Năm học mới 2013-2014 đã bắt đầu với nhiều nhiệm vụ và giải pháp được ngành Giáo dục và mỗi nhà trường đưa ra, trong đó, đổi mới công tác đánh giá học sinh được xem là một “nút bấm” quan trọng. Phóng viên VOV phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển.

Tăng cường giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh

PV:Xin Thứ trưởng cho biết những vấn đề mấu chốt được Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm chỉ đạo trong năm học mới 2013 - 2014?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Toàn ngành Giáo dục trước hết phải chấn chỉnh những sai phạm, tiếp tục lập lại và củng cố nền nếp kỷ cương trong các hoạt động dạy và học của các cơ sở giáo dục cũng như các cơ quan quản lý giáo dục.

Đồng thời tiếp tục thực hiện các giải pháp tăng cường đổi mới quản lý chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, tách bạch việc quản lý Nhà nước với quản lý chuyên môn từ Phòng Giáo dục đến Sở, Bộ, làm thế nào để công tác quản  lý đi đúng vào việc xây dựng kế hoạch, đúng việc hoạch định chính sách và thanh tra kiểm tra sử lý các sai phạm kịp thời.

vinhien.jpg
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển

Riêng với giáo dục phổ thông, việc đổi mới quan trọng là làm thế nào tiếp cận dần với hướng đổi mới chương trình và sách giáo khoa trong những năm tiếp theo. Bộ đang tổ chức cho giáo viên, học sinh các nhà trường đổi mới đồng bộ từ phương pháp dạy và học, đến công tác kiểm tra đánh giá, coi đổi mới kiểm tra đánh giá là biện pháp đột phá có tính chất “nút bấm” để đổi mới phương pháp dạy học, mà lâu nay bị trì trệ.

Công tác kiểm tra, đánh giá học sinh sẽ đổi mới theo yêu cầu đánh giá toàn diện, theo phát hiện năng lực của người học. Không chỉ kiểm tra kiến thức và kỹ năng học sinh học được, mà phải kiểm tra được kiến thức đó kỹ năng đó đã giúp gì cho học sinh trong học tập và các em sẽ làm được gì trong cuộc sống. Mặt khác, phải tiếp tục chấn chỉnh kỷ cương nền nếp làm thế nào để thi cử thực chất, đánh giá thực chất, có như vậy nó mới quay lại tác động đến chất lượng giáo dục.

Về nội dung chương trình giảng dạy, Bộ tiếp tục chỉ đạo theo hướng làm thế nào cho nội dung dạy học được toàn diện, nhưng lại tinh giản, tránh chồng chéo, yêu cầu quá cao (mà lâu nay ta gọi là quá tải), gây bức xúc và khó thực hiện cho các địa phương, các nhà trường và thầy cô giáo.

Trên cơ sở đảm bảo mục tiêu dạy học và nâng cao hơn kết quả thực hiện mục tiêu đó trong năm học mới, Bộ chỉ đạo các nhà trường được chủ động xây dựng chương trình của nhà trường, sắp xếp kiến thức, nội dung dạy học, nội dung hoạt động sao cho phù hợp và hiệu quả nhất.

Những đổi mới bước đầu đã đạt được trong năm qua sẽ được tiếp tục thực hiện trong năm học này, ví dụ như xây dựng mô hình trường học mới ở tiểu học, đổi mới sinh hoạt tổ nhóm chuyên môn, tiếp tục thực hiện và mở rộng đề án ngoại ngữ… Cùng với dạy văn hóa, các nhà trường phải tăng cường giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh bằng nhiều hình thức khác nhau.

PV:Đổi mới công tác đánh giá là "nút bấm" quan trọng để đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục. Để làm được việc này, Bộ phải cũng như từng giáo viên phải làm gì, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Bộ phải làm thay đổi được nhận thức trong đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý, cũng như thay đổi nhận thức của cả xã hội về chất lượng giáo dục. Quan niệm chất lượng không phải chỉ có học sinh học được cái gì, mà quan trọng hơn là học sinh làm được cái gì sau việc học đó.

Trước đây, quan niệm chất lượng chỉ là các môn văn hóa, thì nay phải quan niệm lại cho đúng. Chất lượng là học sinh phải được phát triển cả phẩm chất và năng lực. Và trong phẩm chất năng lực ấy ở mỗi học sinh có những năng khiếu khác nhau, thì các em phải được phát triển năng lực riêng ấy (bên cạnh đáp ứng cái chung). Muốn vậy, phải tập huấn cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, để họ biết cách kiểm tra đánh giá như thế nào cho khoa học và hiệu quả.

Điều quan trọng trong đổi mới đánh giá hiện nay là phải coi trọng việc đánh giá thường xuyên, đánh giá trong quá trình. Lâu nay, chúng ta chỉ coi trọng việc học sinh làm bài thi, kiểm tra được bao nhiêu điểm. Cho điểm là một cách đánh giá định lượng, nhưng quan trọng là giúp các em biết sửa sai trong bài làm của mình. Vì vậy, có lời phê của giáo viên để các em biết phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm.

Cơ quan quản lý giáo dục và từng nhà trường phải tập trung hướng dẫn giáo viên biết cách đánh giá chính trong quá trình dạy học, quan sát hành vi của học sinh, để biết được các em có gì khó khăn, thuận lợi để giúp tháo gỡ. Mặt khác, phải giúp đỡ bồi dưỡng giáo viên biết thiết kế các câu hỏi theo hướng phát triển năng lực học sinh, chứ không kiểm tra đơn thuần kiến thức trong sách.

Hướng dẫn giáo viên biết phê như thế nào, nhận xét như thế nào. Không nên quá coi trọng việc phân loại học sinh, hay so sánh học sinh này với học sinh kia, mà điều quan trọng hơn cả là đối chiếu từng em học sinh với chuẩn của chương trình để các em biết rằng cần phải phấn đấu gì, cái gì chưa tốt để điều chỉnh.

Học sinh tiểu học TP HCM bước vào năm học mới

Điều quan trọng nữa là giáo viên phải luôn luôn động viên học sinh kịp thời, để các em có niềm vui phấn chấn trong học tập và biết giải quyết khó khăn trong quá trình học tập. Đấy là một hướng đổi mới đánh giá. Chúng ta cũng cần phần biệt kiểm tra đánh giá kết quả học tập của từng học sinh với việc đánh giá chất lượng từng nhà trường, từng cơ sở giáo dục.

Những năm qua, đặc biệt năm vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiến hành đánh giá quốc tế ở tiểu học và trung học. Việc đánh giá này không nhằm vào từng học sinh, mà đánh giá chất lượng giáo dục của từng nhà trường, từng địa phương. Không phải đánh giá kết quả, mà phân tích những yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, từ đó có những khuyến nghị về mặt chính sách để giải quyết vấn đề chất lượng giáo dục ở tầm vĩ mô của từng địa phương và cả nước.

Cho điểm học sinh không phải là tất cả

PV:Gần đây, nhiều chuyên gia đã bày tỏ ý kiến về công tác đánh giá, trong đó có việc đề nghị “bỏ cho điểm” ở tiểu học. Quan điểm của Thứ trưởng về vấn đề này thế nào?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Khoa học kiểm tra đánh giá ở nước ta đang hình thành và ở giai đoạn đầu, nên còn thiếu rất nhiều điều kiện để làm tốt. Bộ đã và đang có những nghiên cứu và có tập huấn giáo viên, giúp họ hiểu được mục tiêu, nội dung đánh giá, biết cách thiết kế các câu hỏi, đề thi, đáp ứng yêu cầu phát triển năng lực học sinh.

Không nên quá coi trọng việc cho điểm. Chúng ta vẫn cho điểm, nhưng ứng xử với con điểm như thế nào mới là điều quan trọng. Ví dụ không quá nhiều lần kiểm tra cho điểm, điểm đó được xét trong bối cảnh chung, chứ điểm đó không phải là tất cả.

Hiện nay, có tình trạng khá phổ biến là lấy điểm ra để so sánh học sinh này với học sinh khác, lấy điểm ra để xét em nào khá em nào giỏi, điều đó không đúng. Tất nhiên, điểm nó có giá trị nhất định, vì đó là hình thức đánh giá định lượng kiến thức kỹ năng của học sinh, nhưng với quan điểm đánh giá toàn diện, thì điểm không phải là tất cả.

Hiện nay, Bộ đang xây dựng cách đánh giá học tập của học sinh tiểu học, trước hết cho các trường thực hiện mô hình trường học mới, trong đó rất coi trọng việc giáo viên giám sát học sinh trên lớp để có hướng dẫn, giúp đỡ các em kịp thời động viên và giúp các em vượt qua khó khăn.

Việc đánh giá toàn diện là không chỉ là các môn văn hóa, mà các hoạt động rèn luyện của các em cũng cần có sự phối hợp đánh giá của nhà trường với nhận xét đánh giá của phụ huynh học sinh, các tổ chức đoàn thể nơi các em tham gia sinh hoạt; có đánh giá, góp ý của bạn bè, tổ nhóm… Tất cả hướng học sinh đến sự hứng thú say mê học tập và đối chiếu học sinh với chuẩn, từng bước vượt qua chuẩn, mà không coi trọng điểm số. Điểm số chỉ là một trong những tiêu chí để đánh giá học sinh, chứ không phải là tất cả.

Chưa bỏ thi tốt nghiệp THPT

PV:Xin Thứ trưởng cho biết kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2013-2014 được tổ chức thế nào khi có nhiều ý kiến đề nghị bỏ kỳ thi này?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển:Năm nay, kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn giữ, không bỏ. Kinh nghiệm thế giới ngày càng quan tâm đến kỳ thi tốt nghiệp vì kỳ thi này đánh giá mặt bằng chất lượng phổ thông của mỗi quốc gia, từng địa phương. Thông qua đây để đánh giá hiệu quả đầu tư, rút kinh nghiệm về giải pháp và tổ chức dạy học trong nhà trường như thế nào.

Giáo dục phổ thông là nền tảng rất quan trọng, có tính chất quyết định nhất đến cả hệ thống giáo dục. Vì vậy chúng ta không bỏ kỳ thi tốt nghiệp. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nghiêm túc nhìn nhận vào thực tế, kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay còn nhiều thiếu sót chưa khắc phục được. Đặc biệt chưa kết hợp được việc thi tốt nghiệp với quá trình đánh giá học sinh thường xuyên, nên chúng ta phải tiếp tục đổi mới kỳ thi này.

Không phải vì những hạn chế mà chúng ta bỏ kỳ thi. Thi là một yếu tố công nhận tốt nghiệp, không phải là tất cả. Vấn đề là tổ chức thi như thế nào để đảm bảo sự tin cậy, để có thể có rất nhiều trường đại học, cao đẳng dựa vào kết quả công nhận tốt nghiệp để xét vào các trường đào tạo tiếp theo (lưu ý kết quả công nhận tốt nghiệp không phải là thi tốt nghiệp).

Trước mắt, năm 2013 - 2014 kỳ thi tốt nghiệp sẽ tiếp tục có những đổi mới, nhưng việc đổi mới nhiều và cơ bản hơn, thì phải chờ đến khi ban hành chương trình mới theo chủ trương “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục”. Bởi vì chương trình và sách giáo khoa mới là tổng hợp những yếu tố từ nội dung dạy học, phương pháp dạy học, phương pháp đánh giá, đến các điều kiện cơ sở vật chất, điều kiện tổ chức thi, phải đồng bộ với nhau. Khi mà chưa đổi mới đồng bộ các yếu tố, thì sự đổi mới chỉ trong phạm vi nhất định  mà thôi.

PV:Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!./.