Bộ GD-ĐT vừa ban hành Thông tư về quy chế tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ. Trước quy chế mới của Bộ, các trường đại học (ĐH) đã có những phản ứng, ý kiến đóng góp khác nhau.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM cho rằng, từ lâu nay, việc đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam bị nới lỏng, chưa đạt được chất lượng theo quy định.

Thực tế cho thấy, nhiều công trình nghiên cứu của tiến sĩ đều bị “xếp xó”, trở thành đống giấy vụn vì không có tính ứng dụng thiết thực vào cuộc sống. Như vậy, sự nghiên cứu đó là rất lãng phí cho xã hội. Nếu việc học tiến sĩ là chỉ để “lên chức, lên quyền” thì đó là điều đáng lo ngại.

dao_tao_tien_si_4_kefv.jpg
Nếu việc học tiến sĩ là chỉ để “lên chức, lên quyền” thì đó là điều đáng lo ngại (ảnh chỉ mang tính minh họa)

Bày tỏ sự ủng hộ việc Bộ GD-ĐT đưa ra Thông  tư siết chặt việc đào tạo tiến sĩ ở cơ sở giáo dục ĐH, ông Đỗ Văn Dũng thẳng thắn nêu quan điểm: Người đạt được trình độ tiến sĩ phải có kiến thức sâu rộng và có những tìm tòi, phát hiện những điều mới lạ được giới nghiên cứu khoa học trên thế giới công nhận thông qua những bài báo quốc tế. Những nghiên cứu đó phải có tính ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống một cách có hiệu quả.

Quy định về việc ngay từ khi tuyển sinh tiến sĩ, các ứng viên phải có trình độ tiếng Anh theo tiêu chuẩn quốc tế là hoàn toàn đúng đắn vì tiến sĩ nếu không nói thông thạo và dịch được các công trình nghiên cứu bằng tiếng Anh thì như “người mù chữ”.

Tuy nhiên, để thực hiện quy chế mới trong đào tạo tiến sĩ, hiện nay, các trường đại học đang phải đối diện với khó khăn về lệ phí để cho nghiên cứu sinh tham gia các hội thảo quốc tế hay đăng bài trên các tạp chí ISI. Trong khi lệ phí đăng bài trên các tạp chí theo quy định của Bộ GD-ĐT và Bộ Tài chính hiện còn rất hạn chế thì để được đăng trên các tạp chí quốc tế là rất lớn.

Hiện nay, trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM đã hỗ trợ nghiên cứu sinh được đăng các công trình nghiên cứu trên các tạp chí quốc tế lên tới 60 triệu đồng/bài. Tuy nhiên, một số tạp chí quốc tế yêu cầu là phải trả chi phí lên đến hàng trăm triệu đồng. Vì vậy, để hỗ trợ nghiên cứu sinh có thể đăng công trình nghiên cứu trên tạp chí quốc tế thì Bộ GD-ĐT và Bộ Tài chính cần có cơ chế để hỗ trợ các nghiên cứu sinh.

Ngoài ra, các trường ĐH cần mở rộng những lớp tập huấn cho các nghiên cứu sinh hiểu rõ hơn về tiêu chuẩn của các bài báo quốc tế để có hướng nghiên cứu mang tính phát hiện và có tính ứng dụng trong thực tiễn.

Các trường ĐH sẽ gặp khó khăn khi tuyển sinh tiến sĩ

Được thành lập gần 60 năm nhưng đến nay, ĐH Thủy Lợi mới đào tạo được khoảng 120 tiến sĩ. Trong những năm gần đây, nhà trường có khoảng 30 nghiên cứu sinh đăng ký đào tào tạo tiến sĩ nhưng chỉ dưới 50% là thành công.

Con số trên không phải là nhiều nhưng GS.TS Nguyễn Quang Kim, Hiệu trưởng trường ĐH Thủy Lợi vẫn ủng hộ chủ trương đổi mới tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ.

Có thể trong thời gian đầu, các trường ĐH, học viện sẽ gặp khó khăn trong việc tuyển sinh. Nhiều trường ĐH có thể chưa đạt tiêu chuẩn trong việc thẩm định trình độ tiếng Anh, đào tạo nghiên cứu sinh theo tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, vì mục đích nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ thì các trường ĐH phải thực hiện nghiêm túc.

Việc quy định tuyển sinh tiến sĩ đòi hỏi nghiên cứu sinh phải đạt trình độ quốc tế là hoàn toàn đúng đắn vì chứng chỉ tiếng Anh như: TOEFL, IELTS đã được thế giới công nhận về tính khách quan và trung thực.

Để công tác đào tạo tiến sĩ được hiệu quả, GS.TS Nguyễn Quang Kim đề xuất, Chính phủ nên có sự hỗ trợ các nghiên cứu sinh trong nghiên cứu khoa học, thực hành, làm thí nghiệm, thu thập tư liệu một cách chính xác và cập nhật. Có như vậy, nghiên cứu sinh có thể phát hiện ra những điều mới mẻ trong các đề tài nhằm đem lại hiệu quả, có thể ứng dụng thực tiễn trong xã hội và được quốc tế công nhận./.