Trong nhiều phong tục của người Việt ngày Tết, tắm nước lá mùi già vào chiều 30 Tết vẫn được nhiều gia đình duy trì cho đến tận ngày nay. 

Vào ngày cuối cùng của năm cũ, bên cạnh nồi bánh chưng nghi ngút khói, nồi mùi già sôi sục được nấu để làm nước tắm, tỏa hương thơm ngát khắp nhà tạo nên không khí đúng vị Tết bắc Việt xưa. 

vov_tam_rau_mui_cuoi_nam_11_hxek_omow.jpg
 

Theo PGS.TS Lê Quý Đức, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, lá mùi khi đun sôi sẽ tạo ra mùi thơm ngát, tinh khiết, nhẹ nhàng. Trong không gian, thời gian thiêng của ngày cuối năm, khi đất trời chuẩn bị giao hòa, đón một năm mới, người Việt xưa quan niệm rằng tắm nước lá mùi già sẽ tẩy uế bụi trần, xua đi những điều không may mắn của năm cũ để đón năm mới với khởi đầu mới tốt đẹp hơn.

"Trong khoảnh khắc thiêng liêng ngày cuối năm, tắm lá mùi cũng là một cách con người thể hiện sự tôn trọng với thần thánh, tôn trọng bản thân", PGS, TS Lê Quý Đức cho biết.

Để có một nồi nước tắm cho cả nhà, lá mùi được chọn phải là loại già đã trổ hoa, kết trái, thân mùi dần chuyển sang màu nâu tía, để cả rễ, rửa sạch, không để nát lá cho vào đun sôi. Mùi càng già tắm sẽ càng thơm.

Ngoài việc dùng để tắm, nhiều người còn nấu nước lá mùi ngày tất niên để xông nhà, cầu mong tài lộc cho năm mới vì mùi rất thơm./.