Hàng chục năm nay, nhiều thế hệ trong gia đình anh Nguyễn Văn Phú sinh sống yên ổn trong căn nhà số nhà 363, đường Hùng Vương, cạnh suối Hội Phú, thành phố Pleiku, Gia Lai.
Thế nhưng từ 2015, khi triển khai Dự án Kè chống sạt lở suối Hội Phú, bờ suối được đôn cao hơn 1 mét.
Rung chấn từ thi công bờ kè khiến ngôi nhà anh Phú bị nứt nhiều đường từ móng chạy dọc lên nóc. Cùng với đó, hai bên lòng suối được kè bê tông, cốt thép, cống thoát nước ra suối cao hơn nhà chừng nửa mét, nên mỗi khi có mưa, dòng suối tích thủy của toàn thành phố chảy ngược nước vào, khiến ngôi nhà anh Phú thường xuyên ngập lưng chừng.
Cảnh này tái diễn hàng chục lần, vật dụng không những hư hỏng mà ngôi nhà cũng xuống cấp trầm trọng, mất an toàn.
Kè suối Hội Phú cao khiến nước chảy ngược vào nhà dân. |
Tình cảnh này không chỉ gia đình anh Phú mà là tình trạng chung của hàng chục hộ dân các phường Hoa Lư, Hội Thương, Hội Phú trải dọc đôi bờ dự án đi qua.
Điều này khiến anh Phú và nhiều người dân quanh lo lắng và bức xúc.
Dù chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng giai đoạn 3, nhưng đơn vị thi công dự án đã vội vàng đổ đất, đắp đập ngăn dòng, mà không có phương án thoát nước từ nội thị Pleiku.
Ban quản lý dự án thừa nhận, đây là nguyên nhân dẫn tới tình trạng ách tắc hạ tầng thoát nước, gây ngập lụt nhà, thiệt hại hàng chục tỷ đồng của hàng chục hộ dân nội thị Pleiku cuối tháng 8 vừa qua. Đồng thời, nguồn nước ô nhiễm không thoát được cũng đã ngấm vào giếng nước sinh hoạt của hơn 20 hộ dân phường Hội Thương.
Giếng nước nhà bà Tâm không thể sử dụng vì Dự án Kè chống sạt lở suối Hội Phú gây ô nhiễm nguồn nước. |
Bà Trần Thị Tâm, số 32 đường Nguyễn Tri Phương bức xúc: "Trời nắng, khi bên ngoài làm, mặt đất bị rung chấn, gia đình tôi không dám ở trong nhà, phải chạy hết ra ngoài đường. Ngày trước mương nước chảy thẳng xuống suối, bây giờ họ đổ đất chặn dòng nước, ngấm xuống giếng làm nước giếng ô nhiễm, không thể dùng sinh hoạt được".
Hầu hết các hộ dân bị ảnh hưởng nguồn nước, nứt nhà, hư hỏng tài sản, nhà cửa vì ngập lụt do thi công Dự án Kè chống sạt lở suối Hội Phú là người dân lao động nghèo. Vì không có điều kiện tự di dời chỗ ở hay tự khắc phục, nên hơn 2 năm nay, họ đành sống trong sự bất tiện và mất an toàn. Dù nhiều lần kiến nghị đến các cơ quan chức năng thành phố Pleiku, nhưng đến nay, người dân bị ảnh hưởng chưa hề nhận được bất kỳ khoản hỗ trợ, bồi thường nào.
Lý giải điều này, ông Hoàng Minh Nghĩa, Phó Giám đốc phụ trách Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng Thành phố Pleiku cho biết một nghịch lý: dự án gây hậu quả là thật, nhưng không có kinh phí bồi thường.
“Đúng ra, ngoài việc đánh giá tác động môi trường, về địa chất thì đơn vị tư vấn dự án phải nghiên cứu ảnh hưởng của dự án với khu vực lân cận. Tức là đánh giá tới an sinh xã hội xung quanh dự án. Nhưng vì không có đánh giá, nên hiện không có kinh phí. Cái đó trách nhiệm thuộc thẩm quyền UBND tỉnh. Đây là đơn vị quyết định đầu tư. Bởi UBND tỉnh cho thì phép thì đơn vị tư vấn mới lập tác động đánh giá an sinh xã hội, không cho thì không có kinh phí", ông Nghĩa cho hay.
Bồi thường cho những thiệt hại phát sinh từ thi công các dự án là một nguyên tắc trong xây dựng công trình. Tuy nhiên, sự im lặng, thiếu trách nhiệm của Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng và các ngành chức năng thành phố Pleiku khiến những thiệt hại và nỗi khổ của người dân địa phương không biết đến khi nào mới được giải quyết./.
Điều đáng nói, dù dự án có tổng số vốn lên tới 519 tỷ đồng, nhưng dự án không dành khoản tiền nào để bồi thường, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống.