Sau hơn 3 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, bộ mặt của nông thôn nước ta đã có nhiều đổi thay, đời sống người dân được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, để biến những mục tiêu của chương trình xây dựng nông thôn mới thành hiện thực, mọi nguồn lực cần được huy động một cách hiệu quả, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp.

Doanh nghiệp vẫn chưa “mặn mà” đầu tư

Là một doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, ông Đàm Quang Thắng – Tổng giám đốc, Công ty TNHH Agricare Việt Nam cho biết: Xác định được tầm quan trọng của việc xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, công ty đã triển khai nhiều mô hình, dự án, thực hiện liên kết 4 nhà, gắn kết công ty với nông dân. Từ việc liên kết này, doanh nghiệp tạo được vùng nguyên liệu ổn định, đáp ứng được những chỉ tiêu về an toàn, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, sản xuất đúng theo quy trình… từ đó nâng cao thu nhập cho nông dân.

xaynongton.jpg
Nông dân tham gia làm đường xây dựng Nông thôn mới (Ảnh: Radiovietnam)

Ông Thắng chia sẻ: “Hiện tại chúng tôi triển khai rất nhiều mô hình thu mua nông sản của nông dân sản xuất ra, xây dựng thương hiệu nông sản chất lượng cao phục vụ cho người tiêu dùng; đầu tư cho nông dân về vật tư nông nghiệp như giống, thuốc trừ sâu phân bón đến cuối vụ mới thu nông sản. Doanh nghiệp gắn rất sát với hoạt động của nông dân. Chúng tôi đang hướng tới nền nông nghiệp công nghệ cao, và đã quy tập được các vùng nguyên liệu để sản xuất nhiều mặt hàng công nghệ cao”.

Tuy nhiên, hiện doanh nghiệp tham gia vào chương trình xây dựng nông thôn mới đang gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa “mặn mà” đầu tư vào khu vực này, do vẫn còn tình trạng “được mùa, mất giá”, nhiều rủi ro; cơ sở hạ tầng nghèo nàn lạc hậu, môi trường kinh doanh nhiều điểm chưa thuận lợi… Một thực tế nữa là: số lượng doanh nghiệp tập trung ở khu vực thành thị đang chiếm tỷ lệ cao, trong khi ở khu vực nông thôn chỉ chiếm khoảng trên 30% và có quy mô nhỏ hơn. Do đó, mục tiêu hướng về nông thôn, phục vụ nông dân của các doanh nghiệp thường gặp phải những rào cản đáng kể.

Theo bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam, nông thôn là thị trường lớn và đầy tiềm năng. Vì vậy, doanh nghiệp cần nhìn nhận Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới như một cơ hội để phát triển. Từ đó doanh nghiệp góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong sản xuất nông nghiệp tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân.

Bà Phạm Thị Thu Hằng cho rằng: “Trong bối cảnh quốc tế hiện nay, nhu cầu an ninh lương thực ngày càng gia tăng. Vì vậy, các doanh nghiệp nên nhìn nhận vấn đề này như một cơ hội. Từ đó có nhiều dự án để đầu tư và phát triển khu vực nông thôn, tạo cho người nông dân tiếp cận thị trường hiệu quả hơn và để chương trình xây dựng nông thôn mới đi vào cuộc sống một cách hiệu quả”.

Cần loại bỏ những "rào cản"

Để thu hút, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia vào chương trình này, Nhà nước và các cơ quan hữu quan cần loại bỏ những "rào cản", tạo sân chơi lành mạnh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển. Nhà nước có biện pháp hỗ trợ kịp thời, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận được với các gói hỗ trợ của Nhà nước như vốn, lãi suất,  các chương trình tín dụng ưu đãi dài hạn giúp doanh nghiệp an tâm đầu tư cho công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Ông Nguyễn Minh Tiến, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia  xây dựng nông thôn mới cho biết: “Để tạo điều kiện thuận lợi môi trường đầu tư cho nghiệp doanh nghiệp đầu tư vào thị trường nông thôn, tới đây sẽ ban hành nghị định mới.

Với những cơ chế chính sách nghị định mới này sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp thuận lợi hơn trong quá trình đầu tư và sản xuất kinh doanh nông nghiệp nông thôn. Bên cạnh đó chúng tôi cũng đề xuất các giải pháp như về quỹ hỗ trợ cho doanh nghiệp nhằm giảm bớt rủi ro, hỗ trợ cho đào tạo, lao động… thông qua các hình thức này các doanh nghiệp giảm bớt rủi ro. 

Xây dựng nông thôn mới là chủ trương đúng, hợp lòng dân. Nếu thiếu đầu tư của doanh nghiệp, nông dân không chỉ đối mặt với khó khăn về đầu ra trong tiêu thụ sản phẩm, mà còn bị ảnh hưởng đến quy trình sản xuất. Vì vậy, để chương trình đạt hiệu quả cần phải tạo động lực, điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến nông nghiệp, nông thôn./.