Sáng 1/6, tại Hà Nội diễn ra Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2013, với chủ đề “Tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho trẻ em nghèo và trẻ em dân tộc thiểu số” do Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với UBND TP Hà Nội tổ chức. Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, 600 trẻ em đại diện cho trên 25 triệu trẻ em cả nước, cùng hàng nghìn người dân thủ đô tham dự. 

Phát biểu phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2013, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh: Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho trẻ em, nhất là trẻ em nghèo, trẻ em vùng khó khăn, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt để các em được sống, hòa nhập và phát triển. Nhờ vậy, các quyền và cuộc sống của trẻ em ngày càng được quan tâm, cải thiện tốt hơn.

dsc_0096.jpg
Trẻ em miền núi còn chịu nhiều thiệt thòi, khó khăn (Ảnh: Việt Đức)

Phần lớn trẻ em Việt Nam được sống trong tình thương yêu, đùm bọc và chăm sóc của gia đình và toàn xã hội. Nhiều cháu đã giành được những thành tích xuất sắc và phần thưởng quý giá.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều trẻ em đang phải chịu thiệt thòi, không được nhận đầy đủ sự quan tâm, chăm sóc của gia đình, xã hội, thậm chí ăn không đủ no, mặc không đủ ấm; không được tham gia vui chơi giải trí và bị xâm hại, bị bóc lột sức lao động.

Vì vậy, chăm sóc, bảo vệ giáo dục trẻ em cần sự quan tâm vào cuộc hơn nữa của toàn xã hội, trước hết là vai trò, trách nhiệm của gia đình, nhà trường.

Công tác vì trẻ em, tạo sự bình đẳng cho trẻ em ở vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, trẻ em khuyết tật, phải được duy trì bên bỉ, đòi hỏi toàn xã hội phải chung tay hơn nữa.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đề nghị: Tháng hành động vì trẻ em năm nay được phát động cùng lúc với mùa hè tình nguyện của đoàn viên thanh niên cả nước. Do đó, trước tiên mỗi đoàn viên thanh niên với nhiệt huyết của mình, với trái tim và trách nhiệm của mình hãy đi đến vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, đến với trẻ em nghèo để giúp đỡ các em, góp phần nuôi dưỡng, thúc đẩy những ước mơ và tinh thần vượt khó của các em. Các bậc cha mẹ hãy tiếp tục phát huy những giá trị truyền thống của gia đình để nuôi dưỡng, giáo dục con trẻ trở thành những con ngoan, trò giỏi, lớn lên trở thành những chủ nhân tương lai của đất nước. Đó chính là niềm vui, niềm hạnh phúc của tất cả chúng ta.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền cho biết: Hiện cả nước vẫn còn hơn 1,4 triệu trẻ em sống trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Tình trạng xâm hại, ngược đãi, bạo lực, bóc lột, buôn bán, sao nhãng trẻ em và trẻ em vi phạm pháp luật vẫn diễn biến phức tạp và gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Hàng năm có trên 100.000 trẻ em bị xâm hại tình dục; 14.000 trẻ em vi phạm pháp luật, trong đó có khoảng 15% là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Tình trạng thiếu điểm vui chơi giải trí cho trẻ em còn khá phổ biến ở nhiều địa phương. Việc quy hoạch và tổ chức các điểm vui chơi, giải trí cho trẻ em chưa được quan tâm đúng mức các sản phẩm văn hóa dành cho trẻ em mang tính bạo lực chưa được kiểm soát chặt chẽ. Sự tham gia của trẻ em vào các hoạt động xã hội và thực hiện quyền tham gia của trẻ em còn nặng về hình thức; các bộ ngành và địa phương chưa thực hiện đầy đủ về việc tiếp nhận phản hồi ý kiến của trẻ em.

Với chức năng và nhiệm vụ của mình, Bộ LĐ-TB&XH đề ra 9 giải pháp quan trọng nhằm tiếp tục phối hợp với các địa phương, các cấp, các ngành liên quan để chăm sóc, giáo dục và trẻ em ngày càng tốt hơn.

Tại lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2013, thông qua Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, các tổ chức, cá nhân có tấm lòng hảo tâm ủng hộ gần 10 tỷ đồng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em dân tộc thiểu số có ý chí vượt khó, đạt thành tích cao trong học tập./.