Sáng nay (29/9), tại thành phố Đà Nẵng, Phiên họp thứ 9 Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tiếp tục thảo luận, đóng góp ý kiến Dự án Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em sửa đổi.

Kết quả thực hiện Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em giai đoạn 2004-2014 cho thấy, Luật tập trung bảo vệ một số nhóm đối tượng hoàn cảnh đặc biệt. Tuy nhiên, công tác bảo vệ trẻ em còn nhiều bất cập, đối tượng trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt gia tăng.

Kết quả tổng kết việc thực hiện Chương trình hành động vì trẻ em Việt Nam giai đoạn 2001- 2010, có 15/37 chỉ tiêu không đạt. Các đại biểu đã tập trung thảo luận 4 nhóm quyền trẻ em. Trong đó, đồng tình với việc sửa đổi Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em thành Luật trẻ em; nâng độ tuổi trẻ em từ 16 đến dưới 18 tuổi. Đối với việc chăm sóc trẻ em, nhiều ý kiến cho rằng công tác này chưa được chú trọng đúng mức, còn nhiều bất cập, ngay cả trong công tác khám chữa, bệnh.

Ông Dương Trung Quốc, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nêu ý kiến: Đối với các cháu khác với người lớn phải được ưu tiên. Thí dụ như cấp cứu, bây giờ người lớn đôi khi những bệnh nan giải phải xử lý, phải có tiền đóng cọc mới làm. Nhưng các cháu bắt buộc phải làm, sau đó ta dùng những biện pháp, giải pháp khác về mặt tài chính, thế mới là quyền lợi của các cháu. Luật đã đề cập đến rất nhiều các cơ quan phải quan tâm đến các cháu nhưng chả có trách nhiệm. Tôi e ngại nhất ở đây là tính khả thi của Luật. Nếu  Luật không khả thi phản tác dụng”./.