Sáng 10/2, Bộ GD-ĐT cho biết, theo lộ trình đổi mới thi cử, từ nay đến năm 2016, các trường phải hoàn thành đề án tự chủ tuyển sinh để đến năm 2017 không còn kỳ thi tuyển sinh "3 chung" như hiện nay.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, ngày 10/2 là hạn cuối các trường gửi dự thảo tự chủ tuyển sinh về Bộ. Đến nay, Bộ đã nhận được 31 đề án tuyển sinh riêng của các trường Đại học, Cao đẳng trong cả nước, trong đó có 10 trường thuộc khối Văn hoá- nghệ thuật đã thực hiện tuyển sinh riêng từ năm 2013.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng, con số 31 trong hơn 400 trường đưa ra đề án tuyển sinh riêng là không lớn nhưng thể hiện sự chủ động của các trường. Tuy nhiên, do việc các trường muốn tổ chức tuyển sinh tự chủ phải có lộ trình, có chủ định nên chỉ có những trường nào nung nấu, chuẩn bị phương án từ trước mới có thể nộp dự thảo đợt này, còn  trường nào chưa chuẩn bị sẽ phải nộp sau. Các trường sẽ phải tính toán tìm được phương án để phù hợp với ngành đào tạo của mình.

img_0242.jpg
Thứ trưởng Bùi Văn Ga trong buổi họp báo sáng 10/2

Trong các đề án tuyển sinh, các trường nêu ra nhiều phương án, có phương án vừa thi, vừa xét tuyển; sử dụng kết quả học tập trung học phổ thông hoặc thi một môn kết hợp phỏng vấn… Cơ hội của thí sinh còn được thể hiện ở chỗ, đề thi phong phú, không bỏ sót thí sinh có năng lực phù hợp. Trong đó, các trường đều xác định "ngưỡng tối thiểu" về kiến thức đối với thí sinh.

Qua xem xét, Bộ GD-ĐT đã lựa chọn 15 đề án để đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng lấy ý kiến của toàn xã hội. Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, các đề án này được các trường xây dựng tương đối hoàn thiện, phù hợp với các quy định trong dự thảo về tự chủ tuyển sinh của các cơ sở giáo dục đại học mà Bộ đã công bố. Hiện còn một vài đề án đang được các trường tiếp tục hoàn thiện.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga nhấn mạnh: “Ngày 10/2 theo dự kiến trong dự thảo là kết thúc việc nhận đề án tuyển sinh riêng. Những đề án này đang trong quá trình tham khảo ý kiến, cũng giống như trong  quy định chúng tôi đã nói, những đề án nào được xã hội đồng ý, đồng tình ủng hộ thì chúng ta sẽ xem xét cho thí điểm. Tới nay cũng chưa có gì chắc chắn là đề án nào sẽ chính thức được phê duyệt vì đang chờ thêm ý kiến phản biện của xã hội”.

Đến ngày 10/3, sau quá trình tham khảo ý kiến phản biện của xã hội, Bộ GD-ĐT sẽ xem xét để quyết định và công bố chính thức các đề án đạt yêu cầu và áp dụng ngay từ năm 2014./.