Bài 1: Kỳ thi tốt nghiệp THPT: Phụ huynh, học sinh “bất đồng” ý kiến

Bài 2: Bỏ thi tốt nghiệp THPT: Liệu có chữa được bệnh "thành tích"?

Bài 4: Đổi mới thi tốt nghiệp PTTH, trước hết từ tư duy giáo dục!

Từ mô hình THPT các nước

Từ nhiều năm nay, Việt Nam và một số nước ở khu vực châu Á, Đông Bắc Á như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản đều tổ chức thi tốt nghiệp THPT. Ở cấp học này, các nước này đều có cách giảng dạy và thi cử gần giống nhau.

So với các nước châu Âu, cách đánh giá học tập và thi cử của học sinh THPT khác rất nhiều. Mỗi một nước đều có nền chính trị, điều kiện kinh tế-xã hội, tập tục văn hóa, hệ thống giáo dục mang bản sắc riêng, không thể áp dụng 100% mô hình giảng dạy, đánh giá và tổ chức thi của nước này vào nước khác hay với Việt Nam.

Tuy nhiên, Việt Nam có thể tham khảo mô hình THPT cũng như thi cửở một số nước có nền giáo dục tiên tiến để cùng suy ngẫm và tìm giải pháp đổi mới cách đánh giá học sinh, tổ chức thi cử sao cho hiệu quả và thực chất nhất.

hoc-sinh-3.jpg
Trong khi học sinh Việt Nam vẫn thi tốt nghiệp THPT thì ở nhiều nước trên thế giới đã bỏ kỳ thi này (Ảnh minh họa)

Trước tiên, chúng ta thử tìm hiểu mô hình học tập và đánh giá học sinh của Cộng hòa Pháp - quốc gia vẫn tổ chức thi tốt nghiệp THPT. Kỳ thi tốt nghiệp ở nước này được tổ chức làm 2 đợt. Đợt 1 được tổ chức sau khi hết học kỳ I của năm lớp 12, học sinh thi các môn Xã hội. Đợt 2 thi các môn Tự nhiên sau khi học sinh học hết học kỳ II. Những kỳ thi như thế này này được tổ chức rất bài bản, khoa học và không có tiêu cực, gian lận nhưng độ chính xác rất cao. Hằng năm, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT chỉ đạt từ 70-75%.

Nhìn sang nước có nền kinh tế đứng hàng đầu trên thế giới như Mỹ. Ở Mỹ, học sinh không phải thi tốt nghiệp THPT. Nhà trường sẽ đánh giá học sinh một cách khách quan thông qua việc học tập và kết quả thi các môn của học kỳ I và II. Khi học sinh học hết cấp III thì không phải thi tốt nghiệp mà sẽ được nhà trường cấp chứng chỉ tốt nghiệp THPT dựa vào kết quả đánh giá học tập các môn học.

Ở Australia hay Hà Lan, giáo dục THPT ở mỗi bang trong nước có những cách đánh giá quá trình học tập của học sinh khác nhau, nhưng lại có đặc điểm chung là ưu tiên đánh giá theo năng lực toàn diện của học sinh.

CHLB Đức là một nước có nền giáo dục được đánh giá cao và khá toàn diện. Ở nước này, các em học sinh được nhà trường và gia đình định hướng nghề nghiệp ngay từ cấp Tiểu học, THCS và theo năng khiếu từ khi còn bé. Có những em học hết THCS là chuyển sang học trường nghề. Chính vì thế, không phải học sinh nào cũng theo học THPT. Nếu em nào theo học THPT thì phải nói là có ý thức học tập rất nghiêm túc.

Hệ thống giáo dục THPT ở Đức rất phát triển như là bước đệm để học sinh chuẩn bị vào ĐH, CĐ. Giáo dục THPT không chỉ coi trọng giảng dạy kiến thức mà rất coi trọng đến phát triển nhân cách, tư duy của học sinh.

Ở CHLB Đức cũng không tổ chức thi tốt nghiệp THPT. Học sinh được cấp bằng tốt nghiệp THPT hay không sẽ dựa trên kết quả học tập và rèn luyện đạo đức trong 3 năm học.

Nhìn chung, ở các nước châu Âu trên, học sinh đều được lấy kết quả đánh giá học tập THPT để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Việc đánh giá quá trình học tập và thi cử bậc THPT ở các nước được thực hiện rất nghiêm túc, bài bản dưới sự kiểm duyệt chặt chẽ. Nhiều hội đồng kiểm định chất lượng được thành lập với trách nhiệm rất cao trong việc đánh giá hồ sơ, quá trình học tập, thi cử của học sinh.

Ví dụ như ở bên Mỹ, CHLB Đức, trường THPT đánh giá một hồ sơ học tập và kết quả thi cử của một học sinh có khi phải mất cả ngày. Việc đánh giá hồ sơ của học sinh luôn kèm theo lời nhận xét, giới thiệu của giáo viên chủ nhiệm hoặc Hiệu trưởng nhà trường vào một trường ĐH, CĐ phù hợp với trình độ, năng khiếu của các em.

Đánh giá học sinh trong quá trình học

Trong các diễn đàn về giáo dục, nhiều giáo sư, nhà khoa học đã nhiều lần khẳng định: Mỗi nước có nền giáo dục khác nhau, không thể áp dụng hoàn toàn mô hình giảng dạy, thi cử ở nước này vào nước khác.

Đề án “Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục và đào tạo” cũng chỉ rõ, nền giáo dục Việt Nam sẽ kế thừa những thành quả tích cực của hệ thống giáo dục truyền thống và chọn lọc những tinh hoa của nền giáo dục tiên tiến trên thế giới.

Giáo sư Ngô Bảo Châu

Giáo sư Ngô Bảo Châu- người chứng minh thành công Bổ đề cơ bản Langlands và vinh dự nhận giải thưởng Fields (giải thưởng cao quý nhất về Toán học) năm 2010, đã nhiều năm học tập, giảng dạy tại nhiều nước châu Âu cho rằng, không thể áp đặt mô hình giáo dục, thi cử cụ thể ở một nước nào đó vào ứng dụng tại Việt Nam. Bởi vì mỗi nước có nền chính trị, văn hóa và kinh tế-xã hội khác nhau.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo cho rằng, việc thi tốt nghiệp như hiện nay kết quả đỗ 97-98%, còn việc không đỗ rất ít. Nếu đánh giá như vậy thì không nên tổ chức thi mà phải tìm một cách đánh giá khác có hiệu quả. "Có thể tham khảo cách mà các nước vẫn làm. Đó là họ đánh giá học lực của học sinh qua cả một quá trình, ít nhất là 3 năm học THPT. Từng học kỳ, học sinh học hành như thế nào, kết quả như ra sao sẽ được đánh giá cụ thể. Cuối năm lớp 12 sẽ đánh giá việc tốt nghiệp của học sinh đạt hay không đạt. Với một quá trình dài và kết quả học rõ ràng như thế, học sinh khó có thể gian lận được. Cùng với đó, tất cả các môn học ở phổ thông được xem là cần thiết thì đều phải được đánh giá. Còn việc thi cuối cấp chẳng qua là để kiểm tra một số môn, ví dụ môn Toán, Tiếng Việt, Ngoại ngữ. Đây chỉ là kiểm tra thêm, còn thực tế phải đánh giá trong cả 6 học kỳ. Lúc bấy giờ mới xếp loại được học sinh: Giỏi, Khá, Trung bình, Kém”.

Cũng như nhiều ý kiến của các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực giáo dục, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Xuân Nhĩ cho rằng, nếu thực hiện được việc đánh giá học sinh trong suốt quá trình học, thì đây cũng chính là cơ sở để đánh giá, xếp loại các trường Đại học, Cao đẳng, trường nào thì tuyển sinh ở thang điểm nào. Ví dụ trường có thể đào tạo chất chất lượng cao, thì ở mức điểm đánh giá tốt nghiệp phổ thông là 100; trường 80-100 thì chất lượng thấp hơn một chút và 60-80, 40-60 thì ở một loại trường khác. Còn ở mức thấp hơn 40 thì đi học trường nghề chẳng hạn…“Nếu đánh giá được như vậy, chúng ta có thể giảm được 2 kỳ thi nặng nề như hiện nay. Theo dự tính, mỗi kỳ thi hiện nay tốn khoảng 1.000 tỷ đồng, số tiền này có thể tập trung cho nhiều việc khác, ví dụ như chăm lo đời sống của giáo viên”- PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nói.

Cũng đồng tình với quan điểm này, GS Văn Như Cương cho rằng, cần phải xây dựng một cách kiểm định chất lượng theo từng phần, từng giai đoạn nhỏ. Đánh giá năng lực của học sinh là tổng hợp kết quả của tất cả các giai đoạn đó. “Kỳ thi tốt nghiệp THPT nên tổ chức nhẹ nhàng và nên giao về cho các Sở GD-ĐT. Không cần phải tổ chức một cuộc thi có tính chất quốc gia nặng nề và căng thẳng như hiện nay, như thi cùng đề, cùng ngày và cùng biểu điểm”.

 Cần có thêm nhánh “THPT có nghề”

Dành nhiều quan tâm cho vấn đề về mục tiêu, chương trình và cấu trúc của bậc phổ thông, GS Văn Như Cương cho rằng, mục tiêu đào tạo của bậc phổ thông hiện nay còn nhiều lệch lạc, chưa phù hợp với tình hình kinh tế và xã hội của đất nước.

“Nhìn vào cấu trúc và chương trình của bậc học phổ thông hiện nay, chúng ta hãy đặt ra câu hỏi “Học phổ thông để làm gì?” và hầu như câu trả lời nào cũng là học để thi vào một trường Đại học nào đó.

“Chúng ta phải xác định lại mục tiêu của bậc học phổ thông để trả lời đúng câu hỏi: Đầu ra của bậc học này là gì? Theo tôi, chương trình học bậc phổ thông nhằm cung cấp những năng lực cho người học để sau khi học xong học sinh có thể đi theo nhiều hướng khác nhau, tùy hoàn cảnh và năng lực của từng người. Người thi đi làm ngay, người thì đi làm sau một thời gian đào tạo ngắn hạn, người thì học tiếp vài năm ở trường trung cấp dạy nghề, cao đẳng nghề, hoặc tiếp tục học Đại học, Cao đẳng… Một học sinh muốn đi làm ngay hoặc học tiếp vài năm ở trường trung cấp dạy nghề, cao đẳng nghề thì học theo chương trình THPT hiện nay là hoàn toàn lãng phí, không cần thiết”- GS Văn Như Cương trăn trở.

GS Văn Như Cương cho rằng, nếu xác định lại mục tiêu của bậc phổ thông thì cần phải thay đổi mạnh mẽ cấu trúc chương trình của 3 năm cuối là lớp 10, 11, 12. Với chương trình hiện nay là hoàn toàn không cần thiết cho học sinh muốn đi làm ngay hoặc học tiếp lên trung cấp nghề.

GS Văn Như Cương đề xuất cấp tiểu học và THCS nên chỉ có 1 chương trình. Cấp THPT được chia làm 2 nhánh: một nhánh vẫn được giữ nguyên như cũ là THPT và nhánh kia gọi là trung học có dạy nghề.

Các trường THPT chiếm khoảng 40% số học sinh và nhằm đào tạo những học sinh khi tốt nghiệp THPT có thể tiếp tục học ở các trường Đại học. Chương trình gồm 5 môn bắt buộc là Toán, Tiếng Việt, Ngoại ngữ, Giáo dục kỹ năng sống, Giáo dục Thể chất. Ngoài ra còn có các môn học tự chọn: Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa, Ngoại ngữ… và các chuyên đề tự chọn. Mỗi học sinh có thể học 2 môn tự chọn và một môn chuyên đề tự chọn.

Còn các trường trung học dạy nghề chiếm 60% số học sinh đạo tạo học sinh sau khi tốt nghiệp có trình độ THPT và có một nghề. Học sinh ra trường có thể làm nghề hoặc học tiếp lên cao đẳng nghề hoặc Trung cấp chuyên nghiệp.

PGS Trần Xuân Nhĩ

“Cần phải nghiên cứu và xây dựng một chương trình phù hợp với loại trường này, trên tinh thần 50% thời lượng học tập dành cho phần dạy nghề và còn 50% còn lại dành cho kiến thức văn hóa phổ thông đơn giản nhất”- GS Văn Như Cương đề nghị.

PGS Trần Xuân Nhĩ cũng cho rằng, hiện nay nhiều nước đã phân luồng học sinh ngay từ bậc THPT. Ông lấy dẫn chứng về hệ thống giáo dục của Hàn Quốc, khi học hết cấp 2 học sinh đã được trang bị một cách đầy đủ kiến thức phổ thông. Lên cấp 3 có thể phân hóa ngay, khoảng 40% (nhiều nhất là 50%) học sinh nào có khả năng mới cho học lên Đại học, Cao đẳng; 30% thì học trường Phổ thông có nghề (các học sinh này cũng hoàn thành cơ bản chương trình phổ thông); còn 1/3 không thể vào Đại học thì sẽ học một nghề ngắn hạn. Có những nghề kỹ thuật không đòi hỏi nhiều, họ chỉ cần đào tạo có bàn tay khéo léo, chỉ cần lắp ráp được một số chi tiết máy móc trong dây chuyền thế là được. “Nếu chúng ta làm cũng làm như thế thì sớm phân luồng đào tạo từ phổ thông và khi các em  ra xã hội sẽ đáp ứng được yêu cầu”- PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nói.

Giữ hay bỏ thi tốt nghiệp THPT: Cân nhắc kỹ

Giảng viên Trần Minh Hải

Theo giảng viên Trần Minh Hải, cán bộ giảng dạy Viện Y học dự phòng, ĐH Y Hà Nội cho rằng, việc bỏ hay giữ kỳ thi THPT thì quá đơn giản. Điều quan trọng là khi thực hiện phương án nào cũng phải có sự chuẩn bị để thay đổi một cách đồng bộ. “Nếu bỏ thi mà chúng ta không chuẩn bị các điều kiện, cơ sở đi kèm một cách đồng bộ thì khó đạt hiệu quả. Còn việc bỏ hay giữ kỳ thi THPT thì quá đơn giản”- ông Trần Minh Hải nói. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển nhận định, thi tốt nghiệp THPT là hoạt động kiểm tra đánh giá trong cả quá trình học tập của học sinh, xác nhận trình độ, năng lực có đạt được yêu cầu tốt nghiệp THPT hay không. Thi tốt nghiệp cũng có tác dụng động viên sự cố gắng, hứng thú học tập của học sinh cũng như cải tiến phương pháp dạy học của giáo viên. Kỳ thi này còn có tác dụng cung cấp những thông tin cần thiết để giáo viên điều chỉnh hoạt động dạy và học sau kỳ thi. Đối với cơ quan quản lý, kỳ thi giúp cho điều chỉnh quá trình chỉ đạo dạy và học, nâng cao hiệu quả cho những năm sau.

Tuy nhiên, việc cải tiến kỳ thi tốt nghiệp THPT như thế nào cho khoa học, gọn nhẹ, hiệu quả mà vẫn đảm bảo được mục tiêu và yêu cầu của kiểm tra đánh giá. Thi cử là vấn đề khó, không thể giải quyết một sớm một chiều được, cần giải quyết một cách đồng bộ với các yếu tố cơ bản khác của chương trình giáo dục là mục tiêu, nội dung và phương pháp.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, không chỉ ở Việt Nam, nhiều nước vẫn tổ chức kỳ thi tốt nghiệp phổ thông nhằm xác nhận chất lượng và hiệu quả đầu tư quốc gia. “Có nước đã thực hiện việc bỏ kì thi tốt nghiệp như Nga, nhưng hiện nay lại khôi phục lại kỳ thi này. Nhưng cũng có những nước đang cân nhắc việc bỏ kì thi tốt nghiệp THPT. Vì vậy, việc có duy trì hay không kì thi tốt nghiệp THPT cần được nghiên cứu, cân nhắc rất kỹ”.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, hai kỳ thi tốt nghiệp và Đại học có nhiều nét tương đồng về môn thi, lại tổ chức khá gần nhau nên gây khó khăn, bức xúc nên có nhiều ý kiến trái chiều về hai kỳ thi này. Vì vậy đây là vấn đề nhất định phải giải quyết. Mới đây, trong Đề án “Đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT Việt Nam” của Bộ GD-ĐT nhấn mạnh việc định hướng đổi mới các kì thi-công nhận tốt nghiệp THPT cũng như tuyển sinh Đại học. Theo đó, việc đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông theo hướng kiểm tra năng lực học sinh, thiết thực, hiệu quả, tin cậy, sử dụng được kết quả công nhận tốt nghiệp THPT làm căn cứ cho tuyển sinh của nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.

Công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục đang là một vấn đề lớn được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội quan tâm. Vì thế, trong hoàn cảnh hiện nay của xã hội và cả hệ thống giáo dục, việc bỏ hay giữ kỳ thi tốt nghiệp THPT cần phải được cân nhắc một cách kỹ càng, thậm chí cần xây dựng một lộ trình hợp lý để đảm bảo được mục tiêu như Đề án “Đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT Việt Nam” đặt ra, tạo chuyển biến căn bản về chất lượng và hiệu quả giáo dục, khắc phục cơ bản các yếu kém kéo dài đang gây bức xúc trong xã hội để giáo dục và đào tạo trở thành một nhân tố quyết định cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước./.