Rất nhiều vấn đề nóng của ngành giáo dục – đào tạo thành phố Hồ Chí Minh đã được đưa ra bàn bạc tại buổi làm việc giữa lãnh đạo thành phố với đoàn công tác của Bộ Giáo dục – Đào tạo vào sáng nay (7/6).
Tại đây, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đã đưa ra nhiều kiến nghị với Bộ Giáo dục – Đào tạo nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục theo hướng hội nhập quốc tế.
Ông Đinh La Thăng phát biểu tại buổi làm việc |
Nhiều năm qua, ngành giáo dục – đào tạo thành phố đã rất nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ. Trong đó, áp lực sĩ số, trường lớp, tỷ lệ bán trú hay vấn đề nhận giữ trẻ từ 6 đến 18 tháng tuổi, nhận giữ trẻ theo ca cho con em công nhân, lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất... vẫn còn nhiều rào cản.
Mỗi năm, thành phố tăng khoảng 65.000 học sinh. Đặc biệt năm 2015, số học sinh tăng lên đến gần 85.000, tạo áp lực không nhỏ đối với việc phân bố trường lớp. Công tác phân luồng, hướng nghiệp, đào tạo nghề chưa đi vào thực tế nên chưa thu hút được người học.
Ngoài ra, những bất cập từ các thông tư, nghị quyết cũng ảnh hưởng ít nhiều đến việc phát triển của hệ thống giáo dục thành phố. Để sớm đạt mục tiêu hội nhập, ngành giáo dục – đào tạo thành phố cần nhiều hỗ trợ hơn nữa. Thành phố cần được giao quyền tự chủ trong đổi mới chương trình, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, nâng chuẩn đầu ra cho học sinh, sinh viên…
Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho rằng, để nâng tầm chất lượng, Thành phố Hồ Chí Minh cần tập trung cho đề án phát triển giáo dục từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025: “Phát triển giáo dục- đào tạo của thành phố Hồ Chí Minh phải đi theo hướng hội nhập gắn với thực tiễn của thành phố. Theo đó, chất lượng phải được chuẩn hóa và tiến tới được công nhận trên trường thế giới. Chúng ta không thể đứng ngoài xu hướng hội nhập giáo dục, cũng như thị trường lao động. Nhưng trong bối cảnh của nước ta hiện nay, để thay đổi cùng lúc 63 tỉnh thành sẽ rất khó. Vì thế, thành phố Hồ Chí Minh được cơ chế thí điểm đi trước, sau đó rút kinh nghiệm để nhân rộng”.
Thống nhất quan điểm của Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng khẳng định: “Vì thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm giáo dục –đào tạo, là đầu mối giao lưu hội nhập quốc tế. Vì vậy trước hết, ngành giáo dục – đào tạo thành phố phải đi đầu trong hội nhập. Để hội nhập được phải có một đề án tổng thể. Thành ủy thành phố cần có nghị quyết riêng để triển khai thực hiện đề án này trên cơ sở báo cáo được Bộ Giáo dục – Đào tạo phê duyệt”.
Để xây dựng và triển khai được đề án nói trên, Bí thư Đinh La Thăng cho rằng, những vấn đề liên quan đến cơ chế chính sách, mô hình, khi quyết định phải dựa trên định hướng khoa học về giáo dục - đào tạo để đảm bảo tính khách quan. Trong giai đoạn hội nhập hiện nay, thành phố phải chấp nhận nền kinh tế thị trường đối với cả lĩnh vực giáo dục – đào tạo.
Theo đó, bên cạnh những chính sách hỗ trợ từ Trung ương và thành phố, ngành giáo dục cần tập trung đẩy mạnh công tác xã hội hóa để nâng cao chất lượng toàn diện. Các chương trình giáo dục phải xây dựng được cho học sinh, sinh viên lý tưởng tạo nên sự nghiệp cho bản thân, xây dựng nền tảng gia đình và đóng góp cho xã hội. Công tác đào tạo của nhà trường phải gắn với doanh nghiệp và thị trường để đào tạo được nguồn nhân lực cao, đảm bảo nhu cầu hội nhập.
Đề án này cần có thời gian để triển khai, và điều thành phố Hồ Chí Minh cần nhất hiện nay là sự phân cấp, ủy quyền từ cấp trên để chủ động hơn trong việc áp dụng nhiều đổi mới./.