Theo Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng đến năm 2020, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vừa qua, đến năm 2020, tổng số quy hoạch phát triển khoảng 1.600 tổ chức hành nghề công chứng trên cả nước.

Trong đó, chủ yếu phát triển Văn phòng công chứng, củng cố các Phòng công chứng hiện có, tính toán lộ trình cổ phần hóa các Phòng công chứng đủ điều kiện, chuyển đổi các Phòng công chứng thành Văn phòng công chứng.

Chỉ thành lập Phòng công chứng đối với những địa bàn còn khó khăn, chưa có điều kiện xã hội hóa công chứng để giảm gánh nặng cho biên chế và ngân sách nhà nước.

Lộ trình quy hoạch theo 2 giai đoạn. Từ 2011 – 2015: Quy hoạch phát triển khoảng 1.000 tổ chức hành nghề công chứng; từ 2015 – 2020 là 700. Theo Quy hoạch đã được duyệt, đến năm 2020, TP Hà Nội sẽ có 121 tổ chức hành nghề công chứng, TP HHCM là 110, Thanh Hóa 83, Hải Phòng 55, Nghệ An 46, Bình Phước 30...; ít nhất là Tuyên Quang: 9.

Quyết định nêu rõ, việc quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải tuân thủ Quy hoạch đã được phê duyệt. Tùy thuộc vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, có thể điều chỉnh quy hoạch số lượng tổ chức hành nghề công chứng, tỷ lệ điều chỉnh không vượt quá 5% tổng số tổ chức hành nghề công chứng quy hoạch trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được phê duyệt.

Đối với các địa bàn cấp huyện được thành lập mới thì quy hoạch bổ sung tối đa 2 tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn này, trường hợp địa bàn huyện mới có diện tích rộng, dân số đông, nhu cầu công chứng lớn, không thuận tiện cho nhân dân trong việc công chứng thì UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gửi Bộ Tư pháp đề xuất bổ sung quy hoạch tổ chức hành nghề công chứng để Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét, quyết định./.