Trong văn bản mới đây gửi Chính phủ về việc cho phép thực hiện một số quy định xử phạt vi phạm hành chính nhằm kéo giảm tai nạn và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia (UBATGTQG) đề xuất nâng mức xử phạt đối với xe quá tải, lái xe say rượu, đi xe máy trên đường cao tốc... với mức phạt cao nhất là tịch thu phương tiện. Cụ thể, người điều khiển ô tô, xe máy mà có nồng độ cồn trên 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/lít khí thở sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 24 tháng và tịch thu phương tiện.

hung_garf.jpgPGS.TS Hoàng Mạnh Hùng 

PGS.TS Hoàng Mạnh Hùng, Giám đốc Trung tâm tư vấn giám định pháp luật dân sự, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học hình sự cho rằng, phần lớn người dân không đồng tình thì không có lý do gì chúng ta lại triển khai thực hiện. Vì thế nên dừng đề xuất này để nghiên cứu kỹ, chặt chẽ và hoàn chỉnh hơn. “Về mặt lịch sử của các nước, như ở Anh, họ cũng tịch thu phương tiện nhưng sau đó đã bỏ quy định này. Còn các nước tiên tiến như Mỹ, Nhật, Australia… họ cũng chỉ phạt nặng. Làm như vậy sẽ hợp lý hơn”.

Theo PGS.TS Hoàng Mạnh Hùng, khi đưa ra một Nghị định mà lại liên quan đến Bộ luật Dân sự, liên quan đến Hiến pháp, luật Xử lý vi phạm hành chính cần phải xem xét kỹ, nhất là Hiến pháp là một luật mạnh, thì những luật khác phải tuân theo. “Luật Xử lý vi phạm Hành chính phải tuân theo Hiến pháp. Khi đưa ra một vấn đề, phải nghiên cứu để vấn đề đó phù hợp với tất cả các luật”.

PGS.TS Hoàng Mạnh Hùng cho rằng, khi đề xuất này được đưa ra, người dân rất băn khoăn, vì họ cũng không biết làm thế nào để biết hàm lượng cồn nếu như CSGT không chỉ cho họ thấy rõ. Hay làm thế nào để quản lý xe tịch thu và các vấn đề khác liên quan. “Còn việc kiểm tra chống tiêu cực của CSGT, tôi nghĩ là tốt, nhưng không phải là vấn đề cơ bản. Vì thế, theo tôi nên tạm dừng đề xuất này để lắng nghe ý kiến nhân dân nhiều hơn, để có biện pháp tốt hơn. Nếu 51% ý kiến người dân phản đối, thì nên cân nhắc”.

Chỉ vi phạm hình sự mới được tịch thu phương tiện?

Theo PGS.TS Hoàng Mạnh Hùng, Hiến pháp là luật mẹ, mọi luật khác phải theo tuân Hiến pháp. Nếu phương tiện là của người phạm tội hình sự thì bị tịch thu ngay, nhưng ở đây nếu đặt vấn đề tịch thu phương tiện sẽ có một loạt vấn đề khác kèm theo, vấn đề chủ sở hữu, vấn đề vi phạm, vấn đề người phạt vi phạm có tiêu cực không, vấn đề quản lý phương tiện tịch thu như thế nào… “Trong Hiến pháp 2013 có nói về vấn đề tịch thu phương tiện và theo tôi hiểu chỉ vi phạm hình sự mới được tịch thu”.

PGS.TS Hoàng Mạnh Hùng cho rằng, ở nước ngoài họ thường áp dụng biện pháp phạt rất nặng, thậm chí phạt tù. Vì thế nên tham khảo các nước “cứ đánh mạnh vào túi tiền của người vi phạm, sẽ có hiệu quả. Nhưng trước hết phải thông báo cho người dân biết”.

Theo PGS.TS Hoàng Mạnh Hùng, đáng lẽ Luật về rượu bia phải xem xét trước, còn Nghị định về tịch thu phương tiện phải làm sau mới phù hợp. “Nghị định dưới luật, vì thế luật phải nên làm trước sẽ đúng quy trình hơn. Đối với đa số người dân, trình độ còn hạn chế. Nếu nhiều luật quá họ sẽ không nắm được. Cần phải có sự vào cuộc của các phương tiện truyền thông để người dân hiểu và thực hiện. Bất cứ một luật, hay Nghị định nào đó trước khi ban hành, phải có thời gian. Cùng với đó, khi nghiên cứu bất cứ vấn đề nào đó, một loạt luật liên quan phải được xem xét. Nếu không thì các luật sẽ "đấu nhau" và làm cho người ta hiểu kiểu gì cũng được”./.