Đề án có mục tiêu từng bước giảm tình trạng quá tải bệnh viện ở hai khu vực khám bệnh và điều trị nội trú; cơ bản khắc phục tình trạng nằm ghép vào năm 2015; phấn đấu từ năm 2020 trở đi không còn tình trạng quá tải bệnh viện.
Đề án nêu rõ, trước mắt tập trung giải quyết giảm quá tải ở các chuyên khoa: Ung bướu, ngoại - chấn thương, tim mạch, sản và nhi thuộc một số bệnh viện tuyến Trung ương, bệnh viện tuyến cuối của hai thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh.
Nâng công suất sử dụng giường bệnh của các bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh hiện có công suất sử dụng giường bệnh thấp đạt 60% vào năm 2015 và 80% vào năm 2020.
Giảm công suất sử dụng giường bệnh của các bệnh viện có công suất sử dụng giường bệnh quá cao (>120%) xuống dưới 100%. Giảm thời gian và lưu lượng người chờ khám bệnh tại khoa khám bệnh của các bệnh viện hiện có công suất sử dụng giường bệnh quá cao; bảo đảm mỗi bác sỹ khám bệnh không quá 50 người bệnh/một ngày làm việc vào năm 2015 và 35 người bệnh/một ngày làm việc vào năm 2020.
Theo Đề án, sẽ đầu tư nâng cấp, mở rộng hạ tầng bệnh viện để tăng thêm giường bệnh cho các chuyên khoa ung bướu, ngoại - chấn thương, tim mạch, sản và nhi. Cụ thể, đầu tư xây mới, nâng cấp và mở rộng các bệnh viện thuộc phạm vi Đề án, đến năm 2015 tăng tối thiểu 7.150 giường bệnh.
Cũng theo đề án, sẽ thí điểm mô hình phòng khám bác sỹ gia đình. Xây dựng và phát triển mô hình phòng khám bác sỹ gia đình lồng ghép với các cơ sở y tế sẵn có để tăng cường năng lực quản lý, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện, liên tục cho người dân và gia đình họ. Trước mắt, từ năm 2013 đến năm 2015, thí điểm thành lập mạng lưới phòng khám bác sỹ gia đình tại thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương./.