Phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm học 2015-2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2016-2017 do Bộ GD-ĐT tổ chức tại Hà Nội sáng 5/8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ sự lo ngại về chất lượng giáo dục của hệ thống các trường đại học và giáo dục nghề nghiệp trên cả nước.
Đó là các trường đại học và dạy nghề đào tạo chưa gắn với nhu cầu xã hội, thị trường lao động dẫn đến nhiều sinh viên ra trường không tìm được việc làm đúng chuyên môn dẫn đến thất nghiệp. Trong khi nhiều doanh nghiệp vẫn thiếu lao động, nhất là lao động có chuyên môn cao. Nội dung học tập và kết quả học tập, nghiên cứu trong trường đại học chưa gắn với yêu cầu thực tiễn cuộc sống.
Số lượng trường đại học tăng nhanh nhưng điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu. Mỗi năm, theo ước tính sơ bộ, Việt Nam phải chi hàng tỷ USD (ước khoảng 3 tỷ USD) cho việc đưa con em ra nước ngoài học tập.
Hội nghị tổng kết năm học 2015-2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2016-2017 diễn ra sáng 5/8 ở Hà Nội |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Chất lượng đào tạo sau đại học (tiến sĩ, thạc sĩ) rất đáng lo ngại. Đây là sự phản ánh của bệnh thành tích, sính bằng cấp. Đa số các luận án tiến sĩ không được áp dụng trong thực tiễn; nhiều tiến sĩ nhưng lại thiếu những công trình khoa học có giá trị đối với xã hội. Vì vậy, vấn đề này cần phải nghiêm túc chấn chỉnh.
Trước những bất cập trong đào tạo đại học và dạy nghề, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, cần phải bảo đảm chất lượng giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu xã hội và thị trường lao động.
Để thực hiện được việc này, các trường cần chú trọng nâng cao chất lượng giảng dạy, phải hướng tới đào tạo “công dân toàn cầu”, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, nhất là trong bối cảnh chúng ta tham gia Cộng đồng ASEAN.
Trong quá trình đào tạo, các trường phải gắn kết chương trình đào tạo đại học, kết quả nghiên cứu khoa học của học sinh, sinh viên với thực tiễn cuộc sống và nhu cầu xã hội. Khuyến khích việc liên kết giữa nhà trường với doanh nghiệp (trong ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và trong tạo việc làm).
Muốn nâng cao chất lượng đào tạo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các trường phải đẩy mạnh “tự chủ đại học” một cách thực chất và đồng bộ, đi đôi với đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Không chỉ là tự chủ trong thu, chi mà cả trong tài chính, tài sản, trong tổ chức, nhân sự, trong đào tạo, trong tuyển sinh và quản lý sinh viên…
Cùng lúc với đẩy mạnh tự chủ đại học cần xác định một cách rõ ràng “trách nhiệm xã hội” của trường đại học. Xây dựng cơ chế và hình thành môi trường quản lý lành mạnh, hành lang pháp lý phù hợp để đảm bảo cho các trường phát triển một cách mạnh mẽ và tỏa năng lượng, văn hóa, giá trị ra ngoài xã hội. Điều này sẽ góp phần tích cực vào việc đào tạo nguồn nhân lực tốt đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước. Không để lãng phí xã hội trong đào tạo đại học.
Đối với đào tạo nghề, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu quan tâm chất lượng đào tạo tay nghề thực tế, khẳng định cho được giá trị “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” qua khả năng tìm việc làm, thu nhập và vị trí xã hội.
Các địa phương, trường học cần xây dựng cơ chế và chính sách để việc liên thông và phát triển chuyên môn giữa hệ trung học chuyên nghiệp, dạy nghề đối với các hệ thống đào tạo khác được dễ dàng, động viên học sinh hướng nghiệp, phân luồng sớm từ cấp phổ thông.
Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc muốn gửi gắm cho ngành giáo dục về điều mà Nguyễn Trãi đã từng nói là: “Nước Đại Việt ta hiền tài chưa bao giờ thiếu. Nhưng tìm cho ra hiền tài chưa bao giờ là việc đơn giản”. Vì vậy, ngành giáo dục cần đặc biệt chú trọng công tác phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài để trước tiên ngành giáo dục phải có nhiều thầy giỏi, nhiều trò giỏi. Việt Nam ta có thêm nhiều người hiền tài để làm rạng danh và sẵn sàng phục vụ đất nước./.