Kiểm soát, xử lý xe quá khổ, quá tải đã được Chính phủ chỉ đạo thực hiện quyết liệt đến nay đã là năm thứ 5. Mới đây, Thủ tướng cũng tiếp tục có Chỉ thị số 32 chỉ đạo tăng cường kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, công tác này còn chưa được chú trọng. Tại tỉnh Gia Lai, xe quá khổ, quá tải vẫn lộng hành trên các Quốc lộ gây mất an toàn giao thông và làm đường nhanh xuống cấp.
Cuối năm 2016, UBND tỉnh Gia Lai cho phép 16 doanh nghiệp của tỉnh nhập khẩu hơn 300.000 m3 gỗ từ Campuchia về. Kể từ đó, sau 21h hàng đêm, những chiếc xe tải chở gỗ lặc lè cứ thế nối đuôi nhau trên Quốc lộ 19B rồi Quốc lộ 14, hướng từ huyện Đức Cơ về thành phố Pleiku. Những chiếc xe có dấu hiệu quá khổ, quá tải nghiêm trọng nhưng lại dễ dàng vượt qua các trạm kiểm soát của lực lượng chức năng.
Xe chở mía về nhà máy đường An Khê. Không quá tải quá khổ mớ là chuyện lạ. |
Để làm rõ sự việc, nhóm phóng viên chúng tôi đã bám theo một đoàn xe chở gỗ và đề nghị Tổ Cảnh sát giao thông đang thực hiện nhiệm vụ tại Quốc lộ 19B, đoạn qua xã Bàu Cạn dừng một số xe để kiểm tra. Sau đó, hai lực lượng Công an giao thông, Thanh tra giao thông tỉnh đã tiến hành cân tải trọng xe tải mang biển số 77H.5787 và kết quả là quá tải đến 200%. Gỗ chất trên chiếc xe này nhiều và nặng đến nỗi, làm thùng xe xiêu vẹo và như muốn bung ra. Theo người dân địa phương, những chiếc xe chở gỗ mặc sức hoành hành trên đường và trở thành những hung thần thực sự.
Ông Huỳnh Tấn Toàn, một người dân ở xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai bày tỏ: “Người dân đi đường thấy xe chở cồng kềnh rất lo sợ. Tôi mong cơ quan chức năng xử lý nghiêm để xe không chở quá khổ, quá tải và ảnh hưởng tới người dân xung quanh”.
Trong khi Quốc lộ 19B và Quốc lộ 14 xe chở gỗ hoành hành thì Quốc lộ 19 đoạn qua huyện Đăk Pơ và thị xã An Khê; Quốc lộ 25 đoạn qua huyện Phú Thiện và thị xã Ayun Pa của tỉnh Gia Lai, xe chở mía quá tải cũng nườm nượp. Mặc dù giữa ngành chức năng địa phương và các doanh nghiệp thu mua nông sản đã có ký kết, cam kết không nhập xe chở quá tải.
Tuy nhiên, việc ký kết, cam kết chỉ được thực hiện trên giấy chứ không phải trên thực tế. Tại Nhà máy đường An Khê, đang trong giai đoạn cao điểm của vụ ép mía 2017. Trung bình mỗi ngày tại đây có đến gần 1.000 lượt xe tải chở mía.
Qua kết quả cân của nhà máy, hầu hết các phương tiện đều vượt quá tải trọng cho phép. Tuy vậy, ông Nguyễn Văn Hảo, Phó giám đốc Nhà máy đường An Khê, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai vẫn cho biết:“Trong thời gian qua, chúng tôi đã phối hợp với Thanh tra Sở GTVT và các ngành chức năng tuyên truyền và vận động người dân thực hiện chở mía đúng tải trọng cho phép. Đồng thời, chúng tôi cũngnghiêm khắctrong việc đối với xe vi phạm về quá khổ, lập biên bản và trên cơ sở đó, báo các ngành chức năng giải quyết”.
Việc phối hợp xử lý, giải quyết xe quá khổ quá tải theo lời ông Hảo tiếc rằng cũng giống như việc ký kết trước đó giữa nhà máy và cơ quan nhà nước, chỉ nói và không làm. Xe chở mía quá tải vẫn nườm nượp vào nhà máy.
Trong khi xe quá tải đang “nóng” là vậy thì Trạm kiểm soát tải trọng liên ngành số 55 đặt trên Quốc lộ 19, đoạn qua thị xã An Khê lại ngừng hoạt động và đã dỡ bỏ. Theo Đại tá Phạm Văn Uấn, Trưởng phòng CSGT, Công an tỉnh Gia Lai, việc ngừng phối hợp giữa lực Cảnh sát giao thông và Thanh tra giao thông tại các trạm cân là theo chỉ đạo của liên Bộ Công an và Giao thông Vận tải.
“Sau khi sơ kết Kế hoạch 12593 giữa Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Công an thì Giám đốc Công an tỉnh có văn bản đề nghị UBND tỉnh cho rút lực lượng Cảnh sát giao thông. Từ ngày 6/3/2017, Chính thức lực lượng Cảnh sát giao thông chúng tôi rút khỏi trạm phối hợp giữa Phòng CSGT và Sở GTVT”- Đại tá Văn Uấn nói.
Còn theo ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Gia Lai, khi không còn phối hợp giữa hai lực lượng Cảnh sát giao thông và thanh tra giao thông thì việc kiểm soát tải trọng trở nên rất khó khăn. Trong khi lực lượng Thanh tra giao thông có phương tiện là cân tải trọng thì thiếu chức năng, thẩm quyền trong việc dừng xe vi phạm. Còn lực lượng Cảnh sát giao thông có chức năng, thẩm quyền thì thiếu cân tải trọng.
“Sau khi lực lượng công an rút khỏi các trạm cân tải trọng thì cũng có ảnh hưởng. Bởi vì, lực lượng thanh tra giao thông thì rất mỏng, cho nên nếu không bố trí đầy đủ về lực lượng thì các trạm cân khó mà thực hiện lại được. Còn về điều lệnh dừng xe tại các trạm cân như thế nào nữa thì đó là một trong những quy chế mà sở đang cố gắng xây dựng để xin UBND tỉnh ban hành để chúng tôi có thể đưa trạm cân hoạt động sớm trở lại”- ông Trường Sơn cho biết.
Việc kiểm soát xe quá khổ, quá tải tại tỉnh Gia Lai lâu nay đã có nhiều bất ổn, nhất là vào thời điểm mùa thu hoạch nông sản. Có nhiều dấu hiệu tiêu cực khi xe quá tải dễ dàng vượt qua các trạm kiểm soát, đi ngang nhiên trên các tuyến đường. Và tình trạng này nay lại càng trở nên nghiêm trọng hơn khi hai lực lượng Thanh tra và Cảnh sát giao thông ngừng hợp tác trong việc xử lý quá tải./.
Quảng Ngãi: Xe quá tải mặc sức lộng hành trong thành phố
Nhiều địa phương có “dấu hiệu tiêu cực” để xe quá tải lộng hành