Đây là số liệu được công bố tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới các tỉnh miền núi phía Bắc vừa qua.
Dự kiến đến 2015, toàn tỉnh Quảng Ninh sẽ có 82 xã về đích, 10 huyện cơ bản đạt tiêu chí nông thôn mới.
PV: Sau 3 năm triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn và đời sống người dân của tỉnh Quảng Ninh đã có thay đổi gì, thưa ông?
Ông Trương Công Ngàn: Sau 3 năm triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Quảng Ninh, diện mạo nông thôn đã từng bước được thay đổi căn bản, đời sống đã từng bước được nâng lên, thu nhập của người dân nông thôn tăng từ 10,98 triệu đồng/năm (năm 2010) lên 14 triệu đồng/năm (năm 2012), tất cả các xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa đường liên thôn.
Ông Trương Công Ngàn -Trưởng Ban xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh |
Bên cạnh đó, số tiêu chí trung bình trong của tỉnh đạt 12,3 tiêu chí cao hơn so với bình quân cả nước là 8,06 tiêu chí.
Tuy nhiên, việc quan trọng nhất với Quảng Ninh sau 3 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới đó là nhận thức của người dân cũng như lãnh đạo địa phương đã thay đổi.
Từ việc chỉ trông chờ vào ngân sách của Nhà nước đã chuyển thành việc làm tự lực, tự vận động dưới sự hỗ trợ của nhà nước. Do vậy, chỉ tiêu về nông thôn mới của Quảng Ninh ở các xã được tăng lên rất nhanh.
PV: Thưa ông, Quảng Ninh đang chọn việc xây dựng các thương hiệu nông sản để phát triển kinh tế của địa phương và thực hiện tiêu chí xây dựng nông thôn mới là chuyển đổi sang sản xuất tập trung. Vậy, việc này được được tỉnh Quảng Ninh thực hiện như thế nào?
Ông Trương Công Ngàn: Các nông sản của Quảng Ninh rất nhiều nhưng trong giai đoạn từ này đến 2015 sẽ phối hợp với Bộ Khoa học Công nghệ xây dựng thương hiệu cho 23 sản phẩm truyền thống.
Khi đã có sản phẩm rồi, chúng tôi quy hoạch các vùng nguyên liệu, hoặc quy hoạch các vùng chăn nuôi, rồi tổ chức lại sản xuất, thành lập các doanh nghiệp, các hợp tác xã để tổ chức sản xuất các sản phẩm đó; Kiểm tra thường xuyên việc thực hiện các tiêu chuẩn của một sản phẩm được xây dựng thương hiệu và Nhà nước sẽ hỗ trợ kinh phí để xây dựng thương hiệu.
Sau khi xây dựng thương hiệu xong, điều quan trọng là duy trì thương hiệu và tổ chức các sản phẩm, tổ chức sản xuất với quy mô lớn để tạo ra được lượng hàng hóa lớn khi mà đã có thương hiệu sản phẩm khi mà đã được công bố thương hiệu thì khả năng vươn ra thị trường sẽ tốt hơn.
PV: Quảng Ninh có vị trí địa lý đặc thù nhưng luôn đi đầu trong việc xây dựng nông thôn mới. Vậy, ông có thể chia sẻ những cách làm của địa phương?
Ông Trương Công Ngàn: Tỉnh Quảng Ninh có đầy đủ các loại hình gồm miền núi, biên giới, hải đảo, đồng bằng nên chúng tôi cũng không áp dụng máy móc 19 tiêu chí trong bộ tiêu chí xây dựng Nông thôn mới.
Chúng tôi xác định những địa phương nào, vùng miền nào sẽ gắn với các tiêu chí cho phù hợp. Đơn cử như các xã đảo, thì tiêu chí về kênh mương hóa nội đồng thì không phải là vấn đề mà phải xây dựng hoàn chỉnh các hồ chứa nước ngọt, phải có các bến cập tàu cũng như đề phòng cho trường hợp mưa bão, đây là những vấn đề không nằm trong bộ tiêu chí quốc gia.
Phải xác định những công trình cụ thể, phải thật sự cần thiết với người dân thì mới triển khai.
Ngoài ra, tỉnh Quảng Ninh cũng ban hành cơ chế chính sách làm hành lang pháp lý cho chương trình vận hành được thuận lợi.
Về mặt tổ chức bộ máy, chúng tôi thấy cũng cần có cơ quan làm chuyên trách về xây dựng nông thôn mới, bởi đây là chương trình lớn, lâu dài và toàn diện cho bộ mặt của nông thôn.
Cuối cùng chúng tôi nghĩ rằng để nông thôn mới được thành công, mỗi cán bộ, người dân cũng cần phải có trách nhiệm, tâm huyết của mình với chương trình này thì dù có khó khăn đến mấy cũng sẽ thành công.
PV: Vâng, xin cảm ơn ông!./.