Giáo dục là một trong những lĩnh vực hợp tác chính giữa Australia và Việt Nam. Hiện nay, tại Australia, có khoảng 30.000 sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam đang học tập và còn nhiều hơn số đó đang học tập tại các trường, cơ sở giáo dục của Australia tại Việt Nam.

vov_dai_su_zfhu.jpg
Đại sứ Australia tại Việt Nam Craig Chittick trả lời phỏng vấn báo chí.

Đây là yếu tố quan trọng nhằm thúc đẩy quan hệ song phương giữa Việt Nam và Australia ngày càng gắn bó, bền chặt. Trả lời phỏng vấn báo chí nhân sự kiện chào mừng cựu sinh viên Australia mới về nước tối 12/6/2018, Đại sứ Craig Chittick đã bày tỏ vui mừng trước những thành tựu mà sinh viên Việt Nam tại Australia đạt được. 

PV: Quan hệ song phương giữa Việt Nam và Australia vừa được nâng tầm lên quan hệ đối tác chiến lược. Xin Đại sứ cho biết đôi nét về hợp tác giáo dục và đào tạo giữa Australia và Việt Nam?

Đại sứ Craig Chittick: Năm 2018 kỷ niệm 45 năm mối quan hệ ngoại giao giữa Australia và Việt Nam. Ngay từ đầu, trọng tâm của mối quan hệ giữa hai quốc gia chúng ta luôn luôn là hợp tác giáo dục. Từ năm 1974 đã có những sinh viên Việt Nam đầu tiên sang Australia học tập. Từ đó đến nay đã có hàng nghìn sinh viên Việt Nam được nhận học bổng để học tập tại Australia.

Chúng tôi ước tính có khoảng 60.000 người Việt Nam đã học tập tại Australia và đều có đóng góp đáng kể cho sự phát triển của Việt Nam. Họ làm việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau, họ là những nhà quản lý, lãnh đạo, những doanh nhân, những học giả… Do đó, giáo dục đã, đang và sẽ luôn là lĩnh vực trọng tâm trong hợp tác giữa Australia và Việt Nam. Khoảng 30.000 sinh viên Việt Nam đang học tập tại Australia và còn nhiều hơn số đó đang học tập tại các trường, cơ sở giáo dục của Australia tại Việt Nam.

PV:  Đại sứ đánh giá như thế nào về năng lực của du học sinh Việt Nam đang học tập tại Australia?

Đại sứ Craig Chittick: Học bổng Chính phủ Australia là một chương trình rất cạnh tranh. Những người được nhận học bổng đều là những cá nhân xuất sắc. Họ đã có cơ hội được học tập và trải nghiệm nền giáo dục chuẩn quốc tế tại Australia.

Các trường đại học tại Australia chia sẻ với tôi rằng sinh viên Việt Nam nằm trong nhóm những sinh viên tốt nhất của trường. Vì thế các trường đại học này cũng chủ động tiếp cận sinh viên Việt Nam. Một trong những cách tiếp cận là xây dựng các chương trình nghiên cứu cao cấp có liên kết với các trường đại học tại Việt Nam.

Một ví dụ điển hình là Đại học Công nghệ Sydney (UTS). Hiện nay Đại học Công nghệ Sydney đang có chương trình liên kết đào tạo ngành kỹ sư và công nghệ thông tin ở cả Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Các chương trình này tạo cơ hội cho các trường đại học của Australia làm việc với các nghiên cứu sinh hàng đầu của Việt Nam. Do đó, không phải chỉ tôi nói là sinh viên Việt Nam rất xuất sắc, mà chính đại diện các trường đại học của Australia cũng khẳng định điều đó bằng việc tiếp tục tiếp nhận sinh viên Việt Nam.

PV: Chính phủ Australia sẽ có những chính sách gì để tiếp tục hỗ trợ lĩnh vực giáo dục ở Việt Nam?

Đại sứ Craig Chittick: Mặc dù một số quốc gia khác đã ngừng cấp học bổng nhưng chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục trao học bổng cho sinh viên Việt Nam. Không chỉ Chính phủ Australia mà cả các trường đại học của Australia cũng đang cấp học bổng cho sinh viên Việt Nam. Ngoài ra, bản thân Chính phủ Việt Nam cũng đang đầu tư cho sinh viên Việt Nam học tập tại Australia. Ngay cả các bậc phụ huynh cũng chủ động đầu tư cho con em mình du học tại Australia.

Giờ đây, sinh viên Việt Nam tìm cơ hội học bổng thông qua chương trình Học bổng Chính phủ Australia, mà còn tìm đến nhiều nguồn hỗ trợ tài chính khác nữa, đặc biệt còn có rất nhiều sinh viên du học tự túc tại Australia. Tất nhiên, Học bổng Chính phủ Australia vẫn có một vai trò quan trọng, nhưng tôi rất vui mừng khi thấy nhiều bậc phụ huynh Việt Nam tin tưởng lựa chọn Australia như một điểm đến học tập chất lượng cao cho con em mình.

PV: Theo Đại sứ, Việt Nam nên có chính sách như thế nào để thu hút nhiều hơn nữa các sinh viên đã học tập ở nước ngoài trở về nước làm việc?

Đại sứ Craig Chittick: Một yêu cầu của Học bổng Chính phủ Australia là sinh viên cần phải trở về Việt Nam sau khi kết thúc khóa học. Chúng tôi đang đầu tư vào sinh viên Việt Nam để giúp họ có thêm những kỹ năng chuyên môn, kỹ năng lãnh đạo. Chúng tôi mong muốn họ trở về với hành trang là những kiến thức, kỹ năng học tại Australia và sử dụng chúng để đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của Việt Nam.

Theo quan sát của tôi thì phần lớn các sinh viên Việt Nam khác cũng đều trở về nước sau khi hoàn thành chương trình học. Họ yêu thích cuộc sống ở Australia, nhưng họ vẫn trở về vì gia đình và cộng đồng của mình. Họ trở về vì họ có mong muốn đóng góp xây dựng Việt Nam trở thành đất nước tốt đẹp hơn.

PV: Xin cảm ơn Đại sứ./.