Nạn "Xe dù, bến cóc" ở TP HCM đã tồn tại hơn 30 năm nay và ngày càng diễn biến phức tạp. Điều này không những gây bất bình đẳng trong kinh doanh vận tải, thất thu thuế của nhà nước, mà còn gây mất trật tự, an toàn giao thông tại đô thị.
Hiện nay, “xe dù” đã biến tướng thành “xe khách trá hình”, nghiễm nhiên chạy tuyến cố định, có tổng đài đặt vé, có phần mềm đặt chỗ và bán vé trực tuyến qua mạng. “Bến cóc” đã biến tướng thành “bến xe lậu” nhưng vẫn tổ chức đón, trả khách. Thậm chí, xây dựng cả phòng chờ, phòng vé, tổ chức bán vé và đặt chỗ... Trên địa bàn Thành phố hiện có khoảng 50 tụ điểm đón trả khách như thế, chạy 400 chuyến với trên 10 ngàn khách mỗi ngày. Tình trạng này làm thất thu thuế của Nhà nước hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Vì vậy, đã có ít nhất 12 doanh nghiệp vận tải lớn ở thành phố gửi kiến nghị lên lãnh đạo thành phố đề nghị xử lý nghiêm tình trạng này.
Ông Văn Công Điểm, Phó Giám đốc Công ty cổ phần xe khách Phương Trang nói: “Thành phố nên thành lập những đoàn kiểm tra, thanh tra kiểm tra các điểm tổ chức bến xe khách lậu và các doanh nghiệp tổ chức xe liên tỉnh giả danh xe khách hợp đồng. Đây là giải pháp cốt lõi nhất. Chúng ta đã có đầy đủ cơ sở pháp lý để xử lý tình trạng này”.
Để nâng cao năng lực quản lý vận tải hành khách, các doanh nghiệp vận tải cho rằng, Nhà nước cần tập trung rà soát và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh giữa các loại hình vận tải. Đồng thời, khẩn trương hoàn thiện xây dựng các điểm đón, trả khách cho tuyến vận tải hành khách cố định; bổ sung hệ thống các biển báo cấm dừng, đỗ tại các tuyến đường, hay vị trí dễ gây mất trật tự, ùn tắc giao thông. Các cơ quan quản lý cũng cần tập trung công tác quản lý giá dịch vụ tại các bến xe nhằm bảo đảm tính cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp. Đồng thời, doanh nghiệp tự nâng cao chất lượng dịch vụ cũng là một biện pháp để hạn chế xe khách lậu.
Ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty Du lịch Lữ hành Việt nói: ‘Tăng cường dịch vụ của các bến xe, đặc biệt là xe trung chuyển đưa đón khách từ trung tâm thành phố ra bến xe. Hãng xe Phương Trang cũng đã làm rất tốt việc đó, khách của họ đi bến xe miền Tây thì có xe trung chuyển từ trung tâm thành phố ra bến xe. Như vậy, các "xe dù, bến cóc" không cần dẹp họ cũng phải giải tán”.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho rằng, để giám sát và quản lý các doanh nghiệp vận tải một cách triệt để và sát sao, thì việc sớm đưa vào các ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý vận tải đường bộ như bản đồ số, phần mềm quản lý bến xe, phần mềm bán vé điện tử… là cần thiết: “Điều quan trọng nhất là nâng cao nhận thức và trình độ của chủ doanh nghiệp về quy định pháp luật và năng lực quản trị chuyên môn. Nếu không đủ năng lực quản lý thì khoán cho người khác mà không quan tâm. Từ đấy dẫn đến hệ lụy là lái xe người ta bắt khách ở bất cứ đâu, thấy khách là đón. Thêm nữa là quy định chạy 4 tiếng là nghỉ, nhưng nếu như vậy thì người khác đón khách mất nên tài xế lại phải chạy tiếp”.
Để xảy ra tình trạng "xe dù, bến cóc", Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ nhận định, do Luật Giao thông đường bộ vẫn còn một số điểm chưa phù hợp thực tiễn. Chính phủ đã giao Bộ Giao thông Vận tải kiểm tra để chỉnh sửa, bổ sung luật này. Thứ trưởng Lê Đình Thọ cũng yêu cầu Tổng cục Đường bộ, Vụ Vận tải phối hợp đến tháng 11 năm nay sẽ công khai bản đồ số để doanh nghiệp và các tổ chức giám sát hoạt động vận tải một cách tốt hơn: “Nghiên cứu đề án, đưa ra những giải pháp tăng cường khâu quản lý để phù hợp với giai đoạn phát triển của thành phố để trình lên thành phố phê duyệt. Làm cơ sở để triển khai chứ chúng ta không nên nói chung chung nữa. Những giải pháp đó sẽ được tính toán, thảo luận và kể cả xin ý kiến của dư luận và đưa vào đề án. Như thế chúng ta sẽ có cơ sở để thực hiện”.
Các doanh nghiệp vận tải mong muốn Nhà nước cần sớm sửa đổi các quy định không phù hợp của pháp luật; đồng thời nâng cao trách nhiệm của người thực thi công vụ; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm. Có như vậy mới tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng giữa các doanh nghiệp; Nhà nước sẽ không bị thất thu thuế và tình hình trật tự, an toàn giao thông mới đi vào nề nếp./.