 người.
Đại diện phòng GD&ĐT quận Hoàn Kiếm cho hay, qua khảo sát, khoảng 30 - 40% giáo viên mầm non tại các cơ sở, nhóm lớp độc lập có ý định xin thôi việc hoặc không muốn quay trở lại làm việc sau khi trường mầm non mở cửa. Nguyên nhân chủ yếu do lương và đãi ngộ thấp, thời gian làm việc cao, nhiều giáo viên chuyển nghề bán hàng online, kế toán, nhân viên sale trong thời gian chờ mở cửa.
Phòng đang tích cực phối hợp với một số đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch tổ chức phiên giao dịch việc làm dành riêng cho giáo viên mầm non nhằm bổ sung nhân lực cho bậc học này.
Theo thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội, sau 3 ngày trẻ đi học trở lại, tỷ lệ trẻ đến lớp ở các trường công lập vào khoảng 75%. Số trẻ ở các nhóm lớp tư thục đi học cũng đạt tỷ lệ tương đương. Dự báo, số trẻ mầm non đến trường sẽ tăng dần lên trong những tuần tới, khi các phụ huynh đưa con từ quê lên và chuẩn bị tâm lý sẵn sàng hơn cho việc đưa trẻ trở lại trường.
Hiện Sở GD&ĐT chưa có con số thống kê đầy đủ về lượng giáo viên mầm non đang thiếu, nhất là ở trường tư thục và nhóm lớp. Sở đang cập nhật số liệu này để sắp xếp giáo viên, tạo điều kiện cao nhất để 100% trẻ trong độ tuổi 3 -5 được đến trường học trực tiếp.
Liên quan giải pháp khôi phục hoạt động các cơ sở mầm non tư thục, ngoài công lập, ông Chử Xuân Dũng, Phó chủ tịch UBND Hà Nội đề nghị, Sở GD&ĐT tạo điều kiện thuận lợi, nhất là khi các trường có nhu cầu thành lập mới, tránh rườm rà về thủ tục hành chính.
Nhằm thu hút đội ngũ giáo viên mầm non quay trở lại, các trường cần công bố rộng rãi thông tin về nhu cầu tuyển dụng để họ có điều kiện tiếp cận; đồng thời tổ chức bồi dưỡng giáo viên, nâng cao chất lượng giáo dục./.