Sau Hội nghị tuyển sinh toàn quốc do Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa tổ chức là thời điểm các em học sinh lớp 12 bắt đầu làm hồ sơ dự thi cao đẳng, đại học năm 2011. Chọn ngành gì, nghề gì trong tương lai đã và vẫn là những câu hỏi khó với các em trước ngưỡng cửa cuộc đời. Chính vì vậy, việc tư vấn định hướng giúp học sinh chọn được đúng ngành nghề phù hợp với khả năng và phù hợp với nhu cầu xã hội là vấn đề nhà trường, gia đình và xã hội cần quan tâm.
Có một nghịch lý là điều đa số học sinh quan tâm khi làm hồ sơ dự thi vào các trường đại học cao đẳng không xuất phát từ năng lực, sở thích của mình mà lại là tỷ lệ chọi và điểm chuẩn của các trường dự thi. Bởi mục tiêu duy nhất của nhiều em là phải vào được một trường đại học. Một số khác chọn ngành nghề dự thi theo mong muốn của cha, mẹ hoặc làm theo bạn bè. Sự lựa chọn ngành nghề của các em cũng bị ảnh hưởng về giá trị nghề. Nhiều em thích chọn những ngành nghề nghe tên rất kêu hoặc đang nóng, dễ kiếm ra nhiều tiền hơn là phải chọn ngành nghề xã hội đang cần…
Tất cả những điều đó dẫn đến hệ luỵ là có đến 37% sinh viên tốt nghiệp ra trường không tìm được việc làm vì ngành nghề các em tốt nghiệp thừa quá nhiều và cũng có tới 57% sinh viên ra trường phải học thêm nghề khác do phát hiện mình không phù hợp với chuyên môn đã học. Đó là chưa kể, tại một số trường đại học, số lượng sinh viên không hứng thú học ngành nghề đã chọn lên tới 50%...
Trong khi đó, nhiều ngành nghề xã hội rất “khát” nguồn nhân lực nhưng cung lại không đủ cầu. Những con số nêu không chỉ thể hiện sự lãng phí chất xám và tiền bạc rất lớn, mà còn cho thấy sự thiếu quan tâm của các cơ quan chức năng trước nhu cầu được tư vấn, định hướng nghề nghiệp trong tương lai của các bạn trẻ.
Mùa tuyển sinh lại bắt đầu. Các em học sinh lớp 12 lại lúng túng lựa chọn nghề nghiệp tương lai cho mình. Để giúp các em chọn được ngành nghề phù hợp với năng lực, sở thích và nhu cầu xã hội trước hết phải làm tốt công tác cung cấp thông tin cho các em. Nếu chỉ có cuốn “Những điều cần biết về công tác tuyển sinh” với những thông tin sơ lược về các trường đại học, về các ngành sẽ tuyển thì chưa đủ, các em cần được các cơ sở đào tạo giới thiệu chi tiết về từng khoa, từng nghành và mô tả công việc sẽ làm trong tương lai, thậm chí có thể nói rõ hơn về những ưu điểm, hạn chế của ngành học.
Cùng với đó, hàng năm các địa phương, các bộ ngành, doanh nghiệp cũng nên công khai thông tin về nhu cầu trong 5-10 năm tới. Đó là căn cứ rất cần thiết để các học sinh xét khả năng và nguyện vọng của mình khi đặt bút đăng ký vào tờ phiếu tuyển sinh. Hiện nay, một số tờ báo như Thanh Niên, Tiền Phong, Tuổi trẻ… tổ chức ngày hội tư vấn tuyển sinh. Đó là một cách nhằm xã hội hoá công tác tư vấn nghề nghiệp, nhưng ngành giáo dục và đào tạo cũng cần có trách nhiệm trong học động này và mở rộng hoạt động ngày hội tư vấn tuyển sinh tới các địa phương, đặc biệt là vùng nông thôn xa…
Các trường PTTH, các thầy giáo, cô giáo là một kênh rất tốt để định hướng nghề nghiệp cho các em. Kinh nghiệm tại trường PTTH Thái Phiên, Đà Nẵng và một số địa phương khác là rất đáng được quan tâm. Đó là trước khi các em làm hồ sơ tuyển sinh hàng tháng, nhà trường tổ chức những tiết dạy hướng nghiệp theo mô hình hội thảo với những chủ đề hấp dẫn, lôi cuốn các em như "Kế hoạch nghề nghiệp của em", "Cách chọn nghề của em", "Kế hoạch cuộc đời em"... Việc cung cấp thông tin về hệ thống các trường trung cấp, cao đẳng, đại học, xu hướng phát triển ngành nghề trong tương lai... giúp các em làm quen với bậc học mà mình có thể đeo đuổi, theo đúng nguyện vọng cũng như sở trường nhưng cũng phù hợp với nhu cầu xã hội... Với nhiều gia đình, việc quan tâm tới định hướng nghề nghiệp cho các em cũng rất quan trọng. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ cũng cần tìm hiểu thông tin và hiểu rõ năng lực, sở thích của con mình để tránh lúng túng trong việc định hướng nghề nghiệp đặc biệt tránh áp đặt con cái phải theo ngành nghề bố mẹ lựa chọn.
Thực tế cho thấy, việc tư vấn nghề nghiệp nên bắt đầu từ khi trẻ ý thức được các ngành nghề trong xã hội. Theo các chuyên gia thì nên bắt đầu từ những năm đầu cấp trung học cơ sở, có như vậy các em sẽ định hình được mục tiêu và đề ra kế hoạch học tập lâu dài.
Việc chọn nghề của học sinh phổ thông không bao giờ là chuyện riêng của các em học sinh. Bởi nó tác động đến chất lượng và sự ổn định của nguồn nhân lực, và nói rộng ra là tác động đến nền kinh tế xã hội của đất nước. Chính vì vậy, ngành Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan chức năng, gia đình và xã hội phải có trách nhiệm để các em lựa chọn được chính xác ngành nghề phù hợp với khả năng, nguỵên vọng và nhu cầu của xã hội. Làm được như thế vừa tránh được sự lãng phí chất xám, tiền bạc, lại tạo ra một nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước./.