Việc học thêm hiện nay đã trở thành nỗi ám ảnh của các học sinh vừa mới bước chân vào lớp 1, đặc biệt là ở các đô thị.

Phụ huynh T.H có con học lớp 1 ở một trường thuộc quận Đống Đa, Hà Nội tâm sự: “Mới học được 3 ngày, mình đi đón con đều nhận được lời cô giáo phàn nàn là: Cháu nhà chị viết sai, viết chậm lắm, uốn mãi nhưng vẫn chậm hơn các bạn, mà viết chậm như thế này thì không thể học theo các bạn được đâu?! Và chỉ trong ngày đầu tiên khi mà niềm vui được bước chân với lớp 1 vẫn còn tràn ngập thì cháu đã liên tục nhận được điểm 1 - 2. Ngay cả mình còn cảm thấy hoang mang và cháu bị tổn thương thì còn hứng thú đâu để học hành nữa?”.

Đây cũng là vấn đề khiến các phụ huynh bức xúc và chia sẻ nhiều trên diễn đàn “web Trẻ thơ”. Một phụ huynh có con học lớp 2 tỏ ra đầy kinh nghiệm nói: “Hồi cháu nhà tôi học lớp 1 cũng rơi vào tình cảnh như vậy, và sau nhiều lần “cứ thấy mặt phụ huynh là chê” ấy là thông báo của cô giáo về việc tổ chức dạy thêm tại gia (hay đúng hơn là tại một nhà dân cạnh trường mà cô thuê)”.

Một số trường tiểu học ở Hà Nội có khá nhiều kiểu dạy thêm khác nhau. Ngoài việc dạy thêm vào thứ bảy, chủ nhật hàng tuần, có giáo viên còn tổ chức dạy thêm ngay sau giờ tan học buổi chiều ở trường.

hoc-them-1.jpg

Học thêm tràn lan gây quá tải cho trẻ

Một số trường tiểu học của quận Hoàng Mai thì đứng ra tổ chức dạy thêm dưới hình thức “câu lạc bộ”, sử dụng cơ sở vật chất của trường, đội ngũ giáo viên của trường để tổ chức “câu lạc bộ” vào sáng thứ 7 hàng tuần.

Nghe qua thì tưởng “câu lạc bộ” là một hình thức lý tưởng để trẻ được thư giãn, vui chơi giải trí nhưng thực chất đồng loạt các lớp đều chỉ dạy Toán và tiếng Việt nâng cao. Mức đóng góp cho hình thức “câu lạc bộ” này là khoảng 80.000 - 100.000 đồng/học sinh/tháng.

Những trường như tiểu học Lê Ngọc Hân (Q. Hai Bà Trưng), Bế Văn Đàn (Q. Đống Đa) thì do còn chung cơ sở vật chất với trường THCS nên học sinh không được học 2 buổi/ngày. Chính vì vậy, giáo viên của các trường này thuê nhà dân ở xung quanh khu vực trường để tổ chức dạy thêm một buổi nữa cho học sinh.

Đáng nói là, hầu hết các địa điểm mà giáo viên thuê để dạy buổi 2 đều rất chật chội, thiếu ánh sáng, thiếu không khí... Tất nhiên, đây cũng có thể là nhu cầu của phụ huynh nhưng điều đáng nói là những lớp học này không hề chịu sự quản lý của nhà trường, nên ai sẽ đứng ra bảo đảm quyền lợi của học sinh?

Ông Lê Tiến Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD-ĐT khẳng định trơn tuột rằng: Chỗ nào sai thì ngành GD-ĐT ở địa phương đó phải chấn chỉnh. Chương trình tiểu học hiện nay thiết kế cho việc dạy học 1 buổi/ngày chứ chưa phải là 2 buổi/ngày.

Bộ GD-ĐT cũng đã ban hành tài liệu chuẩn kiến thức, kỹ năng để những địa phương nào khó khăn về điều kiện giảng dạy, về khả năng tiếp thu của học sinh có thể điều chỉnh cho phù hợp. Và cũng đã có những chuẩn về chương trình, về giáo viên, về sĩ số học sinh, diện tích phòng học... để các địa phương căn cứ vào đó mà thực hiện.

Đó là hành lang pháp lý, còn ngành GD-ĐT ở địa phương đó không thực hiện được hoặc cố tình không thực hiện thì lãnh đạo chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm xử lý, giải quyết hoặc khắc phục.

GS Nguyễn Minh Thuyết, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh  niên - Thiếu niên - Nhi đồng của Quốc hội đắn đo: “Ngay từ cấp tiểu học, đặc biệt là lớp 1 đã phải học thêm là quá vô lý, chương trình không có gì là nặng. Việc dạy thêm, học thêm không chỉ có hại vì gây quá tải cho đứa trẻ mà còn ở việc sử dụng các loại sách tham khảo, sách nâng cao trong những buổi học thêm. Vì tất cả những loại sách đó đều không hề qua thẩm định, có những cuốn sách tôi đọc xong thì giật mình bởi vì hoặc nó quá nặng, hoặc quá sai”.

“Tôi cho rằng, chương trình nặng hay không là do giáo viên, không thể tránh khỏi những giáo viên có những động cơ cá nhân và tìm mọi cách để đổ lỗi cho chương trình. Bộ GD-ĐTcó thể khẳng định là chương trình không hề nặng, càng không nặng đến mức mà học sinh học cả ngày ở trên lớp rồi tối về lại phải học thêm ở nhà cô” - ông Lê Tiến Thành lại một lần nữa nhấn mạnh./.