Đây là thông tin được đưa ra tại lễ công bố Báo cáo Chuyển đổi Nguồn nhân lực Giáo dục: Áp dụng Nhóm học tập để kiến tạo Thế hệ học tập của Ủy ban Giáo dục khu vực Châu Á vừa diễn ra sáng nay (13/11) tại Hà Nội. 

Theo báo cáo, chỉ còn 10 năm nữa tới hạn cuối thực thi những Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc (SDG) để đảm bảo giáo dục chất lượng toàn diện và công bằng cho mọi người trên toàn cầu, nhưng thế giới đang đối mặt với nguy cơ nghiêm trọng không đạt được mục tiêu này.

giao_duc_rusv.jpg
Có đến nửa số trẻ em trên thế giới không kịp học những kỹ năng cần thiết để phát triển vào năm 2030. (Ảnh minh họa, nguồn: The Education Commission)

Ngày nay, trên toàn thế giới có 260 triệu trẻ em không được tới trường, và hơn 600 triệu trẻ em tới trường đang không được học những điều cơ bản. Theo xu hướng hiện nay, một nửa số trẻ em trên thế giới, tức 800 triệu trẻ sẽ không kịp học các kỹ năng cần thiết để phát triển vào năm 2030.

Theo những đánh giá mới nhất của Ủy ban giáo dục khu vực Châu Á, tại khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, chỉ có 30% trẻ em đang đi đúng hướng để tốt nghiệp trung học và học được những kỹ năng cơ bản. Theo hướng này, tỉ lệ đó sẽ đạt 79% vào năm 2030.

Việt Nam đang tiến bộ nhanh chóng và khiến thế giới ngạc nhiên trong vài năm trước đây khi xếp hạng thứ 8 toàn cầu trong số 65 quốc gia về bài kiểm tra trên PISA, đánh giá kết quả học tập của học sinh trong các môn khoa học, công nghệ, kỹ thuật, và toán (STEM). Thành tích học tập của học sinh là kết quả từ sự đầu tư và nỗ lực mà chính phủ và các đối tác đã dành ra để hỗ trợ giáo viên.

Chất lượng giáo viên là yếu tố quan trọng nhất quyết định kết quả học tập ở cấp trường học. TS Tạ Ngọc Trí, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD-ĐT cho rằng: “Chúng tôi tự hào dẫn đầu trong việc cung cấp những kỹ năng tương lai cho học sinh. Chúng tôi hiểu rằng một quốc gia không thể tiến lên phía trước nếu không đầu tư và hỗ trợ giáo viên để chuẩn bị cho thế hệ kế tiếp".

 Theo ông Trí, tại Việt Nam, để hỗ trợ phát triển nền kinh tế cần có nhiều sinh viên tốt nghiệp với những kỹ năng STEM phát triển cao và phù hợp. Các nhà tuyển dụng đang yêu cầu những kiến thức và kỹ năng cao hơn để phát triển các lĩnh vực như robot, thực tế ảo, công nghệ điện toán đám mây, dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo. Chính phủ hiểu rằng điều này sẽ đòi hỏi một phương thức tuyển dụng và đào tạo giáo viên mới nhằm dạy những kỹ năng này, và để phát triển những phương pháp tiếp cận mới cải thiện giáo dục khối ngành STEM tại trường THCS và THPT ở quy mô quốc gia. Định hướng này đã khuyến khích đầu tư vào những trải nghiệm học tập giúp tăng cường giải quyết vấn đề, tư duy sáng tạo và khả năng thích ứng.

Hiện nay, Bộ GD-ĐT cũng đang hợp tác cùng Ủy ban Giáo dục Khu vực Châu Á và Đại học bang Arizona, Hoa Kỳ (ASU) thử nghiệm một khóa học môn Toán thích ứng và chủ động cho giáo viên và học sinh để phát triển cả kiến thức nền tảng và các kỹ năng ở bậc cao hơn này. 

Nhưng chỉ riêng giáo viên thì không thể truyền đạt kiến thức chất lượng – cần có một đội ngũ con người để giáo dục một đứa trẻ. Giáo viên cần có người lãnh đạo và hỗ trợ để có thể tiếp cận những đối tượng dễ bị tổn thương nhất một cách hiệu quả. Báo cáo mới này nhìn nhận các nhóm học tập khai thác tiềm năng của nguồn nhân lực giáo dục lớn hơn – những nhà lãnh đạo cấp trường và cấp quận, các chuyên gia, trợ lý học tập, chuyên gia cộng động, doanh nghiệp, chuyên gia y tế và phúc lợi, phụ huynh, tình nguyện viên, và nhiều người khác – làm việc cùng nhau để giúp tất cả trẻ em thành công. Hình thức đội ngũ chuyên gia là phổ biến trong lĩnh vực y tế, nhưng tại sao lại không trong giáo dục?

Cựu Bộ trưởng Giáo dục Hàn Quốc và Ủy viên Ủy ban Giáo dục Ju-Ho Lee chỉ ra rằng: “Hầu hết các hệ thống giáo dục được thiết kế trong giai đoạn Cách Mạng Công nghiệp để mang giáo dục đến với đa số người dân. Giờ đây, sau hơn 150 năm, chúng ta cần một nguồn nhân lực giáo dục và các hệ thống có thể đáp ứng những thay đổi nhanh chóng trong thế giới ngày nay – thay đổi nhân khẩu học, thay đổi môi trường, các tiến bộ khoa học, và đổi mới công nghệ"./.