Một vấn đề đang được dư luận quan tâm là trong Đề án “Đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT Việt Nam” có nhấn mạnh việc đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông theo hướng kiểm tra năng lực học sinh, thiết thực, hiệu quả. Dựa vào kết quả công nhận tốt nghiệp THPT, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục Đại học có thể tuyển sinh cho trường mình. Như vậy, nếu phương án này được áp dụng, nhiều trường sẽ không còn tổ chức kỳ thi Đại học, Cao đẳng như hiện nay.
Cách tuyển sinh Đại học đang quá nặng về đầu vào?
Chia sẻ về vấn đề này, GS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, cách thức tuyển sinh Đại học như hiện tại đang rất không ổn và lạc hậu, đang quá nặng về đầu vào. Đầu vào rất chặt từ việc thi cử theo phương thức “3 chung” (chung đề, chung đợt thi và chung kết quả xét tuyển), xét điểm sàn và qua nhiều khâu xét tuyển khác nhưng trong quá trình học lại không có sự sàng lọc, sinh viên học ở trường bao nhiêu thì đỗ tốt nghiệp bấy nhiêu.
GS.TS Trần Xuân Nhĩ |
GS.TS Trần Xuân Nhĩ cho rằng, cần phải học tập cách tuyển sinh Đại học ở nhiều nước đang làm. Đó là việc họ mở rộng đầu vào. Căn cứ vào điều kiện để cho học sinh có thể đăng ký vào trường nào nhưng trong quá trình học phải sàng lọc. Có nơi, ngay từ năm thứ nhất đã lọc đi 1/3 và năm thứ 2-3 cũng sàng lọc. Cuối cùng chỉ còn lại những người đáp ứng được yêu cầu. Những người không đạt thì phải học lại, học đại học không phải 3-4 năm, mà có người học 6-7 năm.
GS Văn Như Cương chia sẻ, con em chúng ta đang phải đối đầu với cung cách thi cử căng thẳng và lạc hậu. Trước khi vào lớp 1 đã phải luyện thi để mong đỗ vào trường điểm, trường có uy tín. Các kỳ thi vào lớp 10, trường chuyên, thi tốt nghiệp THPT, thi Đại học đang làm cho học sinh khổ sở mà không đánh giá được thực chất của học sinh vì không có cách gì để khắc phục những tiêu cực trong phòng thi. Từ đó mà phong cách học tập lạc hậu như học lệch, học tủ, học gạo, học thuộc lòng, học thêm vẫn cứ tồn tại như một giải pháp tối ưu.
“Không thể chấp nhận được học suốt 12 năm trời mà được đánh giá chỉ bằng một bài thi làm trong 3 tiếng đồng hồ. Tôi đề nghị kỳ thi Đại học, Cao đẳng nên giao cho các trường quyết định tùy theo yêu cầu mỗi trường, có thể họ tổ chức thi tuyển, xét tuyển và cũng có thể xét tuyển nhiều lần trong năm”- GS Văn Như Cương đề xuất.
Giảng viên Trần Minh Hải, cán bộ giảng dạy Viện Y học dự phòng, ĐH Y Hà Nội thì cho rằng, việc bỏ kỳ thi Đại học cũng có thể thực hiện được, nhưng phải có lộ trình, có sự chuẩn bị cẩn thận, chu đáo. Còn với chất lượng học tập, cách quản lý ở bậc THPT như hiện nay mà cứ lấy kết quả đó để tuyển thẳng vào Đại học thì sẽ không đáp ứng nhu cầu của nhiều trường, nhất là những trường đặc thù như trường Y Hà Nội. “Ví dụ trong kỳ tuyển sinh Đại học năm nay, trường ĐH Y Hà Nội có thí sinh 27 điểm cũng bị trượt. Vì thế không có lộ trình, không có sự chuẩn bị về chất lượng mà tuyển sinh dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT thì chắc chắn số thí sinh vào trường sẽ không đảm bảo chất lượng”- ông Hải nói.
Giảng viên Trần Minh Hải |
Ông Trần Minh Hải lấy dẫn chứng về việc tuyển sinh ở các trường đặc thù như ở Mỹ, họ cũng xét tuyển đầu vào trường Y, nhưng những người xét tuyển phải là những người đã tốt nghiệp một trường đại học nào đó, họ chỉ thi sát hạch để vào trường Y nếu có nguyện vọng. Và không phải cứ học xong 6 năm là ai cũng có thể trở thành bác sĩ, mà có người phải học đến 9-10 năm vì họ không đủ tiêu chuẩn khi đánh giá trong quá trình học. Khi tốt nghiệp trường Y, họ cũng chưa được cấp chứng chỉ là bác sĩ, mà phải học nâng cao 3-4 năm nữa. Vì thế, việc trở thành một bác sĩ rất khó, nhưng chất lượng bởi họ phải trải qua những kỳ thi sát hạch. Và cách làm này phản ánh được chất lượng đầu vào, đầu ra đều rất tốt.
Ông Trần Minh Hải cho rằng, việc công nhận tốt nghiệp THPT phải dựa trên cả một quá trình đánh giá của 3 năm cấp THPT, trong đó có cả việc đánh giá điểm trung bình trong suốt 3 năm. Nhưng đây chỉ là cơ sở để dự tuyển vào một số trường Đại học, còn khi vào trường nào thì trường đó phải dựa trên chỉ tiêu được Nhà nước cấp và trường đó phải thành lập Hội đồng xét tuyển từ số thí sinh dự tuyển.
“Ví dụ, trường Y Hà Nội mỗi năm Nhà nước cho 1.000 chỉ tiêu, nhưng số em được công nhận tốt nghiệp THPT đăng ký vào trường lên tới 3.000, thì chúng tôi phải xây dựng một tiêu chuẩn để tuyển chọn các em vào học. Còn nếu tuyển ồ ạt như số lượng đăng ký thì chắc chắn không đảm bảo chất lượng. Tôi cũng băn khoăn là đối với những em không vào Đại học, nếu lấy kết quả tốt nghiệp phổ thông để đi làm nghề, thì không hiểu những nơi đó người ta sẽ đánh giá các em như thế nào để nhận vào làm việc? Vì thế, Bộ GD-ĐT và các đơn vị liên quan phải có lộ trình, chương trình thật tốt để khi bỏ kỳ thi Đại học, chúng ta vẫn tuyển được các sinh viên đạt yêu cầu. Cần phải giải quyết nguyên nhân gốc rễ của vấn đề, nếu không sẽ dẫn đến tình trạng bỏ thi xong vài năm lại thấy việc bỏ là không đúng sẽ gây ra những hệ quả không tốt”- ông Trần Minh Hải bày tỏ.
PGS.TS Nguyễn Kim Sơn |
PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, Phó Giám đốc Đại học quốc gia Hà Nội cho biết, trường Đại học quốc gia nói chung và Đại học Khoa học xã hội và nhân văn nói riêng đang hướng tới việc tuyển sinh bằng đánh giá năng lực tổng hợp. Việc học sinh có thi tốt nghiệp THPT hay không thì các em đều phải vượt qua việc đánh giá năng lực này. Trường Đại học quốc gia Hà Nội đang cố gắng thí điểm cách tuyển sinh này trong một vài năm tới.
PGS.TS Nguyễn Kim Sơn cũng cho rằng, việc bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ thực hiện được trong điều kiện có cơ chế giám sát việc đánh giá thường xuyên trong quá trình đào tạo.
Lo ngại về vấn đề liệu hệ thống giáo dục có quá tải nếu bỏ kỳ thi Đại học, trong khi nước ta đang còn những khó khăn về cơ sở vật chất, chất lượng đội ngũ giảng viên Đại học cũng còn nhiều bất cập và cả tư duy “trọng bằng cấp” của xã hội chưa có sự cải thiện….
GS Nguyễn Lân Dũng cho rằng, không thể bỏ được kỳ thi Đại học, bởi đây là kỳ thi cạnh tranh, mỗi trường Đại học có một yêu cầu riêng. Nếu chúng ta không có điều kiện như ở các nước khác thì sẽ không bao giờ bỏ được kỳ thi Đại học. “Ở nước ngoài, điều kiện tốt, bao nhiêu người vào Đại học họ cũng chấp nhận và họ lần lượt lấy các chứng chỉ, không đủ điều kiện thì không được lên lớp. Vì thế, sinh viên nào học giỏi có thể 3 năm là tốt nghiệp, học kém thì 5 năm, còn ai vừa đi học vừa đi làm thì có thể 7 năm. Còn ở Việt Nam không có điều kiện, nếu tất cả vào Đại học thì sẽ không có chỗ, không có phòng thí nghiệm...”- GS Nguyễn Lân Dũng lo ngại.
GS.TS Phạm Quang Trung |
GS Phạm Quang Trung cũng lo ngại nếu như phương án xét tuyển vào Đại học chỉ dựa trên đánh giá tốt nghiệp THPT thì sẽ có nhiều vấn đề đặt ra. Chẳng hạn như có địa phương tìm cách nâng điểm tốt nghiệp lên để chạy theo bệnh “thành tích” thì khi xét tuyển vào Đại học kết quả sẽ không chính xác. Mặt khác, những căn cứ để đánh giá về chất lượng nếu không được chuẩn hóa thì sẽ trở nên không rõ ràng. Với các nước có điều kiện phát triển cao về kinh tế-xã hội, luật pháp, con người… thì việc xét tuyển Đại học là hoàn toàn thực hiện được.
“Cá nhân tôi vẫn cho rằng, những kỳ thi tốt nghiệp THPT và Đại học, Cao đẳng vẫn là những bộ lọc cần thiết và đã phát huy tốt tác dụng xét về cơ bản. Trong thời gian trước mắt, vẫn phải thực hiện theo phương án đang làm, còn nếu thực hiện việc xét tuyển thì tôi cho rằng ít nhất phải sau 5 năm nữa và phải làm thí điểm trước, sau đó đánh giá và mới có thể áp dụng chính thức”- ông Trung nhấn mạnh.
Ông Vũ Hoàng Linh |
Ông Vũ Hoàng Linh, Chủ nhiệm khoa Toán-Cơ tin học, Đại học Khoa học Tự nhiên cho biết, ở nhiều nước dựa vào kết quả điểm của phổ thông để tuyển sinh vào Đại học. Vì thế việc đánh giá học sinh ở phổ thông được họ thực hiện một cách trung thực, nghiêm túc. Môi trường học ở đó tạo cho học sinh phát huy đúng năng lực, không bị áp lực.
Ông Linh cũng cho rằng, cách thi tuyển như bây giờ thì đối với trường Khoa học tự nhiên cũng như một ngành khoa học cơ bản mà điểm đầu vào thấp, dẫn đến chất lượng thấp. Trong khi những ngành học không cần đào tạo quá nhiều, nhưng cần thực sự tuyển chọn được những người có năng lực và có đam mê. Ví dụ cho phép các em đạt kết quả tốt ở kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia được vào thẳng.
Còn khi bỏ kỳ thi Đại học, khi tuyển chọn dựa theo đăng ký và sự đam mê, hứng thú của người học và có thể dựa vào địa bàn, bởi hiện nay sự đôi khi có sự chênh lệch điểm đánh giá giữa những trường THPT tốt như các trường ở Hà Nội với các trường ở địa phương. Để không có sự chênh lệch này, chương trình phổ thông cần được chuẩn hóa, việc đánh giá phải minh bạch, công tâm. Và khi có những căn cứ này rồi thì trường nào tuyển sinh, trường đó sẽ có sự sát hạch để phù hợp với chuyên môn đào tạo, nhưng không quá gây áp lực cho thí sinh.
“Tôi rất băn khoăn việc làm thế nào để có được chuẩn, vẫn phải có một kỳ thi nào đó để đánh giá được chuẩn. Chẳng hạn, cùng 2 em được 9,0 nhưng khi xét tuyển vào Đại học, hay cả ở những công ty người ta cũng phải xem thí sinh đó tốt nghiệp ở trường nào và uy tín của trường đó. Vì thế nếu bỏ kỳ thi để đánh giá cũng sẽ gây ra lo ngại cho nhiều người”- ông Linh nói.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì cuộc họp của Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực để thảo luận về Đề án “Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam”. Thủ tướng nhấn mạnh việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là vấn đề lớn, hệ trọng, phức tạp, có nhiều ý kiến khác nhau, cần phải tiếp tục tiếp thu các ý kiến đóng góp nhằm sớm hoàn thiện dự thảo Đề án để trình Chính phủ tiếp tục xem xét, thảo luận, sau đó Ban Cán sự Đảng Chính phủ trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét.
Vì thế, việc dựa vào kết quả công nhận tốt nghiệp THPT, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục Đại học có thể tuyển sinh cũng như các nội dung trong đề án dù là việc cấp bách, nhưng cũng cần phải thực hiện hết sức cần trọng và cần lắng nghe nhiều hơn nữa ý kiến rộng rãi hơn của các Bộ, ngành, chuyên gia và đông đảo các tầng lớp nhân dân.
Có như thế, đề Đề án “Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam” mang tính khả thi và thực sự đưa nền giáo dục Việt Nam hướng tới sự phát triển toàn diện và chất lượng./.