Cùng với gia đình, nhà trường đóng vai trò rất quan trọng trong việc giáo dục giới tính cũng như hỗ trợ trang bị những kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục cho học sinh. Vì vậy, theo nhiều chuyên gia, vấn đề này cần được hệ thống giáo dục nhìn nhận một cách nghiêm túc và triển khai đồng bộ, thường xuyên, không thể tiến hành theo kiểu nhỏ lẻ, thiếu hiệu quả như hiện nay. 

vov_td2_hnsw.jpg
Một buổi học về kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục trẻ em  của học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi.

Nhận thấy sự cần thiết của việc giáo dục giới tính cho trẻ em, từ năm học 2011-2012, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, quận 4 bắt đầu triển khai chương trình giáo dục giới tính lồng ghép kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục cho học sinh khối lớp 5. Năm ngoái, chương trình tiếp tục được mở rộng cho các em học sinh khối 4. Từ đầu năm đến nay, khi thông tin về các vụ xâm hại tình dục trẻ em xuất hiện ngày một nhiều, nhà trường quyết định phổ cập nội dung này cho học sinh toàn trường.

Đến nay, các em học sinh nhà trường đã biết cách phân biệt các hành động có nguy cơ xâm hại tình dục cũng như có kỹ năng bảo vệ bản thân trong những tình huống cấp thiết…

Theo bà Phạm Thúy Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, việc triển khai các lớp giáo dục giới tính và kỹ năng phòng chống xâm hại là vô cùng cần thiết và phải được tổ chức thường xuyên chứ không nên làm theo phong trào: “Chúng ta sẽ lồng ghép trong từng tiết dạy nếu có liên quan. Chúng ta phải dạy cho các em học sinh nhận biết từng hành động nhỏ kể cả khi các em giao tiếp bình thường với các bạn trong lớp.Nhà trường còn có nhiệm vụ phối hợp với gia đình trong việc giáo dục các em cho hiệu quả”.

Đồng quan điểm, bà Trần Thúy An, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Trần Văn Ơn, quận 1 cho rằng, việc trang bị kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục cho các em học sinh được triển khai càng sớm càng tốt nhưng quan trọng phải sát với thực tế thì mới hiệu quả:

“Nếu chúng ta cứ đợi đến khi các em lớn lên rồi mình mới đề cập những vấn đề này thì đã quá muộn. Bởi xâm hại tình dục trẻ em xảy ra cả ở nhóm tuổi nhỏ. Nhiều em mới chỉ 3, 4 tuổi đã bị xâm hại. Do vậy, ở lứa tuổi nhỏ các em đã cần được giáo dục vấn đề này”.

 Phiên tòa giả định về đề tài xâm hại tình dục trẻ em tổ chức ngày 10/4 tại Trường THCS Trần Văn Ơn, Quận 1 thu hút sự quan tâm của đông đảo học sinh.

Vai trò quan trọng của kiến thức giới tính, tình dục đối với lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng là điều dễ hiểu. Song, nếu đánh giá một cách khách quan, trên mặt bằng chung của ngành giáo dục – đào tạo nước ta hiện nay, vấn đề này vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Đâu đó vẫn còn những trường học chỉ tổ chức các buổi giáo dục giới tính cho có để làm báo cáo mà chưa thực sự lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các em học sinh.

Thầy Đỗ Đức Anh, giáo viên Trường Trung học phổ thông Bùi Thị Xuân cho rằng: “Ở Việt Nam vấn đề này chỉ mới dừng lại ở các buổi nói chuyện. Chúng ta chưa có một môn học chính thức để học sinh tiếp cận được với những vấn đề về giới tính cũng như tình dục một cách khoa học và hiệu quả nhất”.

Thời lượng không đủ để truyền đạt kiến thức, nội dung nhàm chán, thiếu tính thường xuyên là những nguyên nhân chính khiến chất lượng của nhiều chương trình giáo dục giới tính trong nhà trường chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Ngoài ra, sự hoạt động thiếu chuyên nghiệp của ban tư vấn tâm lý - giới tính trong nhiều trường học hiện nay cũng khiến các em học sinh không mấy mặn mà với việc sẻ chia, nhờ giúp đỡ.

Theo chuyên gia tâm lý Lý Thị Mai, chất lượng đội ngũ chuyên viên cũng như tính bảo mật của nội dung tư vấn đóng vai trò then chốt trong quá trình hoạt động của các phòng tư vấn tâm lý học đường. Chỉ khi nào được lắng nghe và cảm thấy an toàn thực sự, các em học sinh mới chịu mở lòng để nhờ người lớn hỗ trợ phương án giải quyết những vướng mắc thầm kín.

 “Muốn cho trẻ nói ra hết và giải tỏa được hết tinh thần của mình thì đội ngũ tư vấn trong nhà trường thấp nhất phải là những cử nhân tâm lý và họ không phải là giáo viên dạy trong trường. Như vậy, các em mới thấy độc lập và được bảo vệ. Các em học sinh đến chia sẻ vì muốn được bảo vệ chứ không phải nói xong rồi để bị lộ mọi chuyện rồi bị hỏi lên hỏi xuống”, bà Mai giải thích thêm.

Các chuyên gia giáo dục cho rằng, đã đến lúc cần có một lộ trình cụ thể đối với việc giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản, tình dục trong hệ thống các trường phổ thông ở nước ta. Bắt đầu từ độ tuổi nào, chọn lọc chương trình ra sao, lồng ghép vào thực tế bằng cách nào, điều này đòi hỏi sự đầu tư nghiêm túc, công phu từ phía ngành giáo dục. Nhưng điều quan trọng hơn cả là nhà trường cần có sự phối hợp chặt chẽ với phụ huynh trong việc giáo dục giới tính cũng như kỹ năng phòng chống xâm hại cho trẻ./.