Hơn 50 năm công tác tại Đài TNVN, chưa khi nào ông cảm thấy hối hận về quyết định đó.
Bài báo trên Đài phát thanh - bước ngoặt cuộc đời
Cái vốn liếng giúp ông ham viết ngay từ thời sinh viên đó là nhờ những năm theo học Ban Văn chương bậc trung học chuyên khoa trường Chu Văn An (Hà Nội). Thấy vấn đề gì hay là ông viết, không chỉ trên tờ Sinh viên mà cả các báo lớn. Có không ít bài gây được tiếng vang như bài: Rừng cây mẫu Cầu Hai đăng trên báo Tiền Phong (1958) đã khiến không ít thanh niên Hà Nội lúc bấy giờ kéo nhau lên tận Phú Thọ để tham quan vườn “bách thảo” tự nhiên. Lúc đầu viết là niềm đam mê, nhưng điều khiến ông quyết định rẽ sang nghề báo gắn với một câu chuyện khá đặc biệt.
Nhà báo Nguyễn Lương Phán. |
Trong buổi lễ tốt nghiệp của sinh viên khóa 4 trường Đại học Nông - Lâm,ông xúc động khi một sinh viên tóc ngả màu “muối tiêu” lên nhận bằng kỹ sư. Đó là đại úy Nguyễn Hậu Tài, quê ở Bến Tre tập kết ra bắc từ năm 1954.
Ông viết ngay một bài về đại úy Tài gửi cho chương trình phát thanh Quân đội nhân dân. Bài báo được phát trên sóng Đài TNVN năm 1964. Nhờ bài báo mà vợ con ông Tài ở Bến Tre mới biết được tin tức của ông sau hơn 10 năm ông Tài tập kết ra Bắc. Ông Phán không ngờ một bài báo nhỏ đã kết nối tình cảm, niềm tin của hai đầu đất nước. Điều đó đã thôi thúc ông bỏ nghề giáo để đến với phát thanh và trở thành phóng viên của Đài TNVN.
Đài là “bệ phóng” cho sự nghiệp làm báo
Về Đài TNVN từ đầu những năm 70 còn đang chiến tranh, lúc nào ông cũng canh cánh nỗi lo mình là người làm khoa học “lỡ bước sang ngang”. May khi đó Đài có chủ trương nhận những người học các ngành khoa học kỹ thuật về làm báo, có không ít người là bác sĩ, kỹ sư… khiến ông thấy tự tin hơn. Ông bắt đầu tập viết, ban đầu bài viết còn khô khan, nhưng nhờ quyết tâm theo đuổi nghề, ông đã tìm ra cách viết của riêng mình. Những người phụ nữ qua bài viết của ông ai cũng có cái chất riêng chứ ông không sa vào kể lể công việc.
“Từ ngày về hưu đến nay đã 18 năm, tôi vẫn tham gia công tác báo chí và vẫn dõi theo bước tiến của Đài. Chúng tôi đã lập facebook Bạn bè Đài TNVN để kết nối được gần 300 người đã và đang công tác ở Đài hiện ở trong và ngoài nước để chia sẻ, ôn lại kỷ niệm xưa và tham gia đóng góp cho sự phát triển của Đài.”- Nhà báo Lương Phán
Ông không chỉ “chuyên canh” viết tin, bài mà còn học viết bút ký, tuỳ bút, câu chuyện truyền thanh, thậm chí học từ người công nhân thu in để có cái tai của một đạo diễn âm thanh.
Từ chuyên viết về con người, nhận thấy thế mạnh của ông là có cái “vốn” khoa học nông nghiệp, lãnh đạo Đài, Ban biên tập Đối nội phân công ông sang phụ trách các chương trình nông nghiệp, khoa học công nghệ, đặc biệt là chương trình thời sự - chính trị rồi bổ nhiệm ông làm Phó Trưởng ban biên tập các chuyên đề kinh tế, văn hóa - xã hội... Từ một người học việc trở thành lãnh đạo ở nhiều vị trí khác nhau đã giúp ông tích lũy được nhiều kinh nghiệm chuyên môn và trong công tác quản lý. Ông Phán nhớ mãi chuyện khi ông ở Ban phát thanh địa phương, một hôm có 3 người dân tộc ở A Lưới (Thừa Thiên - Huế) đến trụ sở Đài và nói với ông: “Mình ra Hà Nội không xin gì hết, chỉ xin cái tiếng nói của Đài làm sao về đươc đồng bào mình thôi”!
Ông trăn trở mãi về niềm mong mỏi đó, nên đã tập hợp anh em làm đề án trình Chính phủ tìm cách đưa làn sóng Đài TNVN đến vùng sâu, vùng xa. Đề án sau đó được duyệt, nhờ đó mà hàng nghìn cụm truyền thanh xã, hàng trăm cụm truyền thanh cấp huyện được trang bị với những TVRO thu sóng vệ tinh.
Dấn thân vào nghề báo hơn 50 năm với bao vất vả, khó khăn, niềm tự hào lớn nhất của ông là được góp phần đưa tin nhiều sự kiện quan trọng như phản ánh không khí ngày hội thống nhất non sông, có mặt tại chỗ khi cuộc chiến biên giới phía Bắc nổ ra, lăn lộn với nhiều thôn xóm trong những ngày nóng bỏng khoán 100, khoán 10. Ông cũng tự hào là người điều hành chương trình thời sự suốt những năm có “những việc cần làm ngay”, đặc biệt là Đại hội 6 của Đảng - Đại hội ĐỔI MỚI đã đi vào lịch sử. Cùng với các sự kiện, ông được gặp gỡ, tháp tùng những tên tuổi lớn như: Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh, Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Thị Định, Nguyễn Văn Linh…
Có người hỏi từ làm thời sự, làm chuyên đề rồi được đề bạt làm công tác quản lý các đài địa phương có phải là một bước lùi trong nghề”? Ông cười bảo lúc được đề bạt, ông cũng mất ngủ hàng tuần vì tiếc cái nghề báo, nhưng không ngờ ở vị trí mới ông được đi đến nhiều tỉnh, thành của đất nước, cũng như đến với những nước có nên công nghiệp truyền thông tiên tiến và sớm tiếp cận với công nghệ báo điện tử.
Với dự án phát thanh trực tiếp của SIDA Thụy Điển đã giúp ông đến với phát thanh số và các phần mềm xử lý âm thanh từ 20 năm trước. Vào những năm 80, Ủy ban Phát thanh thanh Truyền hình đã cử ông đi nghiên cứu chương trình làm tin không giấy ở Cộng hoà Dân chủ Đức... Đấy là lưng vốn giúp ông đến sớm với internet, đến với báo điện tử.
Khi đến với báo điện tử, kinh nghiệm của phát thanh đã giúp ông trong công tác tổ chức toà soạn. Ông bảo cái mô hình “3 ca 4 kíp” của Thời sự TNVN là cái mô hình rất chuẩn. Rồi cái công thức ở Đài: 4.3.3, 40% tin bài là do phóng viên nhà đài, 30% là nhờ cộng tác viên và 30% là khai thác nguồn tin báo bạn vẫn được ông tính toán để cân đối nguồn lực./.