Sau hơn 10 năm hoạt động, đường dây tư vấn bảo vệ trẻ em miễn phí 18001567 vẫn chưa được nhiều người biết đến, nhất là người dân và trẻ em ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa. Do vậy, nhiều vụ bạo hành, xâm hại trẻ em chưa được phát hiện và can thiệp kịp thời. Phóng viên VOV phỏng vấn ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Chăm sóc và Bảo vệ trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) về vấn đề này.

PV:
Thưa ông, sau hơn 10 năm đi vào hoạt động, có ý kiến cho rằng hiện nay đường dây nóng 18001567 chưa được nhiều người dân và trẻ em biết đến. Vậy ý kiến của ông như thế nào?

Ông Đặng Hoa Nam:
Đường dây nóng của chúng tôi là dịch vụ công, một đường dây nóng duy nhất hiện nay của Nhà nước cung cấp và nó đã hoạt động từ năm 2004 đến nay. Mỗi năm, đường dây nóng này tiếp nhận khoảng hơn 300.000 cuộc gọi khác nhau.

ong_dang_hoa_nam_gddy.jpg
 Ông Đặng Hoa Nam

Ngoài việc người dân gọi đến để lấy thông tin, được tư vấn và có những cuộc gọi tố cáo hành vi xâm hại, bạo lực, bóc lột trẻ em, đường dây nóng còn thường xuyên cập nhật thông tin từ các cơ quan thông tin đại chúng để kết nối với địa phương, có các biện pháp hỗ trợ giải quyết những trường hợp trẻ em bị xâm hại, bị bạo lực.

Tuy nhiên, việc truyền thông, quảng bá địa chỉ này chưa thực sự được thường xuyên. Khi vào những chiến dịch truyền thông, quảng bá thì người dân biết đến nhưng đa số người dân và trẻ em còn chưa biết đến dịch vụ này. Tôi nghĩ rằng thời gian sắp tới, chúng ta cần quảng bá nhiều hơn.

Có nhiều quốc gia phối hợp với các doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp thể hiện trách nhiệm xã hội tốt thì trên các sản phẩm của doanh nghiệp như bình sữa, thực phẩm cung cấp cho gia đình và trẻ em có thể in số điện thoại đường dây nóng. Tôi nghĩ rằng, đường dây nóng này sẽ hoạt động hiệu quả hơn trong tương lai gần.

PV:
Vậy khi đường dây nóng nhận được các cuộc gọi phản ánh về các vụ bạo hành, xâm hại trẻ em, Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em triển khai các biện pháp như thế nào để hỗ trợ giải quyết vụ việc?

Ông Đặng Hoa Nam:
 Các thông tin về đường dây nóng được phân loại chặt chẽ theo một quy trình gọi là “quy trình quản lý trường hợp”. Đối với những trường hợp chỉ cần cung cấp thông tin tư vấn thì họ sẽ tư vấn, đối với những trường hợp khẩn cấp thì họ sẽ liên lạc với cơ quan công an ở địa phương và với chính quyền ở địa phương như xã, phường để có các biện pháp phòng ngừa, can thiệp khẩn cấp.

Còn đối với những trường hợp ở dạng nguy cơ thì họ sẽ phối hợp và có những biện pháp lập hồ sơ để chuyển cho các cơ quan địa phương, phối hợp với các cơ quan địa phương để hỗ trợ các trường hợp này.

PV:
Còn đối với các trường hợp được người dân phát hiện sau khi xảy ra sự việc thì Cục có biện pháp nào hỗ trợ các em?

Ông Đặng Hoa Nam:
  Hiện nay, đối với các trẻ em bị xâm hại, bị bạo lực thì có các chính sách hỗ trợ, chính sách trợ giúp cho các em để khám bệnh, chữa bệnh, thậm chí trị liệu. Còn những vụ việc đang trong quá trình điều tra, xem xét thì ngành Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với ngành Công an hỗ trợ cho các nạn nhân tron quá trình điều tra.

Hiện nay, ở hầu hết các địa phương đều có các cơ sở, các trung tâm bảo trợ xã hội hoặc các trung tâm cung cấp các dịch vụ xã hội bảo vệ trẻ em.

Các trung tâm này sẽ chịu trách nhiệm kết nối với các cơ quan chức năng, cơ quan công an để cung cấp các dịch vụ cho các đối tượng trẻ em bị xâm hại này.

Chính phủ sẽ xây dựng các Nghị định, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ cùng với các Bộ khác sẽ có các thông tư để quy định cụ thể các quy trình, các chính sách hỗ trợ các đối tượng trẻ em bị xâm hại, bị bạo lực.

PV:
Vâng, xin cảm ơn ông!/.