Mặc dù Nhà xuất bản đã Giáo dục có công văn lên tiếng chính thức về sự việc sách “Trưng nữ vương khởi nghĩa Mê Linh” do NXB Giáo dục Việt Nam phát hành in hình minh họa không phù hợp, trong đó có hình vẽ quân lính của Mã Viện không mặc quần nhưng theo các nhà nghiên cứu sử học cũng như phụ huynh thì đây là việc làm đáng lên án, gây ảnh hưởng xấu cho tâm lý và nhận thức của học sinh.

sach_2_kkgx.jpgCuốn sách Sử "Trưng nữ vương khởi nghĩa Mê Linh” có hình vẽ quân lính không mặc quần.
Anh Ngô Vương Anh, một phụ huynh có con đang học ở trường tiểu học Ngô Quyền, Hà Nội cho biết, nếu như đây là cuốn sách nằm trong bộ sách được xuất bản từ kết quả cuộc thi biên soạn truyện tranh lịch sử theo sách giáo khoa lịch sử hiện hành thì đáng lẽ phải là một công trình có chất lượng.

Anh thấy bất ngờ và không hài lòng khi nhận ra trang sách có in hình minh họa không phù hợp trong cuốn sách lịch sử của con mình: “Với tư cách là một phụ huynh, khi thấy con, cháu mình đọc sách (tôi muốn dùng từ "nhảm nhí") như vậy thì chúng tôi rất bức xúc. Chúng tôi mong rằng những người làm công tác quản lý phải nhìn nhận lại công tác quản lý trong việc để lọt ra xã hội những sản phẩm thiếu chất lượng như vậy”.

Theo Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam: Theo truyền thuyết dân gian, câu chuyện quân phương Bắc không mặc quần để đối phó với nghĩa quân yêu nước của ta xảy ra với cuộc khởi nghĩa Bà Triệu chứ không phải thời Hai Bà Trưng. Thời Bà Triệu, tướng Lục Giận là tướng của quân Ngô chứ không phải quân Hán. Lúc sang đàn áp cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu thấy phần lớn là nữ binh nên mới bày ra chiêu trò đó. Đây là câu chuyện hoàn toàn dân gian chứ không phải là chính sử và không có bộ sử chính thống nào chấp nhận sự kiện này.

“Khi Bà Triệu đã dám đứng lên chống lại quân Ngô, với tất cả dũng khí và tinh thần yêu nước thì dù cho đối phương có dùng chiêu trò nào thì không thể vì chuyện xấu hổ đến nỗi không dám đánh và bỏ chạy. Chi tiết đó hoàn toàn phi lý với tinh thần chiến đấu của nghĩa quân, lấy tinh thần yêu nước và tinh thần dân tộc là trên hết”,  GS Phan Huy Lê lý giải.

Cuốn sách “Trưng nữ vương khởi nghĩa Mê Linh” do NXB Giáo dục Việt Nam phát hành có in hình minh họa không phù hợp, phạm sai lầm khi đưa truyền thuyết của Bà Triệu gắn cho thời Hai Bà Trưng.

Theo GS Phan Huy Lê, việc đưa một chi tiết không đúng vào cuốn sách này thể hiện sự thiếu hiểu biết, thiếu ý thức về yêu cầu giáo dục đối với lớp trẻ. Đây là chuyện sai lầm rất đáng tiếc của Nhà xuất bản Giáo dục và tất nhiên với cả người vẽ hình minh họa sách: “Trong sách giáo khoa cũng như sách dùng cho giới trẻ, đặc biệt là học sinh là phải rất có trách nhiệm, không thể đưa tràn lan tất cả diễn biến lịch sử mà không phân biệt truyền thuyết và sự thật lịch sử. Điều đó đã là nguy hiểm rồi. Trong khi đó, nguy hiểm hơn nữa là không chú ý đến tâm lý tuổi trẻ nữa. Tất cả sách giáo khoa hay dưới những hình thức nào (tài liệu tham khảo, truyện tranh) đều phải lấy mục tiêu giáo dục làm nhiệm vụ hàng đầu”.

Cách đây không lâu, cuốn sách “Những vị tướng lừng danh trong lịch sử dân tộc”  được Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin ấn hành cũng đã gây nhiều bức xúc trong dư luận bởi sự cẩu thả trong nội dung cũng như cách thể hiện, đặc biệt là có nhiều hình minh họa các nhân vật lịch sử giống những nhân vật trong các trò chơi Game Tam Quốc (Trung Quốc).

Từ câu chuyện sai sót trong hai cuốn sách lịch sử cho thấy: Không riêng sách giáo khoa, mà ngay cả những cuốn sách tham khảo về lịch sử cũng cần phải có những câu chuyện, hình minh hoạ có độ chân xác cao chứ không thể tùy tiện với những chi tiết gây sốc, kích thích trí tò mò của học sinh.

Quan trọng hơn, những câu chuyện lịch sử phải đưa đến cho các em sự thú vị, tính nhân văn khi tìm hiểu và nhận thức lịch sử. Bởi vậy, câu chuyện của các nhà quản lý hiện nay không chỉ là thu hồi sách, mà phải nghiêm túc, thẳng thắn xem lại quy trình làm sách của mình./.