Chỉ còn khoảng hơn 4 tháng nữa là diễn ra kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016. Năm nay, kết quả của kỳ thi nhằm để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ để các trường đại học, cao đẳng sử dụng trong tuyển sinh.

Một trong những vấn đề mà thu hút sự quan tâm, chú ý của thí sinh là đề thi năm nay sẽ ra theo hướng nào.

Xung quanh những thắc mắc của thí sinh, PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho biết, về mặt cơ bản, đề thi được giữ ổn định như năm 2015. Nội dung kiến thức nằm trong chương trình sách giáo khoa THPT, chủ yếu là lớp 12.

thi_sinh_ajqb.jpg
Đề thi THPT Quốc gia năm 2016 sẽ gồm những kiến thức cơ bản, chủ yếu là chương tình lớp 12 (ảnh minh họa)

Đề thi gồm những câu hỏi kiểm tra kiến thức cơ bản của học sinh với mục đích phục vụ cho việc tốt nghiệp THPT. Ngoài ra, đề thi sẽ có những câu hỏi ở mức độ khó dần để phục vụ cho mục tiêu xét tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng.

Đề thi năm 2016 sẽ gồm những câu hỏi yêu cầu tăng cường sự sáng tạo, vận dụng kiến thức vào cuộc sống của thí sinh; giảm tỷ lệ câu hỏi yêu cầu thí sinh phải ghi nhớ một cách máy móc, học thuộc lòng.

Thí sinh có thể tham khảo đề thi minh họa do Bộ GD-ĐT đã công bố trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015 để có cách thức ôn tập thi cho tốt.

Điểm thi vẫn tính theo thang điểm 10

Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi THPT Quốc gia năm 2016 có quy định về việc chấm thi. Theo đó, Tổ chấm tiến hành chấm điểm và quy đổi điểm bằng máy tính sang thang điểm 10, làm tròn đến hai chữ số thập phân cho từng bài thi trắc nghiệm. Thống nhất sử dụng mã môn thi trong các tệp dữ liệu theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Sau khi chấm thi xong tất cả các môn, Chủ tịch Hội đồng thi duyệt kết quả thi, báo cáo và nộp toàn bộ dữ liệu kết quả thi về Bộ Giáo dục và Đào tạo (Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục) để lưu giữ và đối chiếu. Dữ liệu kết quả thi phải lưu vào 02 đĩa CD giống nhau, được niêm phong và lập biên bản niêm phong dưới sự giám sát của thanh tra và công an; 01 đĩa giao cho Chủ tịch Hội đồng thi lưu giữ, 01 đĩa bàn giao cho Bộ Giáo dục- Đào tạo (Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục).

Sau khi duyệt kết quả thi và gửi dữ liệu thi về Bộ Giáo dục -Đào tạo, Chủ tịch Hội đồng thi chỉ đạo Ban Thư ký Hội đồng thi in Giấy chứng nhận kết quả thi cho thí sinh có đăng ký xét tuyển sinh đại học, cao đẳng (theo mẫu thống nhất do Bộ Giáo dục-Đào tạo quy định), ký tên, đóng dấu và gửi cho các sở Giáo dục và Đào tạo nơi thí sinh đăng ký dự thi.

Mỗi thí sinh được cấp 01 Giấy chứng nhận kết quả thi với mã số xác định duy nhất.

Trong trường hợp điểm phúc khảo bài thi lệch nhau từ 0,5 điểm trở lên thì phải tổ chức đối thoại trực tiếp giữa các cán bộ chấm thi đợt đầu và cán bộ chấm phúc khảo (có ghi biên bản) đối với các bài thi có điều chỉnh điểm. Nếu thấy có biểu hiện tiêu cực thì xử lý theo quy định.

Thí sinh được cộng điểm nếu có chứng nhận nghề

Đối với cộng điểm học nghề, Dự thảo quy chế sửa đổi, bổ sung như sau: Học sinh giáo dục THPT, học viên giáo dục thường xuyên trong diện xếp loại hạnh kiểm có Giấy chứng nhận nghề do Sở Giáo dục- Đào tạo hoặc các cơ sở giáo dục đào tạo và dạy nghề do ngành Giáo dục cấp trong thời gian học THPT hoặc học viên giáo dục thường xuyên tham gia học đồng thời chương trình trung cấp kết hợp với chương trình văn hóa theo chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông được cộng điểm khuyến khích căn cứ vào xếp loại ghi trong Giấy chứng nhận nghề như sau:

- Loại giỏi: cộng 2,0 điểm;

- Loại khá: cộng 1,5 điểm;

- Loại trung bình: cộng 1,0 điểm./.