Bên cạnh việc cho ý kiến về các dự án luật, tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội sẽ thảo luận và quyết định việc lùi thời điểm triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Đó là nội dung được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu ra trong bài phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV vào sáng 23/10.
Lùi thời gian thực hiện sách giáo khoa mới ít nhất 1 năm
Báo cáo Thẩm tra sơ bộ về tình hình thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông của Ủy ban Văn hóa-Giáo dục-Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội vừa trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy, đa số các ý kiến đề nghị lùi thời gian thực hiện áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới.
Theo Tờ trình, Chính phủ đề nghị áp dụng chương trình và sách giáo khoa mới theo phương thức cuốn chiếu ở mỗi cấp học trên phạm vi toàn quốc đối với cấp tiểu học từ năm học 2019-2020, đối với cấp trung học cơ sở từ năm học 2020-2021 và đối với cấp trung học phổ thông từ năm học 2021-2022. Như vậy, so với lộ trình được quy định trong Nghị quyết của Quốc hội, việc áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới sẽ chậm lại 1 năm ở các lớp tiểu học, 2 năm ở các lớp trung học cơ sở và 3 năm ở các lớp trung học phổ thông.
Theo Nghị quyết của Quốc hội, chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) và sách giáo khoa mới sẽ được bắt đầu triển khai áp dụng theo hình thức cuốn chiếu đối với mỗi cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông từ năm học 2018-2019.
Tuy nhiên, việc xây dựng, thẩm định, thực nghiệm và ban hành chương trình mới còn chậm, chưa bảo đảm theo lộ trình và tiến độ đặt ra. Riêng việc ban hành chương trình tổng thể đã chậm hơn 1 năm so với kế hoạch. Chương trình các môn học vẫn chưa hoàn thiện để tạo cơ sở cho việc biên soạn, thẩm định, thực nghiệm sách giáo khoa cũng như bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên. Các địa phương chưa có căn cứ để chuẩn bị biên soạn phần nội dung giáo dục của địa phương; cơ sở giáo dục cũng chưa có căn cứ để xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp theo tinh thần Nghị quyết.
Đặc biệt là sự chậm trễ trong việc chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên, mặc dù các nội dung này đã được xác định rất rõ trong Nghị quyết của Quốc hội. Đến nay, đề án về bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình GDPT chưa được phê duyệt; đề án đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục triển khai còn chậm; đội ngũ giáo viên phổ thông chưa được chuẩn bị kỹ, nhất là những yêu cầu liên quan đến dạy học tích hợp, dạy học trải nghiệm, đổi mới phương pháp dạy học và đổi mới kiểm tra, đánh giá…
Nội dung kinh phí cũng chưa được xác định đầy đủ, chủ yếu mới tính toán được phần kinh phí phục vụ các hoạt động ở cấp trung ương, chưa rõ phần kinh phí của địa phương; nhiều tỉnh sẽ khó khăn trong việc bố trí ngân sách để thực hiện chương trình GDPT mới.
Ngoài ra, việc đánh giá kết quả thực hiện NQ88 trong báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội định kỳ hằng năm cũng chưa được thực hiện theo đúng tinh thần của Nghị quyết.
Sách giáo khoa mớicần phải được chuẩn bị kỹ lưỡng
Do việc triển khai xây dựng chương trình, sách giáo khoa mới và các điều kiện bảo đảm đã bị chậm nên Ủy ban Văn hóa-Giáo dục-Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội kiến nghị lùi thời điểm áp dụng chương trình mới là cần thiết để có đủ thời gian chuẩn bị, tạo sự đồng thuận trong xã hội khi triển khai đại trà. Nội dung này cũng đã được các đại biểu thành viên Ủy ban đặt ra tại các phiên làm việc với Bộ GD-ĐT tháng 5 và tháng 9/2017.
Mục tiêu, yêu cầu và nội dung đổi mới chương trình, sách giáo khoa theo tinh thần Nghị quyết 88 có tầm quan trọng, ý nghĩa đối với sự phát triển giáo dục nước nhà. Những kết quả đạt được là tích cực, đáng ghi nhận, song những công việc triển khai trong thời gian tới còn rất lớn. Thường trực Ủy ban đề nghị Chính phủ và Bộ GD-ĐT tiếp tục tập trung chỉ đạo, hoàn thiện chương trình, sách giáo khoa, tích cực chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất và đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý GDPT, bảo đảm tính khả thi và chất lượng thực hiện chương trình.
Nghị quyết 88 đặt ra những yêu cầu rất khắt khe đối với việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Từ nay cho đến lúc áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới, khối lượng công việc cần triển khai là rất lớn, từ việc xây dựng chương trình môn học, biên soạn, thẩm định, thí điểm, lựa chọn sách giáo khoa, xây dựng và thẩm định nội dung giáo dục địa phương đến việc tập huấn, đào tạo đội ngũ giáo viên, chuẩn bị trang thiết bị trường, lớp học, môi trường làm việc và học tập...
Tất cả những việc này cần phải được chuẩn bị kỹ lưỡng để bảo đảm chất lượng triển khai chương trình; tránh lặp lại những hạn chế, bất cập do việc triển khai thiếu đồng bộ như đã xảy ra khi thực hiện Nghị quyết 40/2000/QH10 của Quốc hội.
Thường trực Ủy ban cũng đề nghị Chính phủ và Bộ GD&ĐT cân nhắc dành thời gian thích đáng cho việc thực nghiệm chương trình, sách giáo khoa mới. Đổi mới chương trình, sách giáo khoa lần này bao gồm nhiều nội dung, phương thức tổ chức giáo dục mới; do vậy, cần thực nghiệm nghiêm túc, cẩn trọng trước khi áp dụng đại trà.
Mặc dù Quyết định 404 của Thủ tướng Chính phủ đã có sự phân công trách nhiệm giữa trung ương, địa phương trong xây dựng và triển khai chương trình mới; tuy nhiên, do thiếu hướng dẫn, các địa phương và cơ sở giáo dục rất lúng túng trong việc xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai các phần việc của mình. Bên cạnh đó, việc xác định các nội dung ưu tiên đầu tư, hỗ trợ cho các địa phương miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn cũng cần được làm rõ để bảo đảm chất lượng triển khai chương trình mới trên cả nước.
Thường trực Ủy ban đề nghị Chính phủ, Bộ GD-ĐT định kỳ cung cấp thông tin đến Quốc hội, Ủy ban và cử tri cả nước về tình hình thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT; hằng năm nghiêm túc đánh giá kết quả triển khai Nghị quyết 88 trong báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trình Quốc hội theo quy định tại Điều 3 của Nghị quyết./.
Cấm dạy nội dung ngoài sách giáo khoa: Ai chịu thiệt?
Bộ GD-ĐT lý giải về tranh luận cấm dạy nội dung ngoài sách giáo khoa
Lùi thời gian thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới là hợp lý?