Theo ThS Nguyễn Văn Nhữ, Trưởng phòng Truyền thông, Giáo dục Sức khỏe Viện Huyết học Truyền máu Trung ương, nhu cầu máu ở Việt Nam mỗi năm cần 2 triệu đơn vị máu. Riêng tại Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương, mỗi năm cần khoảng 350.000- 360.000 đơn vị máu (tức là mỗi ngày cần nhận 1.300- 1.400 đơn vị máu). Thời điểm này luôn có trong kho từ 7.000- 8.000 đơn vị máu.

Tuy nhiên, số lượng máu như vậy là chưa nhiều so với kế hoạch đặt ra phải duy trì, bởi mỗi ngày Viện phát ra trung bình 1.300- 1.400 đơn vị máu, cung cấp máu cho 178 bệnh viện của 28 tỉnh, thành phố.

ThS Nguyễn Văn Nhữ cho biết, hiện nay lực lượng hiến máu có sự dịch chuyển về mặt lực lượng rõ rệt. Trước kia có thời điểm tới 70% đối tượng sinh viên tham gia hiến máu tình nguyện. Nhưng mấy năm nay, Viện chú trọng thêm vào lực lượng công chức, người lao động ở các cơ quan nhà nước, công ty, doanh nghiệp. Những lực lượng này có sức khỏe tốt và có hiểu biết. Ngoài việc tham gia hiến máu trực tiếp, họ còn trở thành những tình nguyện viên vận động hiến máu, tuyên truyền nghĩa cử cao đẹp này đối với các thành viên gia đình, bạn bè, đồng nghiệp…

“Chúng tôi mong muốn đẩy mạnh lực lượng hiến máu thường xuyên, không phụ thuộc hoàn toàn vào sinh viên để tránh rơi vào tình trạng thiếu máu trầm trọng dịp Tết, dịp Hè”- ThS Nguyễn Văn Nhữ cho biết.

Sau tiêm phòng vaccine COVID-19, nếu sức khỏe ổn định thì có thể hiến máu sau 7 ngày với các loại vaccine được Bộ Y tế phê duyệt; sau 1 tháng với các loại vaccine sống giảm độc lực hoặc không nhớ chính xác loại vaccine đã được tiêm và sau 6 tháng với người tham gia thử nghiệm vaccine. Những người đã mắc Covid-19 khỏi thì sau 10 ngày có thể hiến máu được.

Các trường hợp mắc COVID-19 (F0) có thể hiến máu sau 10 ngày kể từ thời điểm đáp ứng đủ 2 điều kiện sau: âm tính với virus SARS-CoV-2 (phương pháp PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên) và không còn một hoặc nhiều triệu chứng (sốt, ho, khó thở, tiêu chảy…).

Điều này cũng phù hợp với hướng dẫn của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA). FDA cũng không khuyến cáo phải xét nghiệm sàng lọc COVID-19 cho người hiến máu.

Theo Gulftoday và FDA, bất kỳ ai bị mắc COVID-19 đều có thể hiến máu an toàn sau 10 ngày sau khi kết quả xét nghiệm âm tính và các triệu chứng đã thuyên giảm. Theo Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ  (FDA), không có bất kỳ trường hợp nào được ghi nhận trên thế giới cho thấy virus đường hô hấp có thể lây truyền qua đường truyền máu, bao gồm cả SARS-CoV-2. 

Các biện pháp thường quy được sử dụng để xác định tính đủ điều kiện của người hiến máu. Ví dụ, người hiến máu phải có sức khỏe tốt và nhiệt độ bình thường vào ngày hiến  tặng. 

Cơ quan Dịch vụ Y tế Abu Dhabi (SEHA), mạng lưới chăm sóc sức khỏe lớn nhất Các Tiểu vương quốc A Rập Thống nhất (UAE) cũng đang kêu gọi người dân hiến máu để cứu thêm nhiều mạng sống. Theo Cơ quan này, bất kỳ ai từng mắc COVID-19 đều có thể hiến máu an toàn sau 10 ngày kể từ khi có kết quả dương tính nếu không có triệu chứng và nếu có triệu chứng thì có thể hiến máu 10 ngày sau khi hết triệu chứng. Ngoài ra, những người đã được chủng ngừa COVID-19 có thể hiến máu.

Tiến sĩ Marwan Al Kaabi, Quyền Giám đốc Hoạt động nhóm tại Cơ quan dịch vụ Y te Abu Dhabi cho biết thêm: “Hiến máu là một hành động nhân đạo cao cả và ủng hộ tinh thần cho đi của UAE. Một người khỏe mạnh có thể hiến máu 56 ngày một lần và cũng có nhiều lợi ích đáng ngạc nhiên khi giúp lọc máu và tăng cường thể lực".

Điều này cũng phù hợp với hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới và các cơ quan y tế quốc gia cũng không khuyến cáo phải xét nghiệm sàng lọc COVID-19 cho người hiến máu./.