Trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, tại các tâm dịch và cũng là trọng điểm kinh tế của cả nước như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai chứng kiến những cuộc “di dân” khổng lồ. Hàng trăm ngàn lao động từ các địa phương này tìm mọi cách để về quê. Người đi bộ, người đi xe máy, quãng đường để về nhà có thể là vài trăm nhưng cũng có thể là cả nghìn cây số.
Biết rõ tự ý di chuyển ra khỏi thành phố khi chưa được phép bằng phương tiện cá nhân là sai quy định phòng chống dịch, song người lao động ngoại tỉnh vẫn “liều mình” để được về nhà. Nhiều gia đình mang theo cả “gia tài”, con cái chất hết trên một chiếc xe máy để về quê. Những hình ảnh người lao động vạ vật ngủ ngay rìa đường trên hành trình "chạy dịch" về quê không chỉ khiến nhiều người xót xa, mà còn đặt ra nhiều vấn đề về an sinh xã hội, về quan hệ lao động và quản lý thị trường lao động hiện nay.
Lao động ngoại tỉnh đã thực sự được quan tâm?
Trao đổi với phóng viên VOV.VN về vấn đề này, ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho biết: “Chúng tôi rất xót xa với cuộc sống của người lao động, thu nhập thấp, hết việc là hết tiền, họ phải ở trong những khu nhà trọ chật hẹp điều kiện thấp. Tài sản lao động sau bao năm xa quê của nhiều người tất cả cũng chỉ trên một chiếc xe máy là hết, nhiều người đến xe cũng không có để đi. Đây là những hình ảnh thực sự đáng buồn, đặt ra những vấn đề cấp thiết trong thiết kế các chính sách về lao động".
Theo ông Lê Đình Quảng, lâu nay, các trung tâm kinh tế vẫn thu hút một lượng rất lớn lao động nhập cư đến làm việc, điều này giúp giải quyết vấn đề việc làm, nâng cao đời sống cho một bộ phận người lao động, tuy nhiên, xét ở góc độ về chính sách an sinh xã hội vẫn còn nhiều bất cập.
“Một số tỉnh như Đồng Nai, Bình Dương, lao động ngoại tỉnh là chủ yếu. Thực tế, đóng góp vào ngân sách Nhà nước của các doanh nghiệp tại đây là rất lớn, như vậy, phần lớn do chính công sức của những người lao động tại các doanh nghiệp và trong đó có lao động ngoại tỉnh. Song các công trình phúc lợi như nhà ở xã hội, nhà trẻ trong các khu công nghiệp vẫn còn rất nghèo nàn so với nhu cầu của người lao động. Đây là sự mất cân đối giữa đóng góp của người lao động và mức độ đầu tư ngược trở lại cho nhóm đối tượng này. Cũng bởi thế nhiều lao động coi công việc tại đây chỉ mang tính tạm thời", ông Lê Đình Quảng cho biết.
Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH cũng cùng quan điểm khi cho rằng việc để hàng trăm ngàn lao động phải “vượt rào” về quê trong mùa dịch bệnh như những ngày gần đây là bài học kinh nghiệm trong công tác phòng chống dịch tại các địa phương như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương. Đây là những khu vực trọng điểm kinh tế, thu hút lượng lớn lao động ngoại tỉnh đến làm việc. Như tại Bình Dương, ước tính lao động trong các khu công nghiệp có đến 60-70% là người ngoại tỉnh. Về quy định nhà nước, người lao động ở đâu thì chính quyền địa phương đó phải có trách nhiệm chăm lo đời sống cho họ. Nhưng đến nay, tại các khu công nghiệp lớn khu vực phía Nam, vấn đề an sinh xã hội cho người lao động ngoại tỉnh vẫn chưa được thực hiện tốt. Cũng bởi vậy, nhiều lao động sống ở đây cả chục năm nhưng ngụ cư vẫn là ngụ cư, họ không xác định sẽ gắn bó lâu dài, nên khi dịch bệnh xảy ra, đồng lương ít ỏi, không thể cầm cự, người dân phải tìm mọi cách để về quê.
Cần liên thông dữ liệu lao động, chính sách đa tầng
Ông Phạm Minh Huân cũng cho biết, trong thời gian qua, khi tự di chuyển về quê, người lao động cũng gặp không ít khó khăn khi quy định về tiếp nhận người vào địa phương mỗi nơi một khác, chưa có sự đồng nhất. Đặc biệt, việc để người lao động ồ ạt về quê như “vỡ trận” cũng đặt ra câu hỏi, liệu các địa phương như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương… và cả các tỉnh, thành có lao động đi làm ăn xa có nắm được rõ số liệu về những lao động này? Nếu những dữ liệu về lao động giữa các địa phương có sự liên thông, thống nhất, có lẽ đã có phương án tốt hơn trong việc hỗ trợ người dân về quê hoặc ở lại thành phố?
Từ đó, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH cũng cho rằng, cần đẩy mạnh việc xây dựng dữ liệu lao động thống nhất giữa các tỉnh thành và liên thông toàn quốc. Theo ông Huân, đây là việc đáng ra cần làm từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Bên cạnh đó, việc kết nối lao động hiện nay vẫn chủ yếu do người lao động và doanh nghiệp tự tìm đến nhau, mang tính tự phát. Tại các nước trên thế giới, khi xây dựng được cơ sở dữ liệu về thị trường lao động, không chỉ giúp các cơ quan hoạch định chính sách nắm được chính xác hơn vấn đề về cung cầu lao động tại từng địa phương mà còn giúp giải quyết rất nhiều bài toàn về lao động.
Bên cạnh đó, ông Phạm Minh Huân cũng nhấn mạnh rằng, cần phân tầng chính sách để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, đặc biệt là lao động ngoại tỉnh. Theo đó, về phía Nhà nước cần những chính sách hỗ trợ cụ thể trong và sau khi dịch Covid-19 kết thúc. Ở tầng thứ 2, bản thân doanh nghiệp cũng cần có chính sách thu hút lao động như tăng độ phủ vaccine để bảo vệ sức khỏe cho người lao động, công bố kế hoạch sản xuất cụ thể sau dịch… Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp nhìn nhận lại mặt bằng tiền lương hiện nay, nếu tiếp tục duy trì mức lương thấp, rất khó để giữ chân người lao động, bên cạnh đó cần những chính sách phụ cấp khác để họ yên tâm quay lại duy trì sản xuất.
Ở tầng thứ 3, các địa phương cũng cần nhìn nhận lại vai trò của lao động nhập cư, một khi đã thu hút người lao động đến làm việc thì cần hỗ trợ, chăm lo để họ thực sự coi đây là quê hương thứ 2 của mình chứ không chỉ nghĩ đến làm vì đồng lương.
Tránh tập trung quá nhiều lao động vào một vài nơi
Còn theo ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, khi thu hút lao động vào các khu công nghiệp, cũng cần nhìn nhận lại tác động về mặt xã hội, tránh việc thu hút quá nhiều lao động vào một vài khu công nghiệp, hay một vài địa phương mang tính trọng điểm như hiện nay.
Tại nhiều quốc gia, thay vì tập trung các khu công nghiệp vào một vài địa phương, thì họ phát triển đều khắp ở nhiều nơi khác nhau, do đó mật độ lao động tập trung ở mức ổn định. Theo quan sát, tại nhiều khu vực nông thôn, thu nhập của người lao động trong các doanh nghiệp có thể không cao, song họ không cần ra thành thị, vừa hoạt động công nghiệp, vừa kết hợp với nông nghiệp, người lao động giảm bớt được những chi phí sinh hoạt, không bị áp lực về nhà ở… bởi vậy, dù lương thấp hơn nhưng cuộc sống lại thoải mái hơn, ít xảy ra tranh chấp lao động, đình công…
Từ việc hàng ngàn lao động “tháo chạy” khỏi các thành phố lớn như hiện nay, ông Lê Đình Quảng cho rằng, cần xây dựng được một cơ sở dữ liệu về lao động thống nhất, trong đó các địa phương có lao động đi làm ở những địa phương khác, cũng như địa phương tiếp nhận lao động cần nắm rõ số liệu để có những hoạch định chính sách, không chỉ phục vụ vấn đề quản lý thị trường lao động mà còn đáp ứng chính công cuộc phòng chống dịch.
Đặc biệt, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cũng nhấn mạnh, doanh nghiệp muốn phát triển kinh tế, trước hết cần đảm bảo cho người lao động có cuộc sống ổn định và chính các địa phương cũng cần xem lại những đóng góp của người lao động và có mức độ đầu tư tương xứng về an sinh xã hội./.