Đây là thông tin được đưa ra tại buổi Họp báo công bố tình hình tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp năm 2017 và thông tin các hoạt động của Tháng hành động về an toàn lao động lần thứ 2 năm 2018 do Bộ LĐ-TB-XH tổ chức hôm nay (18/4).
Lãnh đạo Cục An toàn lao động, thanh tra Bộ LĐ-TB-XH thông tin về các vấn đề ATVSLĐ. |
Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB-XH, năm 2017, cả nước xảy ra 8.956 vụ tai nạn lao động, làm 9.173 người bị tai nạn (bao gồm cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động).
Trong đó có 898 vụ tai nạn chết người, 928 người thiệt mạng do tai nạn lao động.
Đáng chú ý, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Quảng Ninh, Phú Yên là những địa phương có số người chết vì tai nạn lao động nhiều nhất năm 2017.
Các lĩnh vực sản xuất kinh doanh xảy ra nhiều tai nạn lao động chết người là xây dựng, chiếm 20,8% tổng số vụ tai nạn và 19,7% tổng số người chết. Tiếp đến là các lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí, luyện kim, nông, lâm nghiệp, dịch vụ.
Ông Nguyễn Anh Thơ, Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động cho rằng các vụ tai nạn lao động xảy ra có nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân do người sử dụng lao động chiếm 45,41%.
“Có 16,4% tổng số vụ tai nạn lao động do người chủ sử dụng lao động không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn. Nhiều vụ tai nạn xảy ra do chủ sử dụng không huấn luyện an toàn lao động hoặc huấn luyện an toàn lao động chưa đầy đủ, hay chưa trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân trong lao động cho người lao động…”, ông Anh Thơ nêu rõ.
Bên cạnh đó, 20% nguyên nhân dẫn đến các tai nạn đáng tiếc trong lao động xuất phát từ chính những người lao động như vi phạm quy chuẩn an toàn lao động, không sử dụng các phương tiện bảo vệ khi làm việc…
Nhiều tai nạn, khởi tố ít
Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB-XH, năm 2017 cả nước xảy ra gần 9.000 vụ tai nạn lao động. Tuy nhiên, ngoài những vụ tai nạn nghiêm trọng làm chết nhiều người đang trong quá trình điều tra, đến nay mới chỉ có 4 vụ được khởi tố.
Nói về vấn đề này, ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động cho biết, theo quy định, việc điều tra các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng thuộc thẩm quyền của địa phương, trong đó có sự phối hợp của Sở LĐ-TB-XH. Trong quá trình điều tra, nếu phát hiện có dấu hiệu hình sự, hồ sơ sẽ được chuyển sang cho cơ quan công an để xem xét khởi tố vụ án. Như vậy, việc khởi tố hay không không thuộc thẩm quyền của Bộ LĐ-TB-XH.“Bộ LĐ-TB-XH và thanh tra Bộ rất sốt ruột khi thấy nhiều tai nạn lao động nhưng số vụ khởi tố lại ít. Nhiều khi Bộ phải can thiệp, nhưng không thể quyết định có khởi tố hình sự hay không. Điển hình như vụ tai nạn lao động ở Fomosa Hà Tĩnh, chúng tôi đã có rất nhiều ý kiến với tư cách chuyên gia, đơn vị quản lý để cuối cùng phải khởi tố vụ án”, ông Thắng cho biết.Cục trưởng Cục An toàn lao động cũng thẳng thắn cho rằng hiện nay có những vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, nhưng công ty lại được giảm nhẹ, không bị đưa ra khởi tố.
“Các vị giám đốc cậy là đơn vị lớn, nhiều tiền, có quen biết nên có can thiệp nhất định, đáng ra phải khởi tố, nhưng cuối cùng lại được giảm nhẹ”, ông Thắng bức xúc.
Ông Hà Tất Thắng thông tin, để xử lý nghiêm các vụ về tai nạn lao động, trong thời gian tới, ngoài các biện pháp xử phạt hành chính, hình sự, sẽ công khai kết luận điều tra, hành vi vi phạm về an toàn lao động của các đơn vị trên phương tiện thông tin đại chúng./.Tai nạn lao động tại Quảng Ninh, 2 công nhân thiệt mạng
Tử vong do tai nạn lao động được hưởng chế độ gì?