Đến thời điểm này, 2 xã biên giới đặc biệt khó khăn là Tân Trạch, Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình vẫn chưa có điện lưới quốc gia. Không có điện là rào cản lớn, ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bản làng đêm đêm le lói ánh đèn dầu, học sinh không có điện để học tập, địa phương không có máy móc phục vụ sản xuất, sinh hoạt... Đồng bào các dân tộc nơi đây luôn mong chờ ánh sáng điện lưới quốc gia.

Chiều muộn nơi biên giới, trời se lạnh, bầu trời xám xịt, mưa phùn lất phất. Trong lớp học tại điểm Trường bản 61, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, cô giáo Đinh Thị Quyên mở toang các cửa sổ, cửa chính mà lớp học vẫn không đủ ánh sáng. Điểm trường được xây dựng khá khang trang, có nhà vệ sinh, gian bếp, trong lớp có đầy đủ bàn ghế. Thế nhưng điện là thứ quan trọng nhất lại chưa có.

Điểm trường này có hệ thống điện năng lượng mặt trời nhưng vào mùa này ít nắng, trời âm u nên không đủ năng lượng để bóng đèn cháy sáng. Cô giáo Đinh Thị Quyên cho biết, ban đêm tối đen như mực, các cô ở lại trường phải thắp đèn dầu để soạn bài giảng.

“Đang gặp khó khăn về điện, nơi đây không có điện. Ở đây các cô trò chỉ dùng bóng tích điện hoặc dùng bóng năng lượng mặt trời, vào mùa mưa thì không dùng được. Soạn bài cũng tranh thủ vào ban ngày hoặc lúc chạy đi sạc máy móc, đèn pin và tranh thủ soạn bài. Còn ban đêm thì không làm gì được nữa rồi, cũng không có điện để nấu cơm bằng bếp điện”, cô Quyên cho hay.

Đồng bào dân tộc Ma Coong và A Rem ở 2 xã Tân Trạch và Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình sống chủ yếu dựa vào làm rẫy, chăn nuôi. Những con suối ở đây đều cạn, nguồn nước từ khe núi thì lại rất xa bản làng nên dưới hiên nhà bà con đặt thùng chứa để hứng nước mưa dùng cho sinh hoạt. Giếng đào, giếng khoan thì không có điện để chạy máy bơm lấy nước lên, máy móc xay xát không có, bà con vẫn nhịp chày giã gạo như bao đời nay.

Bản Tuộc, xã Tân Trạch là bản tái định cư, nhà cửa được xây dựng khang trang, cuộc sống ấm no, chỉ điện lưới là chưa có. Mùa này, ban đêm bản làng tĩnh mịch chìm trong bóng tối, ít khi có các hoạt động vui chơi. Trẻ con đi ngủ sớm, thậm chí, cả bản không có tiếng của loa đài. Ông Đinh Nhâm, ở bản Tuộc, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch giọng buồn, không có điện lưới chính là rào cản lớn trong sinh hoạt và hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế của bà con.

“Lên đây ở thì được tạo điều kiện, lúc đầu lên không có gì cả, dần dần được sự giúp đỡ, có cơm gạo ăn uống đàng hoàng, rất cảm ơn sự giúp đỡ của nhà nước. Nhưng làng mình cũng đang khó khăn, thiếu nhiều thứ, không có tiền bạc. Không có nhiều điều kiện như điện lưới không có, làm việc gì cũng khó”, ông Nhâm cho biết.

Xã Thượng Trạch hiện có 18 bản với gần 670 hộ dân. Những năm qua, nhờ có sự đầu tư của chính quyền và Bộ đội Biên phòng, nỗ lực của đồng bào, cơ sở hạ tầng vùng biên giới Thượng Trạch thay đổi rõ rệt. Những đoạn đường bê tông mới nối từ trung tâm xã vào đến thôn, bản; trường lớp khang trang, trạm y tế được đầu tư nâng cấp đáp ứng khám chữa bệnh cho bà con.

Hiện nay, trạm y tế xã dùng máy phát điện để khám chữa bệnh cho bà con. Xã Thượng Trạch có cột tiếp phát sóng điện thoại hoạt động nhờ máy phát điện, vào một thời điểm nhất định trong ngày. Ông Trương Tấn Hưng, Bí thư Đảng ủy xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình cho biết, cán bộ làm việc tại UBND xã cũng khổ sở vì không có điện, internet rất yếu. Nhiều lúc, văn bản cấp trên gửi qua đường điện tử không thể xem được còn gửi đi thì phải đợi rất lâu.

“18 bản ở đó đều sử dụng điện năng lượng mặt trời, chủ yếu để thắp sáng chứ không dùng để sản xuất. Ví dụ nếu bà con muốn dùng để bơm nước hay dùng máy móc công suất cao thì không được. Điều này ảnh hưởng đến phát triển KTXH của xã và của bà con”, ông Hưng nói.

Để tạm thời khắc phục khó khăn về điện sinh hoạt, Đồn Biên phòng Cà Roòng, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình đứng chân trên địa bàn Thượng Trạch đã cõng máy phát điện vào các điểm trường lẻ xa trung tâm để tặng các điểm trường. Trung tá Võ Đình Thuần, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cà Roòng cho biết, đơn vị đã và đang vận động nhiều đơn vị khác đóng góp để có những công trình nước sạch tặng các bản, lắp đặt bóng năng lượng mặt trời phục vụ bà con, tặng máy phát điện giúp học sinh học tập.

“Cán bộ chiến sĩ của Đồn kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ các trường. Các điểm trường, chúng tôi kêu gọi được 5 máy phát điện chạy bằng dầu để chăm lo cho các cháu học sinh đến trường”, Trung tá Võ Đình Thuần cho biết.

Mới đây, UBND tỉnh Quảng Bình phê duyệt Dự án điện lưới quốc gia lên 2 xã biên giới Tân Trạch, Thượng Trạch, huyện Bố Trạch với tổng kinh phí gần 110 tỷ đồng. Đường điện lưới này sẽ được kéo xuyên qua khu vực Di sản Thiên nhiên Thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

Nghe tin mai này bản làng vùng cao này sẽ có điện lưới quốc gia, đồng bào Ma Coong, A Rem mừng lắm. Bà con ngóng chờ từng ngày để đón dòng điện bừng sáng trên núi rừng biên giới Trường Sơn./.