Văn phòng Thành ủy TP HCM vừa ra thông báo kết luận của Thường trực Thành ủy về công tác quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn thành phố.

Theo đó, việc dạy thêm- học thêm được tổ chức trong nhà trường trên cơ sở tự nguyện của học sinh. Nhà trường phải khảo sát, phân chia lớp học theo cấp độ học lực, trình độ của học sinh. Danh sách lớp học thêm, nội dung, chương trình giảng dạy do hiệu trưởng quyết định.

Nhà trường cũng phải tạo điều kiện cho học sinh được lựa chọn giáo viên, phân bổ hợp lý thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm cho giáo viên và học sinh.

Phóng viên VOV.VN phỏng vấn GS.TSKH Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa-Giáo dục-Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về kết luận của Thường trực Thành ủy TP HCM.

day_them_2_mgol.jpg
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đào Trọng Thi

PV:Thưa ông, TP HCM vừa cho phép dạy thêm-học thêm được tổ chức trong nhà trường trên cơ sở tự nguyện của học sinh. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

GS.TSKH Đào Trọng Thi: Có thể nói việc TP HCM cấm tổ chức dạy thêm- học thêm trong thời gian qua đã thất bại vì thành phố đã không kiểm soát được vấn đề này.

Nay TP HCM cho phép được tổ chức dạy thêm-học thêm trong nhà trường trên cơ sở tự nguyện của học sinh thì vấn đề đặt ra là thành phố có kiểm soát được học sinh chỉ học thêm theo tinh thần tự nguyện hay không?

Tôi cho rằng, nhu cầu học thêm-dạy thêm là nhu cầu chính đáng của nhiều phụ huynh vì họ không chỉ mong muốn con mình được bồi dưỡng thêm kiến thức mà còn muốn giáo viên có thể trông con cho họ khi đi làm.

Nếu TP HCM kiểm soát việc học thêm-dạy thêm trên tinh thần tự nguyện của học sinh thì phải tách giáo viên dạy học chính khóa và nhà trường ra khỏi học sinh.

Việc học thêm-dạy thêm không thể tổ chức ở ngay trong nhà trường được. Các thầy cô giáo không thể trực tiếp dạy thêm học trò của mình. Còn nếu vẫn để giáo viên dạy thêm cho chính học trò của mình thì sẽ dẫn đến sự “biến tướng” của hình thức tự nguyện.

PV: Nhiềuý kiến cho rằng, để ngăn chặn việc học thêm-dạy thêm tràn lan, biến tướng dưới nhiều hình thứcthì chúng ta phải đảm bảo được cuộc sống cho giáo viênđể họ chuyên tâm nâng cao chất lượng giảng dạy. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

GS.TSKH Đào Trọng Thi: Giải quyết vấn đề lương, thu nhập cho giáo viên là chính đáng cần quan tâm. Nếu ngân sách Nhà nước, tổ chức xã hội có điều kiện tăng thu nhập cho giáo viên, tôi rất hoan nghênh.

Tuy nhiên, nếu giải quyết thu nhập cho giáo viên mà cho học sinh đi học thêm trên tinh thần tự nguyện do giáo viên tổ chức thì lại là điều không thể chấp nhận được. Hậu quả là chúng ta sẽ đổ hết “gánh nặng” lên học sinh vì không chỉ gia đình các em phải mất tiền đóng học mà học sinh sẽ bị tổn hại về sức khỏe vì học quá nhiều kiến thức.

Nếu cho giáo viên mở lớp dạy thêm để dạy chính học trò của mình thì sẽ xảy ra sự tiêu cực theo kiểu giáo viên cắt bớt việc giảng dạy kiến thức chính khóa ở trên lớp đi và mang kiến thức đó dạy ở lớp học thêm. Như vậy, học sinh nào không đi học thêm thì sẽ không được học và làm được bài có kiến thức mà thầy cô giáo chưa giảng dạy. Mặt khác, có giáo viên chỉ ra đề bài kiểm tra theo kiến thức đã giảng dạy ở lớp học thêm nên học sinh nào không đi học thêm thì cũng sẽ không làm được hoặc có thể bị “trù dập”. Những điều này khiến phụ huynh rất bức xúc nhưng họ vẫn phải cho con đi học thêm.

PV: Theo giáo sư, nếukhông để cho giáo viên dạy thêm chính học trò của mình thì chúng ta cần giải pháp nàohữu hiệu để quản lý vấn đề này đúng mục đích và hiệu quả, thưa ông?

GS.TSKH Đào Trọng Thi: TP HCM phải tổ chức dạy thêm-học thêm ở ngoài nhà trường và cơ sở dạy thêm phải hoàn toàn tách khỏi nhà trường, tách khỏi các thầy cô giáo ở trong trường. Các cơ quan của Nhà nước phải kiểm soát hoạt động, quản lý tốt cơ sở dạy thêm-học thêm đó.

Nếu Nhà nước giải quyết được thu nhập cho giáo viên ở trường công lập, làm sao để giáo viên có thể sống được bằng nghề thì về nguyên tắc họ không đi dạy thêm nữa.

Tuy nhiên, khi chúng ta chưa đảm bảo được thu nhập cho giáo viên thì họ có thể đi dạy thêm ở các cơ sở dạy thêm bên ngoài nhà trường. Giáo viên chỉ dạy thuê cho các cơ sở đó chứ không quản lý, điều hành ở đó. Có như vậy, tình trạng giáo viên ép buộc học sinh phải học thêm trên tinh thần tự nguyện sẽ giảm đi. Còn nếu để cho giáo viên ở trong trường tổ chức dạy thêm thì có thể họ sẽ gây sức ép để học sinh học thêm do cơ sở mình tổ chức.

Học sinh có thể học thêm ở những thầy cô giáo nào mà các em đánh giá là có chất lượng, chuyên môn cao. Còn nếu để các thầy cô giáo ở trường dạy thêm thì học sinh vẫn phải học các thầy cô trên lớp. Như vậy, khó có chuyện cho học sinh và phụ huynh tự nguyện học thêm.

PV: Xin cảm ơn GS!./.

TP HCM cho phép dạy thêm trong trường

VOV.VN -Việc dạy thêm, học thêm được tổ chức trong nhà trường trên cơ sở tự nguyện và nhà trường phải phân chia lớp theo năng lực, trình độ của học sinh.