Tại Ngày hội Giáo dục Đại học Quốc tế, bà Nguyễn Thị Thư – Phó trưởng phòng Giáo dục Quốc tế, Cục Đào tạo với nước ngoài (Bộ GD-ĐT) vừa giới thiệu các chương trình học bổng Hiệp định và Học bổng Chính phủ Việt Nam.

vov_ba_thu_oobo.jpg
Bà Nguyễn Thị Thư 
Theo đó, Cục Đào tạo với nước ngoài triển khai công tác tuyển sinh những học bổng có nguồn từ ngân sách nhà nước. Các học bổng có sử dụng ngân sách nhà nước được chia thành hai nhóm chính.

Nhóm thứ nhất là những học bổng do Chính phủ Việt Nam ký kết hiệp định với các Chính phủ nước ngoài và cùng nhau cử các ứng viên sang nước ngoài học tập. Nhóm thứ 2 là học bổng theo các đề án, dự án.

Trước hết, về học bổng hiệp định, có thể gọi là học bổng liên chính phủ hay học bổng song phương. Chính phủ Việt Nam với chính phủ nước ngoài ký kết hiệp định trao đổi sinh viên, học viên. Phía nước ngoài sẽ miễn học phí, điều kiện ở và phía Việt Nam cấp chi phí đi lại, cấp sinh hoạt phí theo quy định.

Mục tiêu của học bổng hiệp định chính là đào tạo nhân lực trình độ tiến sĩ, thạc sĩ, đại học và thực tập sinh với các nước có ký kết hiệp định với Việt Nam.

Về chỉ tiêu, hàng năm có khoảng 1.300 chỉ tiêu. Lớn nhất là học bổng của Liên bang Nga, từ 800-1000 suất tuỳ theo lộ trình tăng học bổng. Đến năm 2020 số học bổng của Nga dành cho Việt Nam sẽ lên tới 1.000. Tiếp sau đó là Hungary với 100 học bổng. Các nước như Trung Quốc, CHDCND Lào, Campuchia học bổng có thể thay đổi theo từng năm, thông thường rơi vào khoảng từ 30-60. Còn các nước khác ít nhất từ 3 học bổng đến 20 học bổng.

Về các ngành đào tạo của đề án, khi các Chính phủ nước ngoài gửi công hàm xác nhận chỉ tiêu học bổng, họ sẽ thông báo năm đó sẽ đào tạo những ngành gì. Kết hợp với nhu cầu đào tạo của Việt Nam, Bộ GD-ĐT sẽ thông báo tuyển sinh theo những ngành học đó.

Về đối tượng tuyển sinh, học bổng hiệp định chia ra cả hai trình độ đại học và sau đại học. Ở trình độ đại học sẽ chỉ tuyển sinh ở các trường đại học ở Việt Nam. Có một số chương trình tuyển sinh các em học sinh hiện đang học lớp 12 có giải thưởng quốc gia, quốc tế hoặc có một số trường hợp đặc biệt khác tuỳ theo chương trình học bổng.

Đối với học bổng sau đại học, Bộ GD-ĐT sẽ chọn những người mới tốt nghiệp đại học, thạc sĩ trong thời gian một năm trước khi hết hạn nộp hồ sơ của học bổng đó, hoặc người đang công tác tại các cơ quan nhà nước.

Các học bổng hiệp định có lợi thế ở chỗ các ứng viên nếu chưa đủ trình độ ngoại ngữ sẽ được học 1 năm dự bị tiếng tại các nước được cử đi học.

Cục Đào tạo với nước ngoài (Bộ GD-ĐT) giới thiệu các chương trình học bổng có nguồn ngân sách nhà nước.
Nhóm học bổng thứ hai là các học bổng theo dự án, đề án. Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang khiển khai và thực hiện hai đề án chính là 911 là đề án đào tạo tiến sĩ cho các trường đại học và đề án 599.

Đề án 599 là đề án đào tạo cán bộ ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước giai đoạn 2013-2020, mục tiêu đào tạo nhân lực trình độ thạc sĩ và đại học.

Đối tượng tuyển sinh của đề án này bao gồm các giảng viên cơ hữu (dưới 35 tuổi) tại các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam, các công chức, viên chức và các học sinh, sinh viên đoạt giải nhất, nhì, ba tại các cuộc thi quốc tế do Bộ GD-ĐT, Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch cử đi thi.

Chỉ tiêu của đề án gồm 150 xuất học bổng đại học và 1650 cho trình độ thạc sĩ (bình quân 360 chỉ tiêu/năm) tại các nước Anh, Canada, Đức, Hoa Kỳ, Pháp, Nhật Bản…

Đề án 599 sẽ tuyển sinh vào quý I hàng năm với các ngành công nghệ ưu tiên như: Công nghệ thông tin truyền thông, Công nghệ sinh học, Công nghệ vật liệu mới, Công nghệ chế tạo máy và tự động hoá, Công nghệ môi trường. Ngoài ra, còn các ngành khoa học cơ bản; các ngành khoa học kỹ thuật; các ngành khoa học y dược; khoa học nông lâm, ngư; các ngành khoa học hành chính công; các ngành khoa học xã hội và nhân văn.

Đề án 599 có đặc thù về tiêu chí xét tuyển, đối tượng phải là công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan nhà nước và các cơ sở giáo dục đại học.

Còn đối tượng xét tuyển của đề án 911 rộng hơn, bao gồm giảng viên biên chế, giảng viên hợp đồng và danh cho cả những sinh viên mới tối nghiệp đại học, học viên mới tốt nghiệp thạc sĩ.

Đề án 911 là đề án “Đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2010-2020”. Tuy nhiên, hiện tại đề án 911 dừng tuyển sinh từ năm 2017.

Trước những câu hỏi xoay quanh vấn đề khi nào sẽ có đề án thay thế, bà Nguyễn Thị Thư cho biết, hiện nay Chính phủ đang giao cho Bộ GD-ĐT xây dựng đề án thay thế và trình để thông qua. Có thể đến năm 2018 sẽ có đề án thay thế đề án 911.

Liên quan đến việc kinh phí cho học bổng theo 911 có được cấp sau năm 2020 nay không, đại diện Cục Đào tạo với nước ngoài cho biết, hiện tại, đề án 911 đã dừng tuyển sinh từ năm 2017. Những ứng viên đã trúng tuyển đi học theo đề án 911 trước đó vẫn sẽ được cấp kinh phí đến hết 31/12/2020, còn kinh phí sau thời gian đó sẽ được xem xét, dựa trên cơ sở ngân sách nhà nước để cấp tiếp./.