Được cộng điểm ưu tiên từ 2,5 đến 3 điểm, thậm chí có những thí sinh được cộng đến 6,5 điểm trong kỳ thi THPT Quốc gia vừa qua và trúng tuyển vào một trường đại học danh tiếng đã khiến cộng đồng mạng, nhất là những thí sinh “dậy sóng”.
Nhiều người cho rằng, điều này sẽ là bất công cho nhiều thí sinh học lực khá nhưng vẫn có thể trượt ĐH vì không được ưu tiên.
Việc cộng điểm ưu tiên cho thí sinh vùng sâu, miền núi, hải đảo cũng đem lại lợi ích cho các bạn ở thành phố |
Lý giải về vấn đề cộng điểm ưu tiên, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho rằng: Việc cộng điểm ưu tiên, đối tượng và khu vực trong tuyển sinh ĐH,CĐ hiện nay là cụ thể hóa chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đối với các đối tượng ưu đãi xã hội và các vùng khó khăn.
Đảng và Nhà nước và Bộ GD-ĐT cùng các thầy cô giáo hiểu và chia sẻ với những khó khăn thực tế ở các vùng miền hiện nay. Chính vì vậy, các chế độ ưu tiên cũng là một phần động viên các thí sinh ở vùng khó.
“Về mức điểm ưu tiên hiện nay, chúng tôi tiếp nhận các ý kiến góp ý và sẽ xem xét tổng hợp để hoàn thiện chính sách ngày càng phù hợp hơn” – Bộ trưởng nói.
Phát biểu trên Zing, PGS. Văn Như Cương - Chủ tịch Hội đồng Quản trị trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội cho rằng: Chế độ cộng điểm ưu tiên là đúng đắn, bởi sự phát triển về văn hóa, kinh tế - xã hội của mỗi vùng khác nhau. Ở các thành phố, ai cũng được đi học và có điều kiện học tập tốt. Tuy nhiên, điều kiện học tập của học sinh nông thôn rất khó khăn.
Ông Văn Như Cương cho rằng, chính sách chế độ ưu tiên nhằm bù đắp sự thiệt thòi của học sinh. Các em học ngành y, sư phạm để sau này làm giàu cho quê hương, góp phần phát triển chung của đất nước. Không thể “cào bằng” trong vấn đề này. Học sinh thành phố không nên tị nạnh với các bạn nông thôn, nếu không sẽ trở thành ích kỷ.
Sau khi biết các bạn thí sinh ở miền núi, nông thôn được cộng điểm ưu tiên có thể đánh bật thí sinh thành phố ra khỏi danh sách xét tuyển ĐH, CĐ năm nay, nhiều em đã lên mạng bày tỏ sự chánnản và lo lắng.
Một nick name chia sẻ: "Trước kia cộng cũng 1 - 2,5 điểm là cao, bây giờ tới 6 điểm là ghê lắm rồi. Chuyện cộng là để khuyến khích những bạn vùng sâu vùng xa, không có điều kiện tốt là dĩ nhiên; nhưng cộng cũng có giới hạn thôi, chỉ cần 1- 3 điểm còn công bằng, học hành thi cử như nhau cả. Nếu cộng cùng lúc 6 điểm thì bạn được 18 điểm cũng bằng bạn 24 điểm thật rồi, làm sao chịu được. Điểm năm nay cộng cao quá khiến mình mất phương hướng, lo sợ, lại tạo thêm sự ức chế nữa".
Trên trang cá nhân của một cô giáo ở Hà Nội, có học sinh vào chia sẻ: “Cô ơi, cộng điểm ưu tiên là không sai. Có điều chính sách này khiến nhiều thành phần chạy vào diện ưu tiên đó. Con nghĩ cộng điểm là cần thiết nhưng phải có giới hạn. Có như thế mới công bằng”.
Một sinh viên cũng chia sẻ: “Tôi cũng là người nhờ có điểm ưu tiên mới được vào ĐH. Nhưng lúc vào học rồi thì học lực là bằng chứng để chứng minh cho các bạn và thầy cô rằng mình xứng đáng được hưởng ưu tiên đó”.
Có thí sinh cho rằng: “Không ai chọn được nơi mình sinh ra, dân tộc của mình. Nhưng lòng quyết tâm và sự cầu tiến thì nên được khuyến khích và xã hội cần tạo điều kiện cho các bạn ấy.
Không ai chọn được "điểm xuất phát" cho mình?
Một chủ tài khoản Facebook là người dân dân tộc thiểu số thi ĐH cách đây hơn 20 năm và được cộng 3 điểm, trúng tuyển ĐH thẳng thắn chia sẻ: “Bình đẳng không phải là công bằng, nhất là với những người không đứng cùng vạch xuất phát.
Chẳng ai chọn được nơi mình sinh ra. Tôi không chọn để sinh ra ở vùng miền núi khỉ ho cò gáy, tôi không chọn lủi thủi trèo bộ trên những con dốc hiểm trở để đi học. Tôi không chọn ngôi trường suốt 12 năm không học ngoại ngữ. Nhiều bạn khác cũng thế, họ không chọn sinh ra trên cao nguyên đá hay hải đảo, không chọn chui túi ni-lông, đu dây để qua suối đi học. Các bạn ấy cũng chẳng không mong bố mẹ mình là thương binh, liệt sỹ đâu.
Trợ giúp về giáo dục là cách gốc rễ nhất để chính họ thay đổi, rồi tự họ vượt qua đói nghèo. Và khi thành công, họ sẽ giúp lại những người trong cộng đồng, vì họ hiểu quê mình đang cần gì. Hoặc chí ít là họ nhóm lên ước mơ cho ai đó, dù chỉ là ước mơ bắt chước. Có ước mơ, sẽ có ý chí. Có ý chí, sẽ có con đường”.
Theo thành viên này, việc cộng điểm ưu tiên cho thí sinh vùng sâu, miền núi, hải đảo cũng đem lại lợi ích cho các bạn ở thành phố. Theo đó, các bạn thành phố cũng sẽ được hưởng lợi từ sự giao thoa văn hóa, đa dạng về quan điểm và góc nhìn. Đó cũng là động lực để các bạn thành phố học tốt hơn./.