Chiều 4/8, Đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo do Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ dẫn đoàn, đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Đắk Lắk về thực hiện Nghị quyết 29 -NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo” định hướng phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh Đắk Lắk.

Thực hiện Nghị quyết 29 khóa XI, đến nay, quy mô mạng lưới trường lớp ở Đắk Lắk đã phát triển nhanh theo hướng kiên cố hóa, với 10.362 phòng học kiên cố từ bậc mầm non đến phổ thông (đạt tỷ lệ hơn 61%).

Toàn tỉnh có 404 trường học đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ gần 40%, tăng 189 trường so với năm 2013. Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên được đẩy mạnh, đổi mới khá toàn diện. Hiện toàn ngành có hơn 38.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên, 64% số này đạt trình độ trên chuẩn.

vov_nha2_jtfz.jpg
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại buổi làm việc.
Tuy nhiên, giáo dục đào tạo tại Đắk Lắk cũng còn gặp nhiều khó khăn như cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, hạ tầng công nghệ thông tin, chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới; áp lực cao về xây dựng các điểm trường lẻ; mặt bằng kinh tế thấp nên mức đầu tư cho con em đi học còn hạn chế...

Trên cơ sở đó, tỉnh Đắk Lắk đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét kiến nghị với Chính phủ tiếp tục triển khai Chương trình kiên cố hoá trường lớp để đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh trong tỉnh; Đề nghị Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo có chính sách hỗ trợ chi phí học tập như Nghị định 86/2015 NĐ-CP.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ ghi nhận những kết quả mà ngành giáo dục tại Đắk Lắk đạt được trong những năm qua. Đồng thời đề nghị tỉnh Đắk Lắk cần tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường học cho hợp lý, tránh tình trạng dồn học sinh một cách cơ học; cần bố trí nguồn vốn đầu tư xây dựng các trường học có trọng tâm, trọng điểm, đồng thời chú trọng đào tạo học sinh một cách toàn diện.

“Quy hoạch mạng lưới trường lớp hết sức quan trọng, cần phải làm theo lộ trình từ 1 đến 2 năm. Đắk Lắk cần lưu ý đến điều kiện về giáo viên, nhất là những địa điểm xa dân cư và khối cấp 1, khi điều kiện bán trú, nội trú không đảm bảo sẽ ảnh hưởng rất ảnh hưởng đến chất lượng dạy học. Đối với giáo dục phổ thông, địa phương cần quan tâm đến giáo dục về đạo đức lối sống cho học sinh. Vấn đề về giáo dục toàn diện đã đặt ra nhưng một số trường, một số địa phương cũng làm chưa tốt, vẫn nặng về chữ, nặng về thi. Cùng với đó, giáo dục đại học, giáo dục dạy nghề phải được coi là động lực để phát triển kinh tế xã hội của địa phương”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu rõ./.