Cho đến nay, nhiều trường ĐH, CĐ đã công bố điểm thi và đang chờ Bộ Giáo dục-Đào tạo đưa ra mức điểm sàn cho từng khối thi để căn cứ vào đó xác định mức điểm chuẩn lấy thí sinh vào trường.
Không chỉ có nhiều thí sinh đang “thấp thỏm” chờ đợi mức điểm sàn của Bộ dự kiến công bố vào ngày 8/8 tới, nhiều trường ĐH, CĐ ngoài công lập đang rất lo lắng sẽ không tuyển đủ số lượng chỉ tiêu.
Nhằm tháo gỡ khó khăn trong công tác tuyển sinh, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập đã có đơn kiến nghị lên Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) hạ mức điểm sàn xuống. Trước kiến nghị này, Bộ GD-ĐT đang trưng cầu ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà quản lý, nhà giáo xung quanh vấn đề trên trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Phóng viên VOV online xin gửi tới độc giả những đánh giá, bình luận và đưa ra giải pháp cho vấn đề trên của ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa-Thanh niên-Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.
Ông Đào Trọng Thi |
Người học ngày càng khắt khe với chất lượng đào tạo
Tuy nhiên, với số lượng thí sinh dự thi đăng ký ít như vậy, dự đoán sẽ tiếp tục gây khó khăn trong công tác tuyển sinh cho các trường trường ĐH, CĐ ngoài công lập.
Nguyên nhân khiến nhiều ĐH, CĐ không tuyển đủ chỉ tiêu tuyển sinh là do người học ngày càng khắt khe hơn với chất lượng đào tạo, chọn trường học tốt để không chỉ có được tấm bằng mà còn đạt được một trình độ nhất định để có thể xin được việc làm. Yêu cầu và đòi hỏi của người học là một dấu hiệu tích cực, buộc các trường ĐH, CĐ phải không ngừng nâng cao chất lượng giảng dạy. Vì vậy, trường nào không đảm bảo, đáp ứng được chất lượng thì sẽ không tuyển được sinh viên theo học.
Nguyên nhân thứ hai là do bắt đầu từ năm 2012, Bộ GD-ĐT thay đổi phương thức quản lý chỉ tiêu tuyển sinh. Theo đó, các trường ĐH, CĐ được tự chủ và chịu trách nhiệm về chỉ tiêu tuyển sinh theo những quy chế mà Bộ đưa ra. Tuy nhiên, trong quá trình tuyển sinh, các trường ĐH, CĐ công lập lại cũng xác định chỉ tiêu tuyển sinh vượt lên. Với mức học phí thấp và chất lượng được đánh giá là từ khá trở lên, nên đã dẫn đến tình trạng thí sinh chọn trường ĐH, CĐ công lập để học, chứ không chọn trường ngoài công lập.
Cần chấn chỉnh lại chỉ tiêu tuyển sinh
Nếu chúng ta hạ điểm sàn xuống thì có nghĩa là chất lượng sinh viên đầu vào các trường ĐH, CĐ kém nên sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đào tạo. Xu hướng này không phải tích cực.
Để giúp các trường ĐH, CĐ ngoài công lập tháo gỡ khó khăn, theo tôi, Bộ GD-ĐT cần chấn chỉnh lại chỉ tiêu tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ công lập. Như vậy, các trường ngoài công lập mới có thể tiếp nhận được đủ thí sinh.
Giải pháp thứ hai mang tính căn bản và chiến lược, không dễ thực hiện trong thời gian ngắn. Đó là các trường ĐH, CĐ ngoài công lập phải tự phấn đấu nâng cao chất lượng để bảo vệ uy tín của mình.
Xã hội hóa giáo dục không phải là sinh ra nhiều trường ĐH, CĐ
Nếu trường ĐH, CĐ nào không vượt qua được yêu cầu khắt khe của việc nâng cao chất lượng đào tạo thì dù có bị giải thể, bị phá sản cũng là hoàn toàn xứng đáng. Chúng ta không thể bắt buộc người học gánh chịu những rủi ro mà các trường ĐH, CĐ đào tạo kém chất lượng mang lại. Vì thế, xã hội hóa giáo dục phải đi theo đúng chiều hướng là nâng cao chất lượng đào tạo để đảm bảo quyền lợi của người học, của nhân dân, chứ không phải là bảo vệ sự tồn tại của các trường ĐH, CĐ ngoài công lập bằng mọi giá.
Theo giám sát của Ủy ban Văn hóa-Giáo dục-Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, nhiều trường ĐH, CĐ ngoài công lập đã hoạt động được 10-15 năm nhưng đến nay vẫn chưa xây dựng được cơ sở vật chất, phòng học phải đi thuê. Một số trường ghi trong đề án là có đầy đủ cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên nhưng trên thực tế không được như vậy. Nhiều tổ chức, cá nhân mở trường từ sự đầu tư nghèo nàn và trông chờ vào tiền học phí của sinh viên...
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do Bộ GD-ĐT đã buôn lỏng khâu thẩm định đề án thành lập một số trường ĐH, CĐ ngoài công lập. Trách nhiệm này thuộc về Bộ GD-ĐT.
Như đã đề cập ở trên, các trường ĐH, CĐ ngoài công lập muốn tồn tại và phát triển và có được uy tín trong lòng người học thì phải không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo. Dẫu biết rằng, đây là việc làm khó thực hiện trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cũng chỉ đưa ra một mức thời gian nhất định nào đó để các trường đổi mới và phấn đấu. Nếu thời gian quy định đã đến mà trường nào không có đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, nguồn lực giáo viên/sinh viên thì phải chấp nhận giải thể.