Điểm sàn xét tuyển đại học - cao đẳng năm nay được Bộ Giáo dục - Đào tạo công bố bằng năm ngoái ở tất cả các khối thi. Đây là quyết định khá chuẩn, vì từ nhiều năm nay điểm sàn đã ở mức thấp, và không thể thấp hơn được nữa. Chất lượng đào tạo nguồn nhân lực không phụ thuộc hoàn toàn vào chất lượng tuyển sinh, nhưng đầu vào là yếu tố quan trọng không thể bỏ qua.
Cùng với việc thực hiện 3 chung trong thi tuyển đại học cao đẳng, điểm sàn có năm tăng có năm giảm. Việc quyết định điểm sàn căn cứ vào chỉ tiêu tuyển sinh và kết quả thi cụ thể từng năm. Kết quả thi một phần thể hiện chất lượng đào tạo ở bậc phổ thông, một phần thể hiện nhu cầu đầu vào của các trường đại học, cao đẳng. Cùng với điểm sàn là điểm ưu tiên cho từng đối tượng thí sinh và vùng miền, nhằm đảm bảo công bằng về cơ hội học tập cho tất cả mọi người.
Năm nay, điểm sàn bằng năm ngoái, mặc dù nhu cầu của xã hội tăng và quy mô đào tạo còn tăng nhanh hơn nhu cầu. Chính cái quy mô đào tạo tăng nhanh này đã làm cho vấn đề điểm sàn năm nay nóng hơn, nhất là sau khi Hiệp hội các trường đại học ngoài công lập đề nghị Bộ Giáo dục - Đào tạo hạ điểm sàn hoặc giao về cho từng trường quyết định rồi Bộ phê duyệt, nếu không nhiều trường sẽ phải đóng cửa do không có nguồn tuyển sinh.
Tuy nhiên, Bộ Giáo dục - Đào tạo khẳng định không thể chiều theo ý của các trường ngoài công lập được. Thứ nhất, với điểm sàn được công bố, tổng số thí sinh đủ điều kiện xét tuyển vào các trường đại học cao đẳng đã nhiều hơn khoảng gấp đôi so với chỉ tiêu. Thứ hai, năm nay, Bộ Giáo dục - Đào tạo đã tính toán kỹ số lượng thí sinh ở các vùng miền, đồng thời có quy định thuận lợi về thủ tục hồ sơ, tạo điều kiện cho những thí sinh đạt điểm sàn chủ động hơn trong việc lựa chọn nguyện vọng 2, nguyện vọng 3. Do đó, các trường ở những vùng khó khăn như miền núi, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long… cũng không thiếu nguồn để tuyển sinh. Và cuối cùng, bằng cấp tốt nghiệp không phân biệt trong hay ngoài công lập, nên không thể có điểm sàn khác nhau.
Như vậy là đã rõ. Điểm thi đại học cao đẳng năm nay thấp, hay việc Bộ Giáo dục - Đào tạo không hạ điểm sàn, đều không phải là lý do chính đáng để các trường ngoài công lập phải lo lắng. Đối với những trường được lập ra chỉ nhằm bao chiếm đất hoặc hưởng ưu đãi sẵn có thì họ còn mong muốn không tuyển đủ chỉ tiêu, thậm chí không tuyển được sinh viên nào càng tốt, để họ có lý do sớm chuyển đổi đất đai, cơ sở vật chất sang làm việc khác thu lợi nhanh hơn và nhiều hơn. Còn đối với những trường thực sự có tâm huyết đóng góp công sức, của cải, trí tuệ vào mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho đất nước, thì họ không quá sốt sắng thúc đẩy Hiệp hội ra kiến nghị như vừa rồi. Nếu không tuyển đủ chỉ tiêu, họ sẽ xem lại về chất lượng đào tạo, uy tín và sức hấp dẫn của chính mình.
Trồng người không đơn giản và cho kết quả nhanh như trồng cây. Vậy nên theo chúng tôi, hiện nay nhiều trường đại học cao đẳng trong cả nước, kể cả trong và ngoài công lập, cần xem lại chiến lược hoạt động. Uy tín trong đào tạo không thể có ngay tức thì, không thể chỉ dựa vào cơ sở vật chất hay danh tiếng của đội ngũ giảng viên, cũng không phải do nâng bậc đào tạo từ trung cấp lên cao đẳng hay từ cao đẳng lên đại học. Nó là kết quả tổng hợp từ rất nhiều yếu tố. Trong đó, không thể thiếu “cái tầm” và “cái tâm” của những người làm công tác đào tạo. Với mặt bằng kinh tế - xã hội của đất nước ta hiện nay, không thể hạ thấp, cào bằng chất lượng tuyển sinh đầu vào, càng chưa thể bỏ qua việc này được.
Nước sơn đẹp không thay được chất lượng gỗ. Để đảm bảo đào tạo nhân lực có chất lượng cao cho đất nước, Bộ Giáo dục - Đào tạo cần kiểm soát tốt hơn nữa đầu vào tuyển sinh cao đẳng đại học. Không chỉ kiểm soát bằng các kỳ thi 3 chung và điểm sàn mà cần có cách thức hiệu quả và phù hợp hơn. Công việc này chắc chắn sẽ có thêm hiệu lực khi Bộ Giáo dục - Đào tạo thực hiện tốt Nghị quyết của Quốc hội về việc rà soát, thanh tra, đánh giá lại các trường đại học cao đẳng theo tinh thần không duy trì những trường có chất lượng đào tạo kém; kiểm tra và xử lý nghiêm, tùy theo mức độ vi phạm để đình chỉ hoạt động, hạ cấp hoặc giải thể đối với những trường đại học cao đẳng vi phạm quy định của pháp luật và cam kết thành lập trường./.