Bộ GD-ĐT vừa ban hànhThông tư 32/2015/TT-BGDĐT quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh đối với các cơ sở giáo dục đại học

Trong Thông tư quy định rõ: Cơ sở giáo dục đại học đang đào tạo cao đẳng mỗi năm phải giảm chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo cao đẳng ít nhất 30% so với chỉ tiêu năm 2015 để dừng tuyển sinh đào tạo trình độ này trước năm 2020. Cơ sở giáo dục đại học đang đào tạo trung cấp phải dừng tuyển sinh đào tạo trình độ này trước năm 2017.

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa-Giáo dục-Thanh niên-Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, việc Bộ GD-ĐT quyết định như trên đối với hệ cao đẳng, trung cấp là hoàn toàn có lý. Bởi lẽ cơ sở giáo dục ở cấp học nào phải tập trung đào tạo ở cấp học, hệ đó. Nếu cơ sở giáo dục đại học lại đào tạo cao đẳng, trung cấp thì sẽ không còn là cơ sở chuyên đào tạo các ngành ở bậc đại học nữa.

ong_dao_trong_thi_fnpu.jpg
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đào Trọng Thi

Tuy nhiên, khi thực hiện việc dừng tuyển sinh, Bộ GD-ĐT cân nhắc, xem xét kỹ những cơ sở đào tạo đại học mà trước đó đã từng đào tạo cao đẳng. Trong chiến lược thành lập, phát triển của những trường này đã đăng ký, cam kết đủ các điều kiện về cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên để đào tạo cả hệ đại học, cao đẳng.

Còn những cơ sở nào chỉ được đào tạo đại học nhưng lại kết hợp đào tạo cao đẳng, trung cấp thì Bộ GD-ĐT có thể cho những trường này dừng tuyển sinh hệ cao đẳng, trung cấp. Việc làm này nhằm giúp cho các trường đại học tập trung đào tạo ngành nghề chuyên môn cho tốt khi đã có sự chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên. Những cơ sở giáo dục này nên nhường lại việc đào tạo hệ học thấp hơn cho những cơ sở được thành lập để đào tạo cao đẳng, trung cấp.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đào Trọng Thi, hiện nay, các trường cao đẳng sư phạm ở địa phương có nhiệm vụ đào tạo giáo viên bậc Tiểu học và THCS ở còn đào tạo giáo viên bậc Trung học phổ thông là thuộc về trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học sư phạm.

Ở nước ta có nhiều trường cao đẳng sư phạm của tỉnh có nhiệm vụ đào tạo giáo viên bậc Tiểu học và THCS cho địa phương đã được nâng cấp lên thành trường đại học mà nay Bộ GD-ĐT yêu cầu họ không được đào tạo hệ cao đẳng nữa thì rất khó khăn cho việc đào tạo giáo viên phục vụ ở các địa phương.

Bộ GD-ĐT cần cân nhắc dừng tuyển sinh hệ cao đẳng, trung cấp ở những cơ sở giáo dục do cơ quan Nhà nước, địa phương quản lý và giao nhiệm vụ. Bộ nên phân loại chức năng, nhiệm vụ của các trường một cách cụ thể chứ không nên nói dừng tuyển sinh là dừng ở tất cả các trường.

Việc xem xét kỹ lưỡng việc dừng tuyển sinh hệ cao đẳng, trung cấp là để sắp xếp lại mạng lưới các cơ sở giáo dục ở nước ta. Bộ GD-ĐT cần có đề án cụ thể cho từng loại trường đại học, cao đẳng, trung cấp./.

Thông tư 32/2015/TT-BGDĐT do Bộ GD-ĐT quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh đối với các cơ sở giáo dục đại học nêu rõ:

Cơ sở giáo dục đại học đang đào tạo cao đẳng mỗi năm phải giảm chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo cao đẳng ít nhất 30% so với chỉ tiêu năm 2015 để dừng tuyển sinh đào tạo trình độ này trước năm 2020.

Cơ sở giáo dục đại học đang đào tạo trung cấp phải dừng tuyển sinh đào tạo trình độ này trước năm 2017.

Chỉ tiêu tuyển sinh liên thông chính quy được xác định không quá 15% chỉ tiêu chính quy đối với khối ngành VI; không quá 20% chỉ tiêu chính quy đối với các khối ngành khác.

Tổng chỉ tiêu tuyển sinh vừa làm vừa học; liên thông đào tạo theo hình thức vừa làm vừa học; văn bằng hai đào tạo theo hình thức vừa làm vừa học được xác định không quá 30% tổng chỉ tiêu tuyển sinh sinh viên chính quy đã xác định của cơ sở giáo dục đại học.

Việc giao nhiệm vụ đào tạo để nâng chuẩn giáo viên, nâng cao trình độ cán bộ y tế, đào tạo trong lĩnh vực nghệ thuật, nông lâm thủy sản và một số trường hợp đặc biệt khác sẽ do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét quyết định.

Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/2/2016./.