Bộ sách Ký ức Người và Nghề vừa ra mắt có thể được xem như những Đài ghi công, một “bảo tàng” bằng ngôn ngữ của thế hệ chúng tôi đối với cha anh, những người đã góp phần quan trọng làm nên vẻ đẹp của Đài...
Bảy mươi năm trong một đời người là một quãng thời gian rất dài. Nhưng với lịch sử dân tộc, bảy mươi năm chỉ là một cái chớp mắt.
Một cuộc gặp mặt của các thế hệ làm báo Đài Tiếng nói Việt Nam năm 2002. (ảnh: Quý Hoài) |
Đặc biệt, trong thời gian gần đây, Đài TNVN đã có sự phát triển vượt bậc. Thành lập Kênh Giao thông Quốc gia, Kênh Truyền hình Quốc hội, riêng hai Kênh Phát thanh Dân tộc, Kênh Phát thanh Đối ngoại cũng đã được nâng lên cấp Quốc gia. Với việc tiếp nhận Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC, riêng lĩnh vực truyền hình, Đài đã có 19 kênh, với trên 400 giờ phát sóng mỗi ngày, trong đó, có nhiều kênh thiết yếu, nhiều kênh đã trở thành niềm yêu thích của đông đảo quần chúng nhân dân.
Đài TNVN đã có một lịch sử lâu dài, trong đó còn ẩn chứa nhiều bí mật đặc biệt, như có bài hát, bài thơ đã thành mật lệnh nổ súng trên toàn chiến trường miền Nam trong lịch sử chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc và thống nhất trọn vẹn đất nước, mà kẻ thù không thể hình dung được. Cũng có người băn khoăn: Bây giờ có quá nhiều loại hình báo chí, đặc biệt là truyền hình, vậy yếu tố phát thanh có bị loãng đi không?
Không! Không có chuyện các loại hình báo chí hiện đại phát triển rực rỡ thì phát thanh truyền thống lại bị coi nhẹ hoặc trở nên phai nhạt.
Ở Đài TNVN, phát thanh vẫn là trang nhất của tờ báo nhiều trang, vẫn có những giá trị riêng biệt của nó mà các loại hình khác không thể có được. Lĩnh vực này không ngừng được đổi mới, phát triển.
Nhiều tác giả, tác phẩm phát thanh không chỉ giành được những giải thưởng trong nước, mà còn có cả những giải thưởng quốc tế, và đặc biệt là những giải cao. Đấy là điều trong lịch sử phát thanh trước đây, chúng ta chưa bao giờ có được. Sự phát triển thêm nhiều loại hình báo chí là tạo ra sự tương tác, tính tiện ích cho công chúng, cho xã hội. Nó không triệt tiêu nhau mà là cộng hưởng. Mặt khác, nó cũng đã bổ sung, làm sâu sắc thêm, đa dạng thêm, phong phú thêm những gì chúng ta đã có.
Để có được kỳ tích ấy là nhờ sự cống hiến, đóng góp xương máu, mồ hôi và trí tuệ của nhiều thế hệ cán bộ, phóng viên, công nhân viên, kỹ thuật viên, văn nghệ sĩ trong suốt quá trình lịch sử hình thành và phát triển của Đài.
Bởi thế, nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Đài TNVN, bên cạnh cuốn biên niên sử chính thức của Đài, cuốn Bác Hồ với Đài Tiếng nói Việt Nam, còn có thêm bộ sách: ĐÀI TIẾNG NÓI VIỆT NAM - KÝ ỨC NGƯỜI VÀ NGHỀ, bộ sách gồm nhiều tập. Bạn đọc đã có Tập I và Tập II.
Đây là bộ sách hồi ức kỷ niệm về những con người, những công việc, sự kiện cụ thể, từ những đồng chí lãnh đạo cao nhất cho đến những người phục vụ bình dị nhất, không phân biệt địa vị, tuổi tác, chức vụ, miễn là có những đóng góp quan trọng và có ý nghĩa trong sự phát triển của Đài.
Tất nhiên, dựng lại cả một quá trình lịch sử, thông qua những con người, những vụ việc cụ thể là một việc vô cùng phức tạp và không mấy dễ dàng. Bởi nhiều người đã khuất. Người viết lại không được sống cùng thời, nên ít nhiều cũng bị hạn chế bởi phải qua quá nhiều những khâu trung gian.
Cũng không ít nhân vật cựu trào, lẽ ra phải có mặt ngay từ tập I, tập II, nhưng do chưa tìm được đầy đủ tư liệu, chúng tôi đành phải bổ sung ở tập III…, mời họ ngồi cùng chiếu với những người đương đại. Và như thế lại có vẻ đẹp riêng. Quá khứ với hiện tại luôn đan xen. Quá khứ không ở sau lưng. Quá khứ vẫn luôn ngời sáng ở trước mặt. Các thế hệ cha anh vẫn luôn đồng hành cùng chúng ta. Và chúng ta, những thế hệ sau vẫn luôn nhớ đến cha anh, nhớ đến những người đi trước. Chúng ta không vong bản. Không mất gốc.
Và cùng với những cuốn sách này, chúng tôi ước mong có một khu lưu niệm, có thể được xem như một Bảo tàng ngoài trời của Đài TNVN, bắt đầu từ chiếc loa khổng lồ, đã có thời ngạo nghễ đứng bên bờ sông Bến Hải, đưa tiếng nói của Đảng, của Chính phủ và nhân dân đến với bà con ruột thịt phía bờ Nam trong cuộc đấu tranh thống nhất đất nước, giờ đã được trang trọng đặt trước cổng Đài, rồi tiếp theo là khu tường xung quanh nhà 58 Quán Sứ, có thể dựng những bức tượng bán thân, những tấm phù điêu chân dung những con người cao quý của Đài, để các vị khách quốc tế, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, và đông đảo nhân dân có thể viếng thăm.
Và rồi, vào những ngày rằm, mồng một, những ngày lễ Tết, hay ngày kỷ niệm của Đài, các thế hệ sau được kính cẩn dâng hương và tưởng nhớ đến những người có công với lịch sử truyền thông của Đất nước.
Chúng tôi đã cố gắng hết sức mình, để có được những trang sách tốt nhất vừa đáp ứng được những đòi hỏi trước mắt, vừa có giá trị tương đối lâu dài, để thế hệ sau chỉ phải bổ sung thêm những vẻ đẹp mới của thế hệ mình mà không phải làm lại. Và như thế, trang sử của Đài luôn được bổ sung, xây đắp và hoàn thiện.
Mặc dù vậy, dẫu có cố gắng đến mức thế nào, do những hạn chế như đã nói ở trên, rất khó tránh được những khiếm khuyết và thiếu sót, vì thế, chúng tôi mong nhận được sự lượng thứ và góp ý, bổ sung của các bậc cha anh và đông đảo bạn đọc để bộ sách này hoàn thiện hơn trong những lần tái bản sau…/.