Mấy ngày nay, câu chuyện nóng giãy trên mặt báo, trên các trang mạng xã hội là chuyện học hành, thi cử của những đứa trẻ “ăn chưa no, lo chưa tới”. Chẳng phải vì năm nay lứa “dê vàng” tăng đột biến mà câu chuyện "mướt mải trường công” mới nóng. Chỉ đơn giản một lẽ, cái lỗi của ngành giáo dục chưa bao giờ bộc lộ một cách rõ ràng như năm nay. Có ở nơi đâu mà những đứa trẻ mới 15 tuổi đầu đã đứng trước nguy cơ “thất học”?. Có ở nơi đâu, chỉ một kỳ tuyển sinh đầu cấp mà cả xã hội áp lực phụ huynh và học sinh “quay cuồng”, “òa khóc” “van xin”?

binh_luan_2_rdos.jpg
Không vào được trường công, nguy cơ thất học ở tuổi 15 là có thể
Có rất nhiều câu hỏi “vì sao”, có rất nhiều giả thiết “giá như” đặt ra cho ngành giáo dục, nhất là các thành phố lớn. Tại sao sau khi có điểm thi lớp 10, phụ huynh và học sinh lại phải “nín thở” chờ thêm cả tuần mới công bố điểm chuẩn? Tại sao phổ điểm của toàn thành phố, của mỗi trường lại trở nên “bí mật”?. Chính sự mù mờ và chậm trễ thông tin như vậy đã khiến cha mẹ và học sinh như “ngồi trên đống lửa”. Trong khi, các trường ngoài công lập lại “ngay lập tức” công bố điểm chuẩn, thả sức thu hút học sinh. Tìm cho con một suất học trường tư là việc “cực chẳng đã”, không phải gia đình nào cũng có điều kiện và sẵn sàng cho việc đó. 

Kể từ ngày 29/6 đến nay, phụ huynh Hà Nội đã 2 lần “rơi nước mắt”. Lần thứ nhất là khi Hà Nội công bố điểm chuẩn vào lớp 10. Hàng ngàn gia đình “ngã ngửa” vì con họ trúng trường công nhưng đã chót nộp hồ sơ vào trường tư. Lần thứ 2 là khi 35 trường THPTtrên toàn thành phố hạ điểm chuẩn. Công cuộc chạy đua “rút-nộp” hồ sơ trở lên hỗn loạn. Biết bao phụ huynh đã “mất ăn, mất ngủ”, nay lại mất công, mất việc, quay cuồng để tìm cho con một suất học trường công. 

Các trường tư tưởng rằng đã “no đủ” trong lúc tranh tối tranh sáng, nay lại rơi vào cảnh thiếu hụt học sinh khi một lượng lớn hồ sơ bị rút. Đấy là chưa kể cuộc chiến tranh chấp “phí giữ chỗ” vẫn chưa có hồi kết. Dù Sở đã có công văn yêu cầu các trường trả hồ sơ, trả lại tiền nhưng “cái lý” của trường tư là “anh chấp nhận thỏa thuận dân sự” thì anh phải thực hiện đúng cam kết. Trường tư bị rút ruột, bức xúc. Phụ huynh mướt mải, quay cuồng tìm trường cho con, bức xúc. Chẳng lẽ, ngành giáo dục Thủ đô vô can?. 

Nhưng, đặt qua một bên tất cả những bức xúc đó, câu chuyện ở đây phải nhìn cho rõ, đó là quyền được học hành của trẻ. Luật giáo dục quy định “bất kỳ trẻ em dưới 16 tuổi, là công dân Việt Nam đều có quyền được đi học đúng độ tuổi, có quyền tham gia học đầy đủ các chương trình giáo dục của Nhà nước”. Dù luật quy định phổ cập hết bậc THCS nhưng không có nghĩa, dân số cứ tiếp tục tăng thì cơ hội vào trường công càng ít, nguy cơ những đứa trẻ “tuổi 15” bị đẩy ra đường ngày càng nhiều. Mấy năm nay, tốc độ đô thị hóa của thủ đô tăng chóng mặt, nhưng đã có bao nhiêu trường công được xây mới?. Trong khi đó, trường tư mọc lên như nấm, dùng đủ chiêu thức để thu hút học sinh. Và, không loại trừ, nhiều trường trong số đó là “sân trước, sân sau” của các thầy, các cô ở trường công. 

Xu hướng xã hội hóa giáo dục là điều tất yếu nhưng không có nghĩa, phụ huynh và học sinh mất quyền lựa chọn. Ở một số nước phát triển, con nhà nghèo cũng có thể lựa chọn trường tư ngay từ đầu bởi lẽ, học phí được tính trên mức thu nhập của bố mẹ chúng. Ngay như ở nước Anh, trường công có trách nhiệm nhận hết học sinh khi các em chưa đủ 18 tuổi và chính quyền vẫn cho xây thêm trường công ở những nơi thiếu.

Năm nay, hơn 20.000 học sinh Thủ đô không có cơ hội vào trường công. Bao nhiêu phần trăm trong số ấy lựa chọn trường tư ngay từ đầu, bao nhiêu phần trăm bị đẩy vào trường tư và bao nhiêu phần trăm phải gián đoạn  sự nghiệp học hành vì gia đình không có điều kiện? Câu trả lời, xin nhường cho ngành giáo dục Hà Nội./.