Nhằm trang bị những nội dung kiến thức cần thiết về các kỹ năng mềm phù hợp liên quan đến mọi lĩnh vực hoạt động của học sinh tiểu học, Bộ GD-ĐT vừa ban hành Chương trình phối hợp số 137/CTr-BGDĐT-BNĐ về việc tổ chức hoạt động giáo dục kỹ năng sống ngoài giờ chính khóa tại các trường tiểu học trong toàn quốc.
Chương trình sẽ giúp học sinh tiểu học hình thành những hành vi, thói quen lành mạnh, thái độ tích cực; loại bỏ những hành vi, thói quen tiêu cực trong sinh hoạt, học tập, rèn luyện. Đồng thời, tạo cơ hội thuận lợi để học sinh tiểu học thực hiện tốt quyền, bổn phận của mình và phát triển hài hòa về thể chất, trí tuệ, tinh thần. Bên cạnh đó, chương trình cũng góp phần định hướng, trang bị cho các em học sinh kỹ năng cần thiết để chủ động giải quyết các vấn đề của bản thân cũng như xử lý các tình huống đa dạng trong đời sống gia đình, nhà trường và xã hội.
Bài giảng của cô giáo Hoàng Thị Kim Huệ, trường ĐH Sư phạm Hà Nội I lôi cuốn sự tập trung của các bạn học sinh |
Trước mắt, Chương trình sẽ được triển khai thử nghiệm tại 10 trường tiểu học của Thành phố Hà Nội, Khánh Hòa, TP HCM. Trên cơ sở kết quả triển khai thử nghiệm, lãnh đạo hai cơ quan sẽ xem xét, đánh giá và triển khai rộng ra các địa phương khác.
Trước tình trạng quấy rối và xâm hại tình dục trẻ em diễn ra phức tạp trong thời gian qua, làm ảnh hưởng tới tâm sinh lý của các em học sinh và gây ra sự lo lắng, quan tâm của các bậc cha mẹ học sinh và dư luận xã hội, Ban Tổ chức Chương trình phối hợp đã ưu tiên, lựa chọn chuyên đề Tập huấn kỹ năng sống, kỹ năng phòng, chống xâm hại tình dục cho trẻ em để nâng cao nhận thức cho học sinh nhằm tự bảo vệ bản thân tốt hơn trong cộng đồng.
Chương trình tập huấn đã được triển khai đến tất cả học sinh của 3 trường đầu tiên ở Hà Nội là trường Tiểu học Nguyễn Du (quận Hoàn Kiếm), trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu (quận Hai Bà Trưng) và trường Tiểu học Khương Thượng (quận Đống Đa.
Qua chia sẻ của các báo cáo viên là Thạc sĩ Giáo dục học Hoàng Thị Kim Huệ và Thạc sĩ Tâm lý học Nguyễn Thị Ngọc Liên đến từ trường Đại học Sư phạm Hà Nội I, các em học sinh đã có những bài học vô cùng bổ ích. Đó là cách nhận biết vùng bí mật (vùng đồ bơi), 5 cảnh báo xâm hại tình dục, quy tắc 5 ngón tay và 3 bí quyết phòng, chống xâm hại tình dục.
Các cô giáo cũng đặt nhiều câu hỏi tình huống liên quan để các bạn nhớ bài học khiến các em học sinh cũng vô cùng háo hức. Sau buổi sinh hoạt chung toàn trường, 30 em học sinh đã được tham gia một lớp học thực hành kỹ năng tự bảo vệ bản thân rất hiệu quả, sôi nổi.
Em Nguyễn Trung Thành (lớp 5E, trường TH Khương Thượng) chia sẻ, nhờ có buổi học ý nghĩa này mà em có thêm nhiều kiến thức bổ ích và những kỹ năng cần thiết để phòng chống bị xâm hại tình dục.
“Buổi học đã giúp con tự tin hơn rất nhiều vì bây giờ con đã học được nhiều cách để tự vệ và phòng tránh bị xâm hại tình dục” - bạn Nguyễn Thiên Hương Anh (lớp 5A, TH Khương Thượng) vui vẻ nói.
Theo lộ trình, Ban Tổ chức sẽ tiếp tục triển khai thử nghiệm tại 7 trường tiểu học tiếp theo tại Khánh Hòa và TP HCM./.
Dạy trẻ kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục: Đừng làm cho có
Xâm hại tình dục học sinh: Bộ sẽ tiếp tục vào cuộc thế nào?