Nâng cao y đức: khó cũng phải làm

Liên quan đến việc Bộ Y tế chọn 5 bệnh viện lớn tuyến Trung ương để thí điểm triển khai Quy tắc ứng xử, nâng cao y đức, trong đó có việc nói không với phong bì; dư luận mong việc này cần thực hiện “đến nơi, đến chốn”.

Phóng viên VOV phỏng vấn GS. TSKH Phạm Mạnh Hùng, chuyên viên cao cấp Ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế. Ông cho rằng: để nâng cao y đức, tăng cường tính nhân văn trong ngành y, phải giải quyết nhiều vấn đề.  

PV: Xin ông cho biết quan điểm của mình về việc cán bộ, nhân viên y tế “nói không với phong bì” mà Công đoàn Y tế đang phát động?

ong-hung.jpg
GS. TSKH Phạm Mạnh Hùng: "Bên cạnh việc yêu cầu thầy thuốc nói không với phong bì, phải làm cho người dân hiểu rằng đưa phong bì là không cần thiết"
GS. TSKH Phạm Mạnh Hùng: Tôi cho rằng một bộ phận lớn các thầy thuốc hiện nay không thích thú gì với phong bì bồi dưỡng của bệnh nhân, thậm chí còn coi đó là sự xúc phạm. Nhưng đúng là còn một bộ phận y, bác sỹ còn ứng xử chưa đúng mực, thiếu văn hóa, thậm chí sách nhiễu, vòi tiền bệnh nhân.

Theo tôi, phát động nói không với phong bì là cần thiết, song nếu không giải quyết tổng thể nhiều vấn đề của ngành y tế thì e rằng việc làm này chỉ mang tính nhất thời, không bền vững. Vì nâng cao y đức phụ thuộc vào nhiều yếu tố.  

Bên cạnh đó, cũng phải xét đến hành vi đưa phong bì của người nhà bệnh nhân. Nếu thấy người bên cạnh dúi tiền vào túi người y tá, mình lại nghĩ rằng nếu không làm theo thì sẽ bị tiêm đau. Thế là thành phong trào. Do vậy, bên cạnh việc yêu cầu thầy thuốc nói không với phong bì, phải làm cho người dân hiểu rằng đưa phong bì là không cần thiết.

PV: Ông từng nhận định: y đức, tính nhân văn trong ngành y đang xuống cấp. Theo ông, những nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này?

GS. TSKH Phạm Mạnh Hùng: Theo tôi có 3 nguyên nhân: Thứ nhất là một số thầy thuốc không nhận thức được đầy đủ, tự rơi vào cái bẫy của đồng tiền. Mặc dù số người này không phải là nhiều nhưng “con sâu làm rầu nồi canh”. Hiện tượng đó xã hội thấy rõ nên người ta mới phê phán. Điều này ngành y tế phải nhận thức rằng: “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”.

Thứ 2 là cơ chế của nền y tế đẩy người ta vào việc đó. Chẳng hạn như nói giao tự chủ, mà trong tự chủ phải tự kiếm lương để sống thì dứt khoát người thầy thuốc phải coi bệnh nhân là đối tượng thu tiền. Hiện nay lấy viện phí làm nguồn chính của một số bệnh viện nên gây ra những bất cập.

"Một bộ phận lớn các thầy thuốc hiện nay không thích thú gì với phong bì bồi dưỡng của bệnh nhân, thậm chí còn coi đó là sự xúc phạm"

Viện phí là gì? Là tiền trực tiếp của người bệnh tự trả sau khi đã được khám chữa bệnh. Lẽ ra đồng tiền của bệnh nhân trả cho bệnh viện thông qua bảo hiểm y tế nhưng đằng này lại “tiền trao cháo múc”, đẩy người thầy thuốc quan hệ trực tiếp với đồng tiền, thông qua đồng tiền, nên dễ nảy sinh tiêu cực.

Thứ 3, trong đào tạo nhân lực ngành y, chúng ta ít quan tâm đến vấn đề cụ thể những vấn đề về y đức. Đừng giáo dục cao xa những vấn đề lớn mà hãy giáo dục những vấn đề rất cụ thể hàng ngày như cách ứng xử với bệnh nhân, trách nhiệm đối với bệnh nhân.

"Hiện nay lấy viện phí làm nguồn chính của một số bệnh viện nên gây ra những bất cập".
Tôi lấy ví dụ: khi bệnh nhân người ta chết rồi, bác sỹ chỉ cần một động tác rất đơn giản là mặc lại cái áo, vuốt mắt cho người bệnh, để hai tay, hai chân họ thẳng thắn và ngỏ một lời chia buồn với gia đình bệnh nhân. Tại sao việc này bây giờ lại không có?

Đấy là tôi chưa nói tới tác phong của người thầy thuốc. Có một số bác sỹ tiếp xúc với bệnh nhân trong tình trạng mặt đỏ gay, khi nói phả mùi rượu ra. Bệnh nhân thấy bác sỹ như vậy liệu có tin tưởng không, dù ông này có giỏi đến mấy?

PV: Vậy theo ông làm thế nào để nâng cao y đức, tăng cường tính nhân văn trong ngành y tế?

GS. TSKH Phạm Mạnh Hùng: Đây là bài toán tổng thể, đầu tiên phải xác định mục đích của ngành y tế Việt Nam là gì. Nghị quyết của Đảng nói rất rõ ràng, “công bằng, hiệu quả, phát triển”; 6 chữ vàng trong Nghị quyết 46 của Bộ Chính trị là sợi chỉ đỏ xuyên suốt để chỉ đạo ngành y tế Việt Nam.

Thứ 2 phải có cơ chế hoạt động; đặc biệt cơ chế tài chính, rất quan trọng để hoạt động hiệu quả. Đầu tiên phải nói đến vai trò của các nguồn tài chính trong đó có ngân sách Nhà nước và thực hiện bảo hiểm y tế bắt buộc toàn dân (người thu nhập cao thì đóng nhiều, thu nhập thấp thì đóng ít). Đây là vấn đề nhân đạo trong toàn dân.

Hiện nay, nhiều bệnh viện được tự chủ tài chính. Tự chủ có cái hay là tính năng động được phát huy nhưng lại đòi hỏi động cơ rất trong sáng; đòi hỏi sự minh bạch về thu, chi; phải tránh tư tưởng xã hội hóa ngụy biện. Có những người hiểu xã hội hóa trong y tế là dân đóng góp càng nhiều càng tốt, là không đúng.

Thứ 3 là giáo dục những hành vi tốt cho người thầy thuốc vì họ là vị cứu tinh cho bệnh nhân. Trước hết, thầy thuốc phải được người bệnh có thiện cảm, còn nếu anh làm một việc không có thiện cảm thì người bệnh mất tin tưởng, người ta sốc, ảnh hưởng đến quá trình điều trị bệnh.

Tôi còn nhớ mãi một việc từ ngày xưa khi còn học ở trường y, vào trời rét, ông thầy của chúng tôi là Giáo sư Đặng Văn Trung cứ bắt phải xoa tay vào nhau đến 5 phút, vừa xoa vừa hỏi bệnh nhân. Giáo sư bảo cứ xoa đi vì làm như vậy để khi sờ vào bụng bệnh nhân, họ không bị lạnh, không co cứng thành bụng, chẩn đoán sẽ chính xác hơn. Hơn nữa, thầy thuốc đứng xoa tay và từ tốn hỏi bệnh nhân có thiện cảm hơn là anh ta cho tay vào túi quần, hất hàm hỏi bệnh nhân.

Ngày xưa chúng tôi đi học còn có môn học mổ xác. Sáng đến bệnh viện phải vào nhà xác, xem các thầy mổ thi thể chết hôm qua để xem trước đó mình chẩn đoán, điều trị có đúng không. Người ta gọi đây là môn “quan tòa của y học”. Đó là về mặt khoa học nhưng về mặt xã hội học thì động tác mổ xác đó là một đặc thù của ngành y tế; một cách rèn đạo đức cho người thầy thuốc. Vì sao? Vì hôm qua vừa nói chuyện với người ta mà nay đặt tim phổi người ta lên bàn. Ngày hôm qua, trót nhận phong bì của người ta thì bây giờ nghĩ thế nào đây? Tâm linh là ở chỗ đó. Nhưng bây giờ, ở ta, mổ xác không được coi là một môn học bắt buộc nữa. Trong khi đó, tại nhiều nước vẫn phải mổ xác.

Thứ 4 là bệnh viện công phải tập trung vào cách tổ chức. Tổ chức của nhiều bệnh viện hiện nay kém, nên bác sỹ không có điều kiện tốt để làm việc. Nhất là lúc bệnh viện quá tải. Ví dụ, một ngày bác sỹ bị khám tới 50 bệnh nhân thì làm sao người ta có thời gian đặt ống nghe hoặc bắt mạch bệnh nhân được. Đừng suy nghĩ bắt mạch chỉ là chẩn đoán bệnh không đâu. Về mặt tình cảm, nó còn là sợi dây truyền sức sống của người thầy thuốc vào người bệnh nhân. Nghề thầy thuốc có đặc thù như vậy./.

PV: Vâng xin cảm ơn ông!/.