Chỉ còn 3 tháng nữa là diễn ra kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) năm 2013. Tuy nhiên, ngay từ bây giờ, nhiều trường ĐH, CĐ, đặc biệt là những trường ngoài công lập đang “thấp thỏm” lo lắng vì không tuyển đủ số lượng thí sinh theo học. Chính vì vậy, thời gian vừa qua, có rất nhiều trường ĐH, CĐ ngoài công lập đã gửi thư kiến nghị lên Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập và Bộ GD-ĐT với yêu cầu cần thay đổi cơ chế tuyển sinh và xét tuyển năm nay.

Lý do được các trường đưa ra là, nếu Bộ GD-ĐT không có sự thay đổi về cơ chế tuyển sinh và xét tuyển thì sẽ xảy ra nguy cơ “tan rã” các trường ĐH, CĐ ngoài công lập và chủ trương “xã hội hóa giáo dục” mà Chính phủ kêu gọi sẽ chẳng thể thu hút được nguồn lực xã hội đóng góp cho giáo dục.

Trước những yêu cầu và kiến nghị trên, Bộ GD-ĐT đang cân nhắc, xem xét lại mức điểm sàn của kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay. Xung quanh vấn đề này, phóng viên VOV online phỏng vấn Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga.

thi%20sinh.jpg
Thí sinh xem lại đề sau khi kết thúc môn Toán trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012

PV:
Trước yêu cầu cần thay đổi cơ chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay, Thứ trưởng có thể cho biết quan điểm cũng như giải pháp của Bộ GD-ĐT trong thời gian tới đối với các trường ĐH, CĐ ngoài công lập?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga:
Kỳ thi ĐH, CĐ theo phương thức 3 chung (chung đề, chung ngày thi, chung kết quả xét tuyển) có từ 10 năm nay đã xác định điểm sàn làm căn cứ cho thí sinh phải đạt được khi xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Điểm sàn này phát huy tác dụng rất tốt trong giai đoạn đầu, khi mà số lượng người học đông nhưng số trường ít. Từ năm 2010 trở về trước, điểm sàn mà Bộ GD-ĐT đưa ra đều lấp đầy chỉ tiêu tuyển sinh.

Tuy nhiên, sau này, số trường ĐH, CĐ tăng lên nhanh, người học cũng có nhiều sự lựa chọn ngành nghề, trường học yêu thích nên dù điểm sàn được đưa ra có số lượng thí sinh đạt rất nhiều nhưng nhiều trường vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu. Ví dụ như năm 2012, còn 10% số các trường ĐH, CĐ không tuyển đủ chỉ tiêu.

Chính vì vậy, bắt đầu từ năm 2013, Bộ GD-ĐT sẽ xây dựng lại cơ chế điểm sàn sao cho hợp lý, để làm sao tháo gỡ cho các trường ĐH, CĐ ngoài công lập có được nguồn tuyển sinh nhưng vẫn phải đảm bảo nâng cao chất lượng đào tạo.

PV:

Một số trường lo ngại nếu không thay đổi điểm sàn thì sẽ có nhiều trường ĐH, CĐ ngoài công lập phải đóng cửa, giải thể. Điều này sẽ làm hạn chế chủ trương “xã hội hóa giáo dục” mà Chính phủ đề ra. Ý kiến của Thứ trưởng về những vấn đề trên như thế nào?
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga

Thứ trưởng Bùi Văn Ga
:Tôi phải khẳng định là, nguy cơ đóng cửa một số trường ĐH, CĐ không phải từ quy chế tuyển sinh theo điểm sàn. Nguyên nhân chính dẫn đến điều này là do các trường không đảm bảo về cơ sở vật chất, chưa xây dựng được trụ sở chính, đội ngũ giảng viên/sinh viên không đạt yêu cầu.

Để tuyển sinh được đủ chỉ tiêu thì các trường ĐH, CĐ phải phấn đấu xây dựng được uy tín, chất lượng, sức hút đối với thí sinh. Theo đó, các trường phải không ngừng cải thiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và cơ chế quản lý… Đây mới là yếu tố quyết định các trường có “tồn tại” hay không. Do vậy, những trường nào mới được thành lập phải nâng cao uy tín, chất lượng giảng dạy lên. Còn những trường nào đã thành lập lâu năm rồi thì phải tiếp tục đổi mới chất lượng.

Tháng 6/2014, Bộ GD-ĐT sẽ trình Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan xem xét hình thức xử lý đối với những trường ĐH, CĐ không đảm bảo các điều kiện về thành lập trường, chất lượng giảng dạy sau 10 năm hoạt động. Nếu những trường nào không đạt chỉ tiêu thì có thể sẽ cho đình chỉ, ngừng hoạt động.

PV:
Sắp tới, Bộ GD-ĐT sẽ giao chỉ tiêu nhiều hơn cho các trường ĐH, CĐ ngoài công lập. Tuy nhiên, hiện nay, việc giao quyền tự chủ lại phải dựa theo nguyên tắc các trường được xếp hạng, phân tầng. Như vậy là quyền tự chủ của các trường sẽ bị chậm chễ và rất khó cho Bộ GD-ĐT trong việc kiểm soát chất lượng đào tạo. Thứ trưởng nghĩ như thế nào về vấn đề này?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga:
Bộ GD-ĐT sẽ xem xét lại việc giao quyền tự chủ cho các trường ĐH, CĐ ở từng góc độ về chỉ tiêu tuyển sinh, đầu tư ngân sách… mà không cần phải đợi có kết quả kiểm định chất lượng trước thì mới giao.

Việc kiểm định chất lượng với nhằm mục đích chính là để ngành GD phân tầng và xếp hạng các trường ĐH, CĐ ở nhóm chất lượng cao, trường đoạt loại khá, trung bình hay yếu kém.

PV:
Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến của các Sở GD-ĐT và các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục về dự thảo Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, trong đó xử phạt các cơ sở giáo dục liên thông ở trong nước và liên kết với nước ngoài hoạt động không chất lượng. Xin Thứ trưởng cho biết cụ thể hơn về chủ trương của Bộ GD-ĐT trong việc chấn chỉnh những loại hình đào tạo trên?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga:
Thời gian qua, đoàn thanh tra của Bộ GD-ĐT đã tiến hành những đợt thanh tra, kiểm tra một số trường ĐH, CĐ và cơ sở đào tạo liên doanh, liên kết với nước ngoài. Qua những đợt thanh tra này, Bộ GD-ĐT đã có những cảnh báo, xử phạt và yêu cầu dừng hoạt động những cơ sở nào không đảm bảo chất lượng.

Trong một thời gian tương đối dài, chúng ta đã để cho nhiều trường ĐH, CĐ mở liên thông, liên kết; cơ sở đào tạo liên doanh với nước ngoài tăng quá nhanh về quy mô nhưng chưa chú trọng đến chất lượng.

Nếu như trước đây, đào tạo liên thông là hình thức đào tạo mới, quá dễ dàng, người được đào tạo theo hệ này có thể theo hình thức vừa học vừa làm và sau khi tốt nghiệp thì lại được cấp bằng cấp hệ chính quy. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, một số cơ sở đào tạo liên thông lại hoạt động kém chất lượng. Điều này đã gây nhiều bức xúc trong xã hội và đã làm thay đổi cơ chế tuyển dụng của nhiều địa phương.

Vì vậy, thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ chấn chỉnh lại hệ thống đào tạo theo những hình thức trên. Theo đó, Bộ GD-ĐT đã ra Thông tư 55, điều chỉnh lại hệ thống đào tạo liên thông. Bắt đầu từ năm 2013, chỉ tiêu đào tạo liên thông cũng sẽ bị khống chế. Điều kiện để thí sinh thi vào hệ đào tạo liên thông sẽ nghiêm ngặt và khắt khe hơn so với trước đây. Việc làm này cũng là để siết chặt lại việc đào tạo liên thông cũng như nâng cao chất lượng hệ đào tạo này.

PV:
Xin cảm ơn Thứ trưởng!./.