Liên quan đến Dự án cải tạo kênh A41 trên địa bàn phường 4, quận Tân Bình mà VOV đã có bài phản ánh về những bức xúc của người dân khi dự án bị “nắn cong, bẻ lệch”, mới đây ông Trương Tấn Sơn, Phó Chủ UBND quận Tân Bình thừa nhận chính quyền đã có sai sót trong quá trình thực hiện phương án đền bù, giải phóng mặt bằng.
Dân khiếu nại, chính quyền nói gì?
Thông tin tại cuộc Họp báo kinh tế xã hội TP.HCM vào cuối tháng 6 vừa qua, ông Trương Tấn Sơn, Phó Chủ UBND quận Tân Bình cho biết: Việc cải tạo kênh A41 có 2 dự án, gồm: Dự án cải tạo kênh A41 và Dự án bồi thường giải phóng mặt bằng. Hai dự án được Hội đồng nhân dân TP.HCM duyệt chủ trương đầu tư công theo Nghị quyết số 07 tháng 4/2016. Tiếp đó, tháng 9/2016, UBND TP.HCM bố trí vốn để thực hiện hai dự án. Đến tháng 10/2016, Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM đã có quyết định số 5800 phê duyệt phương án thực hiện và quyết định số 4301 phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công.
Riêng Dự án bồi thường giải phóng mặt bằng, tháng 10/2019, Sở Tài Nguyên và Môi trường có quyết định 1139 phê duyệt dự án. Qua đó, đã có 142 trường hợp bị ảnh hưởng, trong đó có 135 hộ dân và 7 trường hợp khác là các tổ chức, doanh nghiệp. Tháng 4/2022, Hội đồng bồi thường và hỗ trợ tái định cư dự án cũng niêm yết dự thảo chính sách và phương án bồi thường tái định cư. Kết quả bước đầu có 96/142 hộ dân đồng thuận. Đến thời điểm này, tổ công tác đang tiếp tục đến từng nhà để trao đổi từng hộ dân. Quận Tân Bình đã chi trả tiền đền bù cho 84 trường hợp.
Cũng theo ông Trương Tấn Sơn, quận cũng nhận được nhiều đơn phản ảnh, kiến nghị của hơn 20 hộ dân liên quan đến lộ giới, tim đường, kênh và giá đền bù. Ngoài ra còn một số vấn đề khác, như: xem xét nguồn gốc quyền sử dụng đất, đo đạc lại diện tích căn nhà, hỗ trợ tiền trong quá trình xây dựng mới lại căn nhà...
Ông Sơn cho biết, một số nội dung quận Tân Bình đang xem xét giải quyết, những nội dung nằm ngoài thẩm quyền gồm ranh, tim kênh dự án thuộc các Sở, ngành, quận cũng sẽ ghi nhận để phối hợp giải quyết. Về vấn đề giá bồi thường được đền bù theo đúng quy định của pháp luật và các văn bản của TP. Tại những buổi tiếp xúc, người dân đều cơ bản đồng thuận.
Liên quan đến việc, cán bộ và cơ quan chức năng cố tình gửi quyết định thu hồi đất cho người dân phường 4 để thực hiện dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng chậm 1 tháng làm người dân mất đi quyền lợi, ông Trương Tấn Sơn nhận sai và gửi lời xin lỗi người dân.
“Đã có kiểm tra và thực tế là phản ánh của bà con là đúng. UBND quận Tân Bình cũng gửi lời xin lỗi bà con. Đúng theo quy định thì quyết định thu hồi đất và quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư thì phải phê duyệt trong một ngày và phải giao bà con. Tuy nhiên thì công tác phối hợp giữa ban đền bù giải phóng mặt bằng và UBND phường 4 cũng chưa được chặt chẽ cho lắm. Do đó đã có sự chậm trễ, quận cũng nhận lỗi này”, ông Sơn thừa nhận.
Đặt người dân vào chuyện đã rồi?
Bà Hoàng Thị Thảo, ngụ tại nhà số 6/21 đường Đồ Sơn, phường 4, quận Tân Bình cho biết, việc gửi chậm quyết định thu hồi đất khiến người dân rơi vào thế bị động, không thể khiếu nại về những bất cập trong thực hiện dự án, gây thiệt hại cho hàng chục hộ dân.
Theo bà Hoàng Thị Thảo, gia đình bà sinh sống và mở doanh nghiệp tại địa chỉ nêu trên. Quyết định thu hồi đất nhà bà ghi địa chỉ là 6/21A. Trong khi đó, thực tế căn nhà 6/21A có diện tích 35m2, không liên quan đến dự án kênh. Bức xúc nữa là, giá đất thực tế tại khu vực này hơn 200 triệu đồng/m2, nhưng chỉ đền bù cho căn nhà 3 mặt tiền với diện tích 76m2 của gia đình bà hơn 900 triệu đồng. Bà Hoàng Thị Thảo cho rằng.
“Công ty An Lộc Phú, do ông Nguyễn Xuân Trường, anh này làm thiết kế, anh này lại thuê một công ty ở tỉnh Thái Nguyên tư vấn về giá... thì rất vô lý. Nếu tư vấn đề giá thì phải là những đơn vị ở gần địa bàn có quy mô tương đương như ở TP.HCM, hay ở Hà Nội, rồi nắm vững giá, quy hoạch dân cư và những quy định pháp luật. Tôi thấy vấn đề này có khúc mắc”, bà Thảo bức xúc.
Theo Nghị quyết 07 ngày 21/4/2016 của HĐND TP.HCM, dự án kênh A41 được duyệt có tổng chiều dài 500m, nhưng sau đó, dự án được thay đổi với chiều dài kênh là 837m, vỉa hè nâng lên 4m. Người dân cho rằng, việc thay đổi này vi phạm tiêu chuẩn xây dựng được Bộ Xây dựng quy định tại văn bản số 104 ban hành từ 30/5/2007.
Ông Bùi Việt Hùng ngụ tại số nhà 25 đường Ba Vì, phường 4, quận Tân Bình cho biết, Ban Quản lý dự án của quận chỉ thông tin cho bà con hai Nghị quyết 13 và Nghị quyết 99 của HĐND TP.HCM. Những nghị quyết này chỉ đề cập về chế độ chính sách khác, chứ không nói về thay đổi về quy hoạch cũng như quy mô đầu tư. Việc không minh bạch này khiến nhiều hộ dân không đồng thuận.
Theo ông Hùng, bà con luôn ủng hộ Nghị quyết 07 của HĐND TP.HCM, bởi việc cải tạo kênh sẽ góp nhiều lợi ích trong chỉnh trang đô thị, cải tạo môi trường. Song, trong quá trình thực hiện có rất nhiều điểm bất hợp lý, bất cập... Đặc biệt là nhu cầu chính đáng được ổn định cuộc sống của người dân thì lãnh đạo quận Tân Bình luôn tìm cách né tránh.
“Đừng để bà con từ chỗ có nhà thành không có nhà để ở. Nhà bị cắt hết 2/3 diện tích còn nữa cái cầu thang thì làm sao gia đình tôi ở. Chúng tôi sẵn sàng chấp nhận giá đền bù thấp hơn, thịu thiệt thòi vật chất nhưng hợp lý, để dự án sớm được tiến hành”, ông Hùng nêu ý kiến.
Người dân cho biết, họ muốn tìm được tiếng nói chung với chính quyền trong cải tạo kênh A41. Họ mong muốn dự án sẽ làm cho môi trường, cảnh quan thêm đẹp, đô thị thêm văn minh nhưng phải đảm bảo cuộc sống của người dân được ổn định./.