Việc cấm dạy thêm và học thêm vẫn chưa hết thu hút sự quan tâm của dư luận khi nhiều người đặt ra câu hỏi: Nếu chỉ cấm trong nhà trường thì các trung tâm dạy thêm bên ngoài sẽ nở rộ, phải quản lý như thế nào? Bên cạnh đó còn có ý kiến cần nâng cao chất lượng giáo dục, giảm tải thời gian học cho học sinh để hạn chế việc học thêm tràn lan.

day_them_utmp.jpg
Dư luận quan tâm đến chất lượng dạy thêm bên ngoài trường.

-  Học thêm giúp chúng em trau dồi kiến thức nhiều hơn, học tốt hơn, vượt trội hơn nhiều bạn bè khác.

-  Đơn cử như em thì nếu không học thêm sẽ rất yếu kém so với các bạn khác trong trường. Học thêm không có gì xấu xa hết, các bạn có thể bắt kịp lực học với nhau.

-  Bài tập trên trường đã đủ cho mình rồi, thì mình có thể xem thêm các sách nâng cao ở nhà, chứ không nhất thiết phải học thêm.

- Học thêm sẽ có nhiều thầy cô dạy kiến thức nâng cao để thầy cô dạy kiến thức nâng cao dành cho những bạn không thể tự học được, mình đi học thêm để thầy cô nâng cao kiến thức và hiểu biết nhiều hơn.

Đó là những ý kiến trái chiều của học sinh quanh việc có nên dạy thêm và học thêm trong trường học hay không. Tuy nhiên không phủ nhận nhu cầu học thêm là có thực và cần thiết cho một bộ phận lớn học sinh. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, có tới một phần ba học sinh đang học thêm.

Cấm dạy thêm, học thêm trong nhà trường nhưng không cấm ở các cơ sở dạy thêm, trung tâm dạy thêm ngoài nhà trường, đặt ra câu hỏi về cách thức quản lý. Nhiều ý kiến cho rằng, Sở cương quyết cấm dạy thêm học thêm nhưng không nên cực đoan và mọi quyết định phải thấu tình đạt lý. Chẳng hạn, việc đuổi việc giáo viên nếu vi phạm cần phải được xem xét kỹ càng. Cần tuyên truyền rộng rãi, tìm hiểu khi phát hiện vi phạm và tùy từng trường hợp để có cách xử lý khéo léo, tránh gây tổn thương cho đội ngũ nhà giáo.

Theo Tiến sĩ Phạm Thanh Tâm, Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông tư thục Hồng Đức, TP HCM, nếu cấm học thêm và dạy thêm trong nhà trường mà không cấm ở các cơ sở bên ngoài, thì không những việc học của học sinh bị ảnh hưởng mà công tác quản lý cũng sẽ gặp nhiều khó khăn.

Tiến sĩ Phạm Thanh Tâm nói: “Chỉ cấm trong nhà trường, không cấm ở trung tâm bên ngoài, ở gia đình, ở trung tâm sẽ gây nên những khó khăn cho xã hội, cho học sinh có nhu cầu thực sự, chứ không làm giảm áp lực cho họ. Cấm dạy và học thêm trong nhà trường sẽ chỉ là chuyển hình thức từ chính quy sang đánh du kích thôi. Cấm ngả này chạy ngả khác. Cách dạy sẽ biến tướng, tản mát và khó quản lý hơn so với trước đây”.

Hãy kêu gọi lòng tự trọng của những học sinh và phụ huynh là không đi học với chính thầy dạy của mình trong lớp để lấy lại danh tiếng cho ngành giáo dục, là ý kiến của thầy Phạm Hồng Danh, Hiệu trưởng Trung tâm luyện thi Vĩnh Viễn, TP HCM.

Thầy Danh cho rằng, chương trình giáo dục hiện nay còn nặng, phân hóa cao, nếu chỉ cấm trong nhà trường thì các trung tâm dạy thêm bên ngoài sẽ nở rộ. Giáo viên không dạy trong trường nhưng vẫn có thể kéo học sinh ra trung tâm bên ngoài nhà trường để dạy. Vì thế tiêu cực vẫn có thể xảy ra. Sở phải có kế hoạch cụ thể để kiểm tra, giám sát các cơ sở dạy thêm bên ngoài, không cho các cơ sở dạy thêm bên ngoài thuê cơ sở vật chất trong các trường công lập.

Thầy Phạm Hồng Danh nói: “Phải kêu gọi lòng tự trọng của những học sinh và phụ huynh là không đi học với chính thầy dạy của mình, mà muốn học thêm thì nên đi học ở giáo viên khác. Đó cũng là một phương thức rất hay để tránh tình trạng mang tiếng cho giáo viên và mang tiếng cho ngành giáo dục”.

Đại diện Sở Giáo dục TP HCM cho biết sẽ quản lý chặt chẽ các trung tâm dạy thêm về nhiều mặt như điều kiện học tập, quản lý về thời gian hoạt động..., tránh tình trạng học sinh đi học thêm mệt nhoài, ảnh hưởng đến sức khỏe, thể chất và tinh thần. Giáo viên cũng có thời gian tái tạo sức lao động, nâng cao trình độ... Quyết định cấm dạy thêm, học thêm của thành phố chủ yếu là cấm dạy trước chương trình, cấm ép học sinh học thêm, ngược lại rất hoan nghênh việc phụ đạo học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi, tăng thời lượng để học sinh nghiên cứu...

Ông Nguyễn Văn Hiếu - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT thành phố cho biết, Sở đang tham mưu cho UBND TP HCM điều chỉnh Quyết định 21 về quản lý dạy thêm, học thêm đúng theo quy phạm pháp luật. Trong thời gian chờ điều chỉnh, Sở không cho phép giáo viên dạy thêm cho học sinh mình đang dạy chính khóa, trong bất cứ trường hợp nào, kể cả trong trường hay ngoài trường. Điều này đã được quy định tại Thông tư 17/2012 trước đó về việc "không cho phép giáo viên dạy thêm chính học sinh của mình". Giáo viên vi phạm có thể bị xử lý ở mức cao nhất là đuổi việc.

Ông Hiếu khẳng định: Sở ngừng cấp phép mới cho hoạt động dạy thêm trong trường đồng thời phối hợp với các quận huyện thanh kiểm tra nhằm chấm dứt dạy thêm sai quy định. “Phải thông báo rõ cho giáo viên biết và cho phép giáo viên nào được dạy học trò của chính mình ở bên ngoài, giáo viên nào không được phép dạy. Về phía giáo viên cũng phải thực hiện nghiêm túc vai trò của mình, tức là phải trung thực khai báo, báo cáo với nhà trường để nhà trường xem xét đồng ý hay không đồng ý”- Ồng Nguyễn Văn Hiếu nói.

TP HCM đang mời các chuyên gia giỏi xây dựng biên soạn bộ giáo án dạy học sinh phổ thông theo hướng tăng thời lượng thực hành, giảm lý thuyết để tổ chức theo hướng nâng cao chất lượng giáo dục, giảm tải cho học sinh và đáp ứng được cả việc học sinh không phải đi học thêm tràn lan mà vẫn phát triển được. /.