Chiều nay (2/11), Quốc hội sẽ thảo luận và quyết định việc lùi thời điểm triển khai áp dụng chương trình, sách giáo khoa (CT, SGK) giáo dục phổ thông mới tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (Nghị quyết 88). 

Bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (VHGDTNTN&NĐ) của Quốc hội cho biết, nếu đúng theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội thì việc thực hiện CT, SGK giáo dục phổ thông mới sẽ được áp dụng chính thức từ năm học 2018-2019.

ba_ngo_thi_minh_vov_xrti.jpg
Bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội 

Tuy nhiên, đến nay, sự chuẩn bị của Chính phủ mới chỉ xong được chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (được Ban Chỉ đạo Đổi mới CT, SGK giáo dục phổ thông của Bộ GD-ĐT thông qua ngày 27/7/2017).

Sau đó, còn rất nhiều việc phải làm như: xây dựng chương trình từng môn học, hoạt động giáo dục; biên soạn, thẩm định sách giáo khoa (kể cả tài liệu giao cho các địa phương biên soạn); giảng dạy thí điểm, rút kinh nghiệm, điều chỉnh sách giáo khoa và triển khai đại trà... Đồng thời là việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết như tập huấn đội ngũ giáo viên, chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất để thực hiện công việc này.

Ngoài ra, còn nhiều vấn đề như: Tài chính, sắp xếp đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý theo hướng tinh giản; giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên trong các cơ sở giáo dục, cấp học, địa phương… Do vậy, ngành giáo dục chưa thể vội vàng thực hiện chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới được mà cần có thời gian chuẩn bị, cũng như sự phối hợp, hỗ trợ của nhiều Bộ, ngành khác.

Về đề xuất của Chính phủ lùi thời gian thực hiện sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới theo Nghị quyết 88, Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội đã có Phiên họp toàn thể Ủy ban để thẩm tra Tờ trình này.

Theo Tờ trình, Chính phủ đề xuất lùi thời gian thực hiện CT, SGK giáo dục phổ thông mới là 1 năm và thực hiện theo phương thức cuốn chiếu ở mỗi cấp học trên phạm vi toàn quốc đối với cấp tiểu học từ năm học 2019-2020, đối với cấp trung học cơ sở từ năm học 2020-2021 và đối với cấp trung học phổ thông từ năm học 2021-2022, không triển khai đồng thời ở lớp đầu của cả ba cấp học như quy định tại Nghị quyết 88.

Như vậy, so với lộ trình được quy định trong Nghị quyết của Quốc hội, việc áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới sẽ chậm lại 1 năm ở các lớp tiểu học, 2 năm ở các lớp trung học cơ sở và 3 năm ở các lớp trung học phổ thông.

Trước đề xuất trên, đa số các thành viên của Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội chấp nhận Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, còn  gần 1/3 đại biểu Quốc hội thành viên Ủy ban dự họp (11/35 người) vẫn còn băn khoăn về tính khả thi của phương án lùi thời gian 1 năm như đề xuất trong Tờ trình.

Các thành viên này cho rằng, với những điều kiện chưa đủ như trên thì nên lùi thời gian thực hiện CT, SGK giáo dục phổ thông mới là 2 năm và đề nghị Chính phủ xem xét thận trọng hơn.

Vì vậy, quyền quyết định lùi thời gian thực hiện CT, SGK giáo dục phổ thông mới để khi áp dụng vào thực tế giảng dạy đạt hiệu quả nhất là thuộc về Quốc hội.

Chất lượng SGK phải được đặt lên hàng đầu

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông cho biết, Bộ GD-ĐT đã thông qua chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Tiếp đến là công đoạn biên soạn chương trình các môn học và hoạt động giáo dục, trong đó có hoạt động trải nghiệm.

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết

Sắp tới, Bộ GD-ĐT sẽ công bố chương trình các môn học và hoạt động giáo dục để trưng cầu ý kiến xã hội 60 ngày trước khi hoàn thiện, đưa lên các hội đồng thẩm định chương trình xem xét, phê duyệt. Lúc đó, các tổ chức, cá nhân mới có thể dựa vào chương trình để viết sách giáo khoa phổ thông mới.

Chương trình Hoạt động trải nghiệm cũng đang biên soạn, chưa được thẩm định, ban hành nên việc biên soạn sách hướng dẫn hoạt động này cũng chưa thể triển khai được.

Đóng góp vào việc biên soạn SGK mới, GS.TSKH Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội nêu quan điểm, mốc thời gian để phát hành SGK mới là tháng 4/2018 đã được đưa ra theo như Nghị quyết của Quốc hội.

Chúng ta cố gắng thực hiện việc biên soạn theo như tiến độ đưa ra trong Nghị quyết của Quốc hội. Tuy nhiên, nếu mốc thời gian như trên mà không đảm bảo chất lượng biên soạn SGK thì chúng ta cũng phải cân nhắc vì dù sao đây là điều quan trọng phải được đặt lên hàng đầu.

Khi cần thiết thì ban soạn thảo cũng có thể nghĩ đến vấn đề giãn tiến độ để đảm bảo chất lượng biên soạn SGK.

Việc viết SGK phải được chuẩn bị kỹ với nhiều kiến thức, lựa chọn nội dung... Để triển khai thực hiện giảng dạy chương trình SGK mới, chúng ta phải nghĩ tới việc tập huấn cho đội ngũ giáo viên. Bên cạnh đó, các trường học phải chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học để phục vụ giảng dạy theo chương trình SGK mới./.